Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh
Biến triết lý, khẩu hiệu thành hành động
(PetroTimes) - Gánh vác sứ mệnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập, mỗi doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp để phát triển bền vững. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của một số nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” diễn ra mới đây.
PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp: Kiến tạo, chuẩn hóa văn hóa doanh nghiệp
Các cuộc cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp nào cũng cho nhân loại cả cơ hội phát triển lẫn thách thức, song thực tiễn lịch sử cho thấy, phần cơ hội, khả năng phát triển nhiều hơn. Và, sự thành công phụ thuộc chủ yếu vào tầm nhìn và quyết tâm thực hiện đổi mới, sáng tạo của các chủ thể, trung tâm là doanh nghiệp (DN) và người dân.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) của DN Việt Nam trong tương lai phải được kiến tạo, chuẩn hóa theo các nguyên tắc:
Tăng cường giao tiếp, tương tác: Khả năng giao tiếp và kết nối của những cỗ máy, thiết bị, máy cảm biến và con người qua mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc mạng lưới nhóm vạn người kết nối Internet. Hoạt động của DN và Chính phủ phải có sự minh bạch về thông tin để bảo đảm một môi trường dân chủ cho người dân và DN có thể quản trị công việc một cách hiệu quả. Mặt khác, nó tạo ra kho dữ liệu quốc gia rất lớn đó là Bigdata, tạo ra trong VHDN một xu hướng đòi hỏi các chính sách của các nhà lãnh đạo và quyền quyết định họ có thể tham gia, giám sát… nhờ vậy sẽ nâng cao được hiệu suất, tốc độ ra quyết định và hiệu quả chung cao hơn.
Phải có công nghệ hỗ trợ: Điều này làm cho quản trị dựa vào VHDN có thể tích hợp, kết hợp những nguồn lực, phương pháp quản trị khác như quản trị bằng luật pháp, công nghệ, tự động hóa và nó sẽ trở thành nền tảng kết nối các phương pháp quản trị khác. Nguyên tắc về phân quyền ra quyết định là sự chia sẻ về năng lực ra quyết định giữa con người và trí tuệ nhân tạo, người máy có thể quyết định những công việc đơn giản.
Tọa đàm với chủ đề “Làm sao để văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu” |
Đặc biệt là phải chú ý tới quan điểm, thái độ và cách tiếp cận về đầu tư, phát triển công nghiệp và nền kinh tế trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đó là: Sự phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh mới phải tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức, nhân văn, tức là công nghiệp máy móc là để phục vụ con người vì sự phát triển toàn diện con người. Chúng ta không được phép chỉ vì nâng cao hiệu quả, theo đuổi lợi nhuận mà khiến hàng vạn, hàng triệu công nhân mất việc, phải ra đường, cần cho họ cơ hội và được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, công việc khác có mức thu nhập không kém công việc cũ. Viễn cảnh công nghiệp 4.0 không còn tốt đẹp nếu xuất hiện tình trạng “người có tình nhân, kết hôn với robot”, con người phải phục vụ các sếp là robot.
Muốn hệ thống DN và nền kinh tế Việt Nam phát huy được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững thì cần có trước những con người và định dạng VHDN phù hợp với thời kỳ CMCN 4.0.
Cần nhận thức rõ quản trị VHDN là một phương pháp quản trị doanh nhiệp cơ bản, là nền tảng của sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới. Khi coi quản trị VHDN giống như quản trị tài chính, quản trị chiến lược…, buộc người lãnh đạo DN phải xây dựng VHDN một cách bài bản, tích hợp được các yếu tố công nghệ mới của CMCN 4.0.
