Bí ẩn nơi đất bùa
Bùa ngải! Có lẽ nhiều người nghe thấy cụm từ này qua lời kể huyễn hoặc của ai đó có thói quen dựng chuyện tào lao. Và cũng từ những lời kể mang sắc màu liêu trai ấy, tôi quyết tâm lên đường đi tìm bùa ngải trên rừng để tìm ra sự thật.
Tận mục sở thị chiêu bỏ bùa huyền bí
Xe khách dừng hẳn, trước mắt tôi, khu phố nghèo huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nằm dựa lưng vào núi. Ánh nắng chiều hắt xuống qua những nếp nhà tạo thành những tia vằn vện in xuống mặt đường. Tôi táp vào một quán lá ven đường, gọi chén nước rồi cất tiếng hỏi thăm: “Từ đây vào bản của người Mường Ao Tá còn bao xa, đường có dễ đi không cụ ơi”. Cụ già bán nước nghe câu hỏi, rồi như giật mình nhìn tôi từ đầu đến chân. Cụ không trả lời mà cúi xuống làu bàu: “Lại có người muốn đi giải quyết ân oán rồi đây”.
Vừa đứng dậy trả tiền, ngay lập tức, gã xe ôm phanh kít xe trước mặt tôi, hất hàm hỏi: “Chú em về đâu, lên anh chở, giá hữu nghị thôi”. Tôi nói gọn lỏn: “Vào Ao Tá, anh đi không?”. Gã xe ôm nghe thế miệng nín như thóc ngâm, mặt đuỗn ra. “Gấp đôi tiền, giúp đỡ nhau là chính, anh chở em đi nhé”, tôi khẩn khoản. Gã liền nhảy phóc xuống, nói thầm vào tai: “Chẳng phải anh chê tiền, chú bảo anh chở lên giời anh cũng đi nhưng vào đó gấp mười lần tiền anh cũng chịu. Dân trong đó lớn lên đã biết làm bùa, mà họ làm chuẩn lắm. Vào đó lỡ họ táy máy làm cho mình một “nhát” thì rồi đời”.
Sau khi “gạ gẫm” vài gã xe ôm nữa bằng chiêu thức “gấp đôi tiền” mà không có kết quả, tôi bấm máy gọi cho anh bạn tên Phăng, người Hòa Bình. Anh ngần ngừ nhưng rồi bảo: “Sống chết có số, thử liều với cậu một phen xem sao”. Nửa tiếng sau anh đến, xe máy xuất phát từ chân cầu Hôm, lúc đó khoảng 16 giờ, trời đã bắt đầu xâm xẩm tối.
Anh Phăng bảo: “Tớ nghe người làng bảo ở trong này có thầy bùa tên Đinh Thị Hạnh là đệ tử chân truyền của người Ao Tá. Bà này điều khiển được âm binh, có thể làm cho người ta dở điên dở dại hoặc chết bất đắc kỳ tử”.
Chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà bà Hạnh. Căn nhà sàn nằm hiu hắt dưới chân đồi, ánh sáng hắt ra những tia vàng ệch, ma quái. Tôi dợm chân bước vào nhà, lớn tiếng cất giọng như để tự trấn an mình. “Ai đó, có việc gì, lên đây”, một giọng phụ nữ phát ra từ trên gác.
Chúng tôi dò dẫm lên cầu thang đã ọp ẹp, khói hương trầm nghi ngút bay. Trong một căn phòng rộng, một người đàn bà xõa tóc ngồi trước ban thờ, đầu trùm khăn trắng, trước mặt là một chậu nước nhỏ. Bà ta cầm que hương đang cháy dở, ngửa mặt vẽ vào không gian những đường kỳ dị. Miệng bà lẩm bẩm đọc một thứ ngôn ngữ gì đó mà không ai có thể hiểu nổi.
Chúng tôi chưa kịp nói thì người đàn bà đã lên tiếng: “Các chú chắc là người ở xa đến. Có việc gì, nói ngắn gọn thôi”. Tôi lắp bắp trình bày “kịch bản”: “Dạ, thưa thầy, con dưới Hà Nội, nghe tiếng thầy nên tìm lên đây. Cũng chỉ vì đường tình duyên lận đận, trót yêu thương một người phụ nữ đã có gia đình. Con mạn phép xin thầy làm bùa cho người phụ nữ kia đứt duyên với chồng mà sẵn sàng chung sống với con. Chi phí mọi thứ xin thầy không phải nghĩ”.
Tôi vừa dứt lời, thầy Hạnh quay ra, kéo chiếc khăn trắng trên đầu xuống. Người phụ nữ này có khuôn mặt trắng bệnh, đôi mắt lờ đờ rất khó đoán tuổi. Bà ta cất giọng: “Việc này là việc ác, cậu không sợ cái tâm mình cắn rứt hay sao”. Tôi thưa: “Hạnh phúc của người này lại là bất hạnh của người khác. Người phụ nữ ấy đã có lòng yêu thương con nhưng còn trù trừ lắm. Con đã nghĩ kỹ rồi, xin thầy cứ mạnh tay giúp đỡ”.
