“Rực lửa” chứng khoán:
2 tỷ USD bị “đánh bay”, đại gia 40 tuổi vẫn thu về hàng chục tỷ đồng
Gần 300 mã “đỏ sàn” trong phiên giao dịch cuối tuần đã “đánh bay” 2 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán. Trong khi hàng loạt sếp lớn của các tập đoàn hàng đầu sụt giảm mạnh tài sản thì đại gia 40 tuổi của Yeah1 vẫn thêm tiền nhờ giá cổ phiếu tăng.
Diễn biến trong vùng giá đỏ trong suốt toàn phiên 5/10 và bị bán mạnh vào cuối chiều, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên 5/10 với mức giảm sâu 15,23 điểm tương ứng 1,49% còn 1.008,39 điểm. Theo đó, vốn hoá thị trường sàn HSX “bốc hơi” 48.649 tỷ đồng (gần 2,1 tỷ USD) trong phiên giao dịch cuối tuần.
Có tới 201 mã giảm giá trên HSX trong khi số mã tăng chỉ là 93 mã. HNX cũng có 91 mã giảm so với 75 mã tăng trong đó các mã lớn đều mất giá đã khiến HNX-Index sụt mạnh 1,6 điểm tương ứng 1,37% còn 114,67 điểm.
Tài sản của nhiều đại gia chứng khoán đã sụt giảm đáng kể trong phiên lao dốc cuối tuần |
Chỉ số chịu sự tác động tiêu cực khi loạt cổ phiếu vốn hoá lớn giảm mạnh. Theo đó, GAS kéo VN-Index giảm 2,38 điểm, VIC giảm 2.100 đồng kéo chỉ số giảm 2,08 điểm, BID giảm 1.250 đồng kéo chỉ số giảm 1,33 điểm, MSN giảm 2.900 đồng kéo chỉ số giảm 1,05 điểm. Ngoài ra, VNM, SAB cùng loạt cổ phiếu ngân hàng CTG, VPB, TCB… cũng “rủ nhau” giảm giá.
Cổ phiếu dầu khí phiên này bị bán ra rất mạnh. Bên cạnh GAS giảm mạnh 4.000 đồng thì PLX cũng mất tới 2.500 đồng, PVS mất 1.200 đồng, PVD thậm chí giảm sàn mất 1.500 đồng, PVI giảm 1.000 đồng, PVB giảm 1.500 đồng, POS giảm 1.000 đồng, PVX giảm sàn.
VCS của Vicostone hôm nay mất tiếp 7.000 đồng lùi xuống mức giá 86.000 đồng. Cổ phiếu VCS diễn biến tiêu cực sau khi doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh dự kiến đáng thất vọng trong quý III/2018.
Cụ thể, trong quý III/2018 này, Vicostone dự kiến đạt 1.056 tỷ đồng doanh thu thuần và 267,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần như không tăng trưởng so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, công ty đạt hơn 3.208 tỷ đồng doanh thu thuần và có lãi sau thuế gần 788,3 tỷ đồng, giảm so cùng kỳ.
Như vậy, Vicostone mới chỉ lần lượt thực hiện được 60,6% và 67,9% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cả năm. Như vậy, để hoàn thành kế hoạch năm 2018, VCS phải có một quý IV/2018 kỷ lục với doanh thu 2,084 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 435 tỷ đồng.
Như vậy, trong phiên này, đại gia Hồ Xuân Năng, ông chủ của Vicostone mất thêm 846,2 tỷ đồng, còn ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup cũng mất 3.916,9 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 lại bất ngờ tăng 3.100 tương ứng 1,4% lên 230.100 đồng. Qua đó, giá trị tài sản cổ phiếu của đại gia 40 tuổi Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch của công ty này tăng thêm hơn 35 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường phiên này tiếp tục tăng cao lên 294,15 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 11.589 tỷ đồng; HNX cũng có 61,4 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 903,26 tỷ đồng. Đáng chú ý trong phiên đã diễn ra giao dịch thoả thuận khối lượng lớn tới 59,73 triệu cổ phiếu MSN với tổng trị giá 5.328 tỷ đồng.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đà giảm của thị trường được duy trì trong suốt phiên giao dịch và có dấu hiệu tăng dần về cuối phiên. Đây là tín hiệu không tốt đối với diễn biến của thị trường trong những phiên đầu tuần tới.
Thanh khoản đạt 207 triệu cổ phiếu, tăng mạnh so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình. Độ rộng thị trường tiêu cực với sự bao phủ gần như hoàn toàn của số mã giảm điểm. Áp lực chốt lời gia tăng mạnh khi chỉ số và nhiều nhóm cổ phiếu tiếp cận vùng kháng cự mạnh.
BVSC lo ngại, chỉ số nhiều khả năng sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 996-1003 điểm trong những phiên đầu tuần kế tiếp. Phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại của chỉ số được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại vùng điểm này.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng, chỉ số có thể tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ mạnh 976-983 điểm.
Công ty này khuyến nghị nhà đầu tư, tỷ trọng danh mục tiếp tục duy trì ở mức tối đa 50% cổ phiếu trong giai đoạn này. Có thể thực hiện mua lại một phần các vị thế đã bán trước đó hoặc mua mới với tỷ trọng thấp tại vùng 996-1003 điểm.
Còn theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chỉ số giảm sâu cùng thanh khoản tăng cao cho thấy áp lực chốt lời gia tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (nhiều cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh).
Thị trường bước vào nhịp giảm điểm sau khi VN-Index đã tăng mạnh trước đó và chạm vùng kháng cự mạnh 1020-1025 điểm. Tuy vậy, theo VDSC, cơ hội đầu tư vẫn xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 đang dần hé lộ.
Theo Dân trí