VHDN không chỉ là một phương pháp, công cụ quản lý mà còn là một nguồn tài sản quý giá của doanh nghiêp. Tạo lập và quản trị một nền VHDN mạnh, có giá trị lâu dài là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiêp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng và phát triển bền vững trong thời kỳ CMCN 4.0.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu
Trong nhiều cách nhìn nhận về thương hiệu, có một cấu phần mà nhiều DN thường bỏ qua, đó là sự cảm nhận từ phía khách hàng. VHDN không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ một giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày từng giờ tác động đến hoạt động của DN. Một DN không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình. Xây dựng thương hiệu là tạo dựng lòng tin và uy tín về sản phẩm. Có sản phẩm tốt chưa đủ mà còn cần phải làm sao cho khách hàng hiểu được sản phẩm thực sự tốt, phải làm sao có cách thức kinh doanh tốt, ứng xử chuẩn mực với khách hàng, đối xử công bằng, đúng pháp luật, nhân văn với người lao động trong doanh nghiêp.
Bản thân DN hiện nay quan niệm về sản phẩm cũng chưa hoàn toàn đúng, rất nhiều người nói đến sản phẩm, chất lượng sản phẩm chỉ quan tâm đến phần cứng của sản phẩm như hình thức đẹp, độ bền cao, tích kiệm nhiên liệu… mà không chú ý đến những thuộc tính cố hữu, phần mềm của sản phẩm, đó là các dịch vụ đi kèm, tư vấn, chăm sóc khách hàng trong và sau khi bán.
Muốn hình thành, xây dựng thương hiệu bền vững phải cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu, nơi thể hiện những giá trị văn hóa mà DN theo đuổi: Từ một ấn phẩm quảng cáo, một chương trình quảng cáo, hoạt động PR, đến việc tiếp xúc khách hàng của nhân viên, website DN…, làm sao bảo đảm tính nhất quán những giá trị VHDN.
Mục tiêu cuối cùng của xây dựng VHDN là hướng đến khách hàng chứ không phải tạo ra một sân chơi cho người lao động trong DN. Xây dựng VHDN không chỉ đơn giản là tạo ra một bộ quy tắc ứng xử trong nội bộ DN. Giá trị vật thể, phi vật thể tích lũy từ thế hệ người lao động này sang thế hệ người lao động khác trong DN không mang lại giá trị gì nếu tất cả không hướng tới khách hàng.
Để làm tốt việc ứng xử với khách hàng không phải tốn quá nhiều tiền để PR. Thương hiệu đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái bắt tay, là lời thăm hỏi đối với khách hàng... chứ không hẳn là phải lên truyền hình để quảng cáo. Cốt lõi là sản phẩm và chất lượng dịch vụ, là niềm tin mà mỗi DN mong muốn gửi gắm đến cộng đồng.
Bà Chu Thị Thu Hằng - Tổng biên tập Báo Văn hóa: Yếu tố quyết định sự thành bại của DN
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, xây dựng VHDN và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng. Cũng chưa bao giờ vấn đề VHDN, đạo đức kinh doanh lại được các DN, doanh nhân chú trọng như bây giờ, bởi đó chính là chìa khóa mang lại thành công cho DN.
Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đội ngũ doanh nhân luôn đóng vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển tiềm lực kinh tế quốc gia, nâng cao chỉ số cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam.
VHDN và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại, cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi DN trên thị trường. Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đã nêu rõ: “Xây dựng VHDN, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các DN, doanh nhân, xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.
Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các DN đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các DN. Đã có không ít DN vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng. Nhiều DN từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể... Những bài học đau xót đó cho thấy vấn đề VHDN và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi DN mà ngược lại, VHDN và đạo đức kinh doanh phải luôn luôn được các DN, doanh nhân xem như một triết lý sống còn của sự tồn tại và phát triển của mình.