Thầy Hạnh không nói gì. Anh Phăng ngồi cạnh mặt tái mét, run rẩy trình bày. Nhà anh ở thị xã Hòa Bình, buôn quần áo đã nhiều năm nay. Thế nhưng từ khi ông hàng xóm bên cạnh mở ra một cửa hiệu bán quần áo thì khách nhà anh chuyển hết qua đó mua. Anh muốn nhờ thầy làm bùa cho chủ nhà bên bị làm sao đó thì tùy thầy.
Bà Hạnh đưa ra một cuốn sổ nhàu nát, yêu cầu chúng tôi viết tên họ cùng những đối tượng cần bỏ bùa vào đó. Tôi lật cuốn sổ, đọc thật nhanh những dòng địa chỉ và yêu cầu của những thân chủ trước đó. Nó dường như là một thế giới thu nhỏ của những mâu thuẫn trong cuộc sống tranh giành, chụp giật. Rất nhiều người phụ nữ có chồng ngoại tình, phải tìm đến đây làm bùa cho chồng hồi tâm chuyển ý. Có những địa chỉ ở mãi tận Kon Tum cũng đã để lại bút tích trong cuốn sổ nhỏ này.
Chúng tôi hí hoáy viết bừa ra một tên người với những địa chỉ không có thật. Bà Hạnh cầm sổ, rà từng chữ một sau đó để cuốn sổ phía trước mặt. Bà đến góc nhà, nhúm một ít muối trắng để vào giữa chiếc mâm đồng. Bà đốt hương, vẽ lên trời rồi nhìn chằm chằm vào nhúm muối, đọc một một bài như thần chú bằng tiếng Mường. Sau khoảng 15phút yểm bùa, bà dúm gói muối ấy lại một mảnh giấy cũ, nói với tôi: “Cậu đưa gói muối này về, lén bỏ vào nồi canh hoặc cốc nước người phụ nữ đó uống. Sau khi người phụ nữ uống phải nước đó sẽ tự nhiên tìm đến với cậu”.
Bà Hạnh nhìn anh Phăng, giọng rầm rì: “Việc của cậu là việc không đơn giản, tôi phải trực tiếp xuống nhà cậu để làm bùa. Tôi sẽ yểm bùa vào miếng gừng này, chính tay tôi sẽ lén vứt miếng gừng này vào nhà đó. Họ sẽ tự nhiên bị tai nạn mà tàn tật suốt đời”.
Trước khi về, bà Hạnh còn nói thêm: “Những việc này cũng không chắc mà thành được. Nếu người bị bỏ bùa cao số hơn số tôi thì chịu, các cậu đành đi tìm thầy khác vậy”.
Chúng tôi ậm ừ, vội vã lên xe, nhanh chóng ra khỏi ngôi nhà ấy. Khi đã đi được một đoạn đường xa, chân tay tôi vẫn còn run lẩy bẩy.
Cứ gặp thầy bùa, mọi chuyện sẽ được giải quyết
Sáng hôm sau, để chứng thực lời bà Hạnh nói, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thắm, 44 tuổi ở thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, người được giới thiệu là một “ca” làm bùa thành công của thầy Hạnh.
Chị Thắm đi vắng, chỉ có cháu Trần Văn Huy, sinh năm 1990, là con trai chị ở nhà. Khi được biết chúng tôi cũng là những người gặp “tai bay vạ gió”, muốn tư vấn trước khi tìm gặp thầy bùa, Huy sởi lởi: “Nhà em buôn ngô đã hơn chục năm nay, mẹ em bị chủ quán nhà bên bỏ bùa đến mụ mị con người, chẳng thiết làm ăn, suốt ngày đi lang thang, tối về nằm ngoài hiên ngủ mà nhất định không chịu vào nhà”.
Gia đình đưa chị Thắm đi khắp các bệnh viện chữa trị, thuốc thang nhưng bệnh tình của chị không hề thuyên giảm. Không còn cách nào khác, mọi người đành tìm thầy giải bùa. Một thời gian sau, chị Thắm bất ngờ khỏi bệnh trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Huy bật mí: “Có vay có trả anh ạ, nhà em đang làm bùa ác, trả đũa lại nhà kia”. Khi hỏi có kết quả gì chưa thì Huy im thít, không nói gì nữa.
