Người thầy đưa đò trên xe lăn
"Tàn nhưng không phế" câu nói của Bác Hồ đã trở thành động lực giúp chàng trai trẻ Chu Quang Đức (xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) vượt lên nỗi đau da cam để trở thành giáo viên dạy tin học của Trường THPT Mê Linh. Chu Quang Đức đã viết lên câu chuyện cổ tích mới về cuộc đời.
Đến trường trên lưng bố
Gặp Chu Quang Đức trong giờ nghỉ trưa tại Trường THPT Mê Linh, ấn tượng của chúng tôi về Đức chính là niềm tin và nghị lực sống lớn lao ẩn đằng sau thân hình nhỏ bé. Mặc dù trong giờ nghỉ trưa, nhưng người thầy giáo trẻ vẫn miệt mài giúp đỡ các em học sinh bổ sung thêm kiến thức về tin học. Tâm sự về những câu chuyện cuộc đời, đôi mắt người thầy giáo trẻ thoáng vẻ trầm tư, “đến tận bây giờ tôi vẫn không tin mình và gia đình có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để có được như ngày hôm nay”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh em, từ nhỏ Đức đã không đi lại được như các bạn cùng trang lứa khác. Chân tay và toàn thân teo quắt lại. Gia đình tưởng Đức mắc căn bệnh lạ nên đã đưa đi khắp các bệnh viện lớn để chữa trị nhưng đều không có kết quả. Vì phải lo thuốc thang chạy chữa nên kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Mãi khi lớn lên, Đức mới biết mình bị di chứng chất độc da cam từ người cha đã từng một thời lăn lộn trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhớ lại những tháng ngày ấu thơ đầy đau khổ đó, Đức tâm sự: “Khi lên 10 tuổi tôi chỉ như đứa trẻ lên 5, đặt đâu, ngồi đó. Cuộc sống nghiệt ngã đã khiến tôi trở lên lầm lì ít nói, hay cáu gắt với mọi người xung quanh. Nhiều lần tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến những điều xấu nhất. Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi đã nói với bố mẹ rằng: Con sống như thế này thà để con chết đi cho bố mẹ bớt khổ. Lúc đó, bố mẹ cùng ôm tôi khóc và khuyên tôi hãy cố gắng sống rồi sẽ trở thành người có ích cho xã hội”.
Đến tận bây giờ, khi đã trở thành một người thầy, Đức luôn cho rằng mình sẽ không có được như ngày hôm nay, nếu hồi đó không có ánh sáng tri thức thôi thúc. Đức nhớ lại: “Ngày đó đến trường luôn là khát khao cháy bỏng của tôi. Nhiều lần, nhìn các bạn nô nức đến trường, tôi lại tha thiết xin bố mẹ đi học. Những lúc đó, bố mẹ thương con nên đặt ra rất nhiều câu hỏi như: Con bệnh tật nếu có bạn bè trêu trọc thì biết làm sao? Tay cầm thìa xúc cơm còn không nổi làm sao cầm bút viết và thước kẻ được… Nhưng rồi trước quyết tâm của tôi, bố mẹ cũng chấp nhận dù trong lòng còn mang nhiều nỗi băn khoăn, suy nghĩ”.
Những tháng ngày đi học với các bạn bình thường đã vất vả, với Đức còn khó khăn gấp trăm lần. Ngày nào cũng vậy, Đức đến trường trên đôi vai của bố. Hình ảnh 2 bố con hôm thì cõng trên lưng, hôm trên xe đạp đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Hôm nào bố bận công việc, các thành viên khác trong gia đình lại thay nhau đưa Đức tới trường. Ngày nắng như thiêu đốt hay những ngày rét tái tê, những cơn đau tái phát đau buốt đến toàn thân, nhưng không vì thế mà Đức nghỉ học. Với Đức học tập vừa là khát khao, vừa là động lực giúp Đức vượt qua mặc cảm, cũng như mọi khó khăn trong cuộc sống. Để rồi suốt 12 năm học Đức đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, được bạn bè, thầy cô quý mến. Ngày cầm giấy trúng tuyển vào khoa Tin học, Trường đại học Sư phạm 2, Đức đã khóc vì sung sướng. Vượt qua những khó khăn thử thách trong suốt quãng thời gian theo học đại học, với sự nỗ lực của bản thân, gia đình, sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, tấm bằng đại học là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực không mệt mỏi, biết vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống để trở thành người có ích cho xã hội.
Chở chữ trên xe lăn
Bây giờ, ngồi nghĩ lại Đức luôn cho rằng, cuộc sống luôn công bằng với những ai có nghị lực sống, đặc biệt là những người khuyết tật. Dù có khó khăn đến thế nào nhưng nếu có niềm tin sống, tất cả những ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
Năm 2009, Đức ra trường và làm việc tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chiến tranh TP Hà Nội. Năm 2010, Trường THPT Mê Linh xét tuyển công chức giáo viên dạy tin học tại trường, Đức nộp hồ sơ tham dự và đã trúng tuyển vào trường. Sau những gian nan vất vả, vượt lên những đắng cay nghiệt ngã của cuộc sống, tâm nguyện của Đức đã trở thành hiện thực. Trở thành giáo viên dạy tin học, Đức luôn mong muốn mình sẽ đem những kiến thức đã tiếp thu được truyền tải lại cho các em học sinh, giúp các em có kiến thức am hiểu về công nghệ thông tin để áp dụng vào cuộc sống. Hiện tại, Đức được phân công dạy tin học cho các em học sinh lớp 11 và 12. Đức luôn quan niệm, dạy các em cuối cấp thì phải luôn cố gắng học tập để có thể truyền tải có các em những kiến thức tin học về Excell và Pascal để khi các em lên đại học có thể áp dụng những kiến thức đó trong học tập và làm việc.
Không chỉ là thầy giáo dạy tin học của Trường THPT Mê Linh, Đức còn mở một lớp học dạy Toán cho các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 tại nhà. Học sinh đến với Đức chủ yếu là các em ở trong thôn và các địa phương lân cận. Lớp học tuy còn sơ sài, thiếu phương tiện dạy học, thiếu bàn ghế và bảng viết nhưng không vì thế mà số lượng học sinh đến lớp ít đi mà ngày càng nhiều em đăng ký theo học. Với sự tận tình dạy dỗ của người thầy giáo trẻ, với những kiến thức toán học chắc chắn, bám sát chương trình học phổ thông, nhiều học sinh của Đức đã bước chân vào giảng đường của các trường đại học lớn như ĐH Sư phạm 1; ĐH Thương mại, ĐH Bách Khoa, ĐH Giao thông vận tải…
Đức chia sẻ rằng: Mình muốn gửi thông điệp đến tất cả mọi người, đặc biệt người khuyết tật, ở đời luôn có những ranh giới giữa sự tuyệt vọng và sự vươn lên, giữa sự sống và cái chết, muốn vượt qua ranh giới ấy cần phải có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Cơ hội vượt lên số phận luôn có cho tất cả mọi người, điều quan trọng phải luôn biết tận dụng cơ hội và đừng bao giờ để mất cơ hội đó.
Ninh Thiên – Phước Hà