Ông Phạm Đức Bình - CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam: Đề cao sự sáng tạo của mỗi cá nhân
Trong DN ngày nay, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, xây dựng VHDN đều là nhiệm vụ bắt buộc phải làm nếu muốn phát triển bền vững. Trong đó, sự tác động của thương hiệu tới văn hóa vô cùng to lớn. Như vậy, trong kinh doanh, chúng ta không chỉ cần chú ý đến văn hóa hữu hình mà còn phải quan tâm phát triển những cấu trúc của VHDN. Điều quan trọng là trong VHDN, những giá trị hữu hình và vô hình phải luôn đan xen và bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải cản trở nhau. Xây dựng được một thương hiệu mạnh đem lại cho DN nhiều thứ, trong đó có những thứ không lượng hóa được như uy tín, quan hệ, sự nổi tiếng…
Mặc dù là một DN còn khá non trẻ, nhưng BNC đã gây được tiếng vang bởi phong cách làm việc chuyên nghiệp cùng những giải pháp quản lý và bán hàng thực sự mang lại hiệu quả vượt trội cho khách hàng DN vừa và nhỏ. Có được điều đó, ngoài sự đồng lòng và những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên công ty, không thể không kể tới nền tảng VHDN mà công ty đang xây dựng và hoàn thiện.
Quan điểm của tôi khi xây dựng VHDN đặc thù của BNC là đề cao sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng nhân tố trong công ty là những mắt xích quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động và vận hành của công ty. Mỗi lãnh đạo công ty vừa là người thầy vừa là người anh giàu kinh nghiệm. Ở BNC không có khái niệm khoảng cách giữa sếp và nhân viên, chỉ có sự sát cánh chung sức đồng lòng dựng xây công ty ngày càng vững mạnh.
Ông Johan Alvin - Trưởng ban Thương mại Đại sứ quán Thụy Điển: Không câu nệ hình thức trong DN
Trong xây dựng văn hóa tại các DN Thụy Điển, yếu tố quyết định đến sự thành công của các DN Thụy Điển là sự cởi mở, công khai, minh bạch và sự đổi mới, sáng tạo; không câu nệ hình thức trong môi trường DN, tổ chức; đề cao sự đồng thuận, nhất trí cao của các thành viên trong một tổ chức, DN trong quy trình đưa ra quyết định; tôn trọng quyền cá nhân và khuyến khích sự bình đẳng. Ngoài ra, các DN Thủy Điển luôn cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giữa mỗi cá nhân trong DN, môi trường làm việc thoải mái sẽ giúp mọi người có tư duy tốt, có những sáng tạo hiệu quả để phát triển công ty.
Bên cạnh đó, Thụy Điển rất chú trọng đầu tư cho hệ thống giáo dục, bởi giáo dục đã tạo ra môi trường nuôi dưỡng sự tò mò, sáng tạo của mỗi người, sau này được thể hiện trong môi trường kinh doanh tại DN, chẳng hạn như: Khi đưa ra một quyết định, giải pháp để xử lý một thách thức hoặc khi tiếp cận, nắm bắt cơ hội, DN thường khuyến khích toàn bộ nhân viên, những đối tác cũng như các đồng nghiệp tham gia để đưa ra ý tưởng, sáng kiến chung tốt nhất.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Mười mấy năm thực hiện khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, dường như các DN Việt Nam mới chỉ tìm cách giải cứu nhau chứ chưa thực sự chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng và niềm tin dành cho các sản phẩm “made in vietnam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Liệu văn hóa có trở thành ngọn đuốc soi đường cho các hoạt động, triết lý kinh doanh của các DN, doanh nhân Việt Nam không? Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, VHDN và đạo đức kinh doanh chính là yếu tố then chốt, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi DN... Để có thể đi đến thành công, VHDN như ngọn đèn, ngọn đuốc soi đường. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nơi tối nhất chính là ở dưới chân đèn. Vì vậy, để VHDN, đạo đức kinh doanh thực sự phát huy sức mạnh, mỗi DN, doanh nhân thay vì dừng mãi ở triết lý, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cụ thể hóa triết lý thành hành động. Bà Phùng Thu Trang, Trưởng Ban Truyền thông Công ty CP Viễn thông FPT: Nếu người lãnh đạo có tâm, trân trọng DN của mình, không đặt yếu tố lợi nhuận lên cao nhất thì sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ, đẩy mạnh các yếu tố chia sẻ, truyền thông nội bộ... để chuyển tải đến các nhân viên những giá trị cốt lõi của DN. |
Nguyễn Hoan