Từ câu chuyện nhà chị Thắm, những câu chuyện dân gian về bùa chú đồn đại từ người này qua người khác tạo thành một bức màn bí hiểm đến hãi hùng. Với nhiều người ở đây, có bất cứ khúc mắc gì trong cuộc sống, họ đều tìm đến thầy bùa với hy vọng sẽ giải quyết nhanh gọn mà không cần sự giúp đỡ của các cơ quan pháp luật.
Nhà ông Lò Văn Luông ở xã Yên Sơn, Đà Bắc có đôi trâu đang thời kỳ tráng kiện. Tối nào trước khi đi ngủ ông cũng ôm cho chúng một bó rơm khô để trâu ăn. Vào một đêm mưa, kẻ trộm phá cửa chuồng dắt mất đôi trâu quý của ông. Như một phản ứng tự nhiên, ông tìm đến nhà thầy Thượng mãi tận mạn Mường Lát mời lên để “phá án” cho mình.
Câu chuyện của vợ chồng anh Đinh Văn Đà, sinh năm 1983 ở xóm Riều Bồ, Tân Minh, Đà Bắc cũng làm cho nhiều người bán tín, bán nghi về tác dụng của bùa yêu. Anh Đà và vợ anh là chị Hà Thị Ánh, sinh năm 1984 đã có một mặt con. Đầu năm 2006, chị Ánh bàn với chồng rồi xin phép gia đình ra thị xã Hòa Bình làm công nhân xưởng may. Một thời gian sau, Ánh quay về bất ngờ làm đơn ly dị, nhất quyết đòi chia tay anh Đà để theo một người đàn ông khác bỏ mặc mọi lời khuyên ngăn của gia đình. Không còn cách nào khác, gia đình anh Đà đành bí mật nhờ thầy gieo bùa cho Ánh để Ánh hồi tỉnh mà quay lại với chồng con.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi vài ngày sau, Ánh “dính” bùa đã tự động xin lỗi bố mẹ chồng, bỏ ý định cắt đứt với chồng. Hàng xóm biết chuyện đều phục lăn lá bùa hiệu nghiệm. Một đồn mười, mười đồn trăm, tiếng tăm của bà Hạnh cứ từ đó lan ra khắp vùng.
Hệ lụy từ những bài bùa ác
Tiếng tăm của bà còn lan xuống tận Hà Nội, nhiều người nghe tiếng đem tận xe hơi lên đón bà xuống thủ đô để gieo bùa. Chị Đinh Thị Mí, hàng xóm của và Hạnh kể: “Xe cộ cứ nườm nượp, chẳng biết thực hư thế nào nhưng người dân ở đây ai cũng sợ bà ấy. Bà Hạnh đi có khi hàng tuần nhưng không bao giờ khóa cửa, cánh nghiện hút dù “vật” thuốc đến cỡ nào cũng chẳng dám bén bảng đến đó ăn trộm. Ai mà chẳng sợ chết hả chú”.
Sự việc không dừng lại ở đó, bởi đến giờ, bất cứ có người nào chết ở Yên Sơn, người ta đều dấy lên trong lòng một mối nghi ngờ: “Chẳng biết họ có gây thù chuốc oán với ai không? Không biết là họ chết bệnh hay chết vì bùa?”. Và đến giờ, cho dù không nói ra, sự nghi kị, dè chừng nhau vẫn đang hàng ngày, hàng giờ âm ỉ trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Theo lời nhiều người già ở Yên Sơn, bản người Mường Ao Tá có đến 80% biết làm bùa. Nỗi sợ hãi của nhiều người làm cho bản ấy trở nên “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trai gái lớn lên không đi lấy vợ ở nơi khác được vì ai cũng sợ, họ đành “trai làng ta lấy gái làng ta”. Hy hữu lắm mới có cô gái về làm dâu trong bản đó, họ cũng không bao giờ được truyền phép làm bùa với lý do: “Dạy cho con dâu để nó hãm hại lại mẹ chồng à”.
Những ai đã nghe chuyện bùa ngải ở Ao Tá thì không bao giờ dám lai vãng vào bản. Họ truyền tai nhau những câu chuyện hãi hùng như thế này: Những người Ao Tá khi mới học làm bùa thường hay thử hiệu quả những lá bùa của mình. Thấy khách lạ, họ cứ thử bừa, không hiệu quả thì thôi, còn hiệu quả thì chỉ có đường chết.
Bản đó dần trở nên cô lập giữa mênh mông núi rừng. Đường vào bản đã khó, nay càng khó hơn bởi những gập gềnh ma quái, huyền bí. Có khi họ bị cô lập bởi chính những lời đồn thổi của những người hiếu kỳ, bán tín bán nghi.
Họ “nể” nhau đến độ, trên nương sắn của xã Yên Sơn có một quán nước, tạm gọi là “quán nước tự giác”. Tự giác bởi quán ấy chủ không phải ngồi coi hàng và thu tiền. Ai đến ăn quả chuối, uống cốc nước chè phải nhớ khi đứng dậy móc tiền bỏ vào ống nứa. Chẳng ai dám gian lận một đồng bởi ai cũng sợ, lỡ chủ quán tức giận mà gieo cho một quẻ bùa ác thì tàn đời.
