Đề xuất "cấm bán rượu trên internet" gây tranh luận
Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, cấm giao dịch qua mạng... là khó khả thi.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo đưa ra nhiều quy định cấm, như: Cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên; cấm sử dụng các cụm từ "rượu thuốc", "rượu bổ", "bổ dưỡng" ghi trên nhãn sản phẩm rượu, bia; cấm quảng cáo rượu, bia vào "khung giờ vàng" trên phát thanh, truyền hình, từ 18h đến 21h hằng ngày; cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; cấm bán rượu trên mạng internet...
Mua rượu, bia phải xuất trình chứng minh nhân dân?
Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers cho rằng Luật hóa việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, bởi tác hại của lạm dụng rượu, bia là điều không phải bàn cãi.
Ông Vũ ủng hộ các trường hợp không được uống rượu, bia trong dự thảo gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới; người dưới 18 tuổi...
"Các quy định trên là phù hợp để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng" - ông nói.
Nhưng ông lo lắng: "Làm sao để kiểm tra người nào dưới hay đủ 18 tuổi? Người bán có được quyền kiểm tra chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người mua hay không? Hay chỉ kiểm tra bằng việc hỏi đáp".
Cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi có trong luật Phòng chống tác hại của rượu. |
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cũng nêu vấn đề, làm sao các cơ sở kinh doanh rượu bia có thể xác định tuổi của từng người. "Có trẻ em mới 15 tuổi đã cao lớn, ngược lại người ngoài 20 tuổi vẫn nhỏ bé. Không lẽ ai đi mua rượu, bia cũng phải xuất trình chứng minh thư hay sao?" - ông Chất nói.
Phản biện các ý kiến cho rằng việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi khó khả thi, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, quy định mỗi người khi mua rượu, bia phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân chứng minh đã trên 18 tuổi là cần thiết. Nhiều nước đã áp dụng cách làm này, thậm chí cấm bán rượu, bia cho người dưới 21 tuổi.
"Cơ sở nào bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi thì phải phạt thật nặng. Vấn đề là cơ quan nhà nước có phạt được hay không" - bà nói.
Khó xử phạt việc mua bán rượu trên mạng internet?
Theo Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An, Đoàn Luật sư Hà Nội, đề xuất quy định cấm bán rượu trên mạng internet nêu trên là sự kế thừa từ Nghị định 105 của Chính phủ về kinh doanh rượu.
"Mua rượu qua mạng internet thuận tiện hơn tại cửa hàng, siêu thị. Nếu cấm bán trên mạng thì người dân sẽ lại mua theo cách truyền thống nếu họ có nhu cầu. Vấn đề là, nhìn trên phương diện quyền tiếp cận thương mại điện tử thì việc cấm giao dịch qua mạng như vậy sẽ dẫn đến quyền của công dân ít nhiều bị hạn chế" - ông Vinh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc cấm bán rượu trên mạng internet khó khả thi. |
Ngoài ra, luật sư Vinh cho rằng, từ khi Nghị định 105 có hiệu lực đến nay thì hiệu lực, hiệu quả của quy định cấm bán rượu trên internet còn thấp. "Việc mua bán rượu trên mạng vẫn diễn ra tự do, công khai, không mấy ai bị xử phạt về hành vi này" - ông nói.
Luật sư này cũng phân tích, trên thực tế việc mua bán rượu theo cách truyền thống ở các siêu thị, đại lý quá dễ dàng, khi người tiêu dùng có thể mua rượu ở mọi nơi, mọi lúc thì việc cấm mua bán trên mạng không có tác động nhiều đến thực trạng sử dụng rượu bia.
"Phát hiện mua bán rượu trên mạng để xử phạt là