“Giải mã” những lá bùa
Trước những lời đồn đại và thái độ hoang mang của nhiều người, chúng tôi quyết tâm đi tìm sự thật của những lá bùa. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người đã từng sử dụng bùa và trong số đó, rất ít người khẳng định lá bùa có hiệu nghiệm.
Anh Đinh Văn Định, người đã từng đến xin bà Hạnh một lá “bùa yêu” kể: “Tôi đã bỏ bùa cô gái tôi yêu nhưng “phép màu” đã không xảy ra. Tôi hỏi lại thì “thầy bùa” Hạnh trả lời: Người làm bùa không phải lúc nào cũng thành công được!”. Khi được hỏi về hiệu quả lá bùa dành cho chị Ánh, bà Xa Thị Xứng là mẹ chồng Ánh, người trực tiếp đi làm bùa thở dài thượt: “Đồn đại thế thôi chứ không ăn thua gì đâu chú ạ. Con dâu tôi vẫn bỏ chồng, bỏ con, đi theo một người đàn ông mãi dưới Hà Tây. Thằng Đà con tôi giữ vợ không được cũng đã lấy vợ khác rồi. Lá bùa tôi làm cho con dâu chẳng có tác dụng nào cả”.
Theo ông Lê Trung Kiên, cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ – người có nhiều năm tìm hiểu về bùa chú của người vùng cao thì, trường hợp hai người không yêu thương, thậm chí ghét nhau, nhưng chỉ bằng một lá bùa mà có thể lập tức yêu nhau say đắm, không rời xa được là không bao giờ có. Về chuyện “bùa ác” thì ông Kiên cho rằng, có những người vùng cao biết cách làm những loại thuốc để gây bệnh. Khi ghét ai, bằng cách nào đó, “thầy bùa” có thể dùng thuốc để tạo ra bệnh qua những nghi thức ma thuật huyền bí, linh thiêng để che mắt người thường. Những sự việc đó được thần thánh hóa là do sự linh nghiệm của lá bùa.
Đơn cử như trường hợp của bà Xa Thị Tịnh, sinh năm 1960, ở xóm Riều Bồ, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, chỉ vì tranh chấp 1ha luồng mà bà Xa Thị Huệ (em dâu bà Tịnh) đã nhờ thầy bỏ bùa ác khiến bà Tịnh ốm nặng và chết. Sau cái chết của bà Tịnh, người dân trong xóm núi lại càng hoang mang hơn khi thấy ông Thành (chồng bà Tịnh) bị thần kinh. Tuy nhiên, tìm hiểu hồ sơ bệnh án của bà Tịnh tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, chúng tôi được biết bà Tịnh nhập viện ngày 26/12/2006 do bị sốc nhiễm độc nặng. Ngày 27/12/2006, do bệnh tình quá nặng nên bà Tịnh được đưa về và mất tại nhà.
Điều này chứng minh: Không có lá bùa nào gây nên cái chết của bà Tịnh cả. Rất nhiều người nấp sau bức màn kỳ bí của những lá bùa, giở trò bịp bợm để “móc túi” những người cả tin, thiếu hiểu biết. Bà con các dân tộc vùng cao nên cảnh giác với những mánh khóe vì mục đích kiếm tiền bất chính của các “thầy bùa” để tránh “tiền mất, tật mang”, bị ám ảnh, hoang mang bởi các “lá bùa” và rồi tự cô lập mình như ở Ao Tá thì đến đời con cháu vẫn không bớt nghèo khổ, cô đơn.
Ông Xa Thế Cầu, Chủ tịch xã Yên Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết: Tục làm bùa ngải của người Mường ở đây đã tồn tại từ thời xa xưa. Đến bây giờ, để khẳng định, bùa có tác dụng hay không thì cũng khó lòng mà khẳng định được, cần có một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu của khoa học. Thế nhưng, khi chuyện sử dụng bùa chú đã đi quá giới hạn, gây hoang mang cho dự luận người dân, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn thì chúng tôi kiên quyết dẹp bỏ. Có nhiều đối tượng tự xưng là thầy bùa, tự quyên góp tiền, xây miếu tụ tập cúng bái, lợi dụng bùa chú để truyền bá mê tín dị đoan trên địa bàn xã chúng tôi đều có những biện pháp mạnh để ngăn chặn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kêu gọi sự giúp đỡ của Hội đồng tư vấn pháp lý của Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình, tiến hành tuyên truyền cho bà con hiểu rõ vấn đề mà sống và làm việc theo pháp luật. |
Vũ Minh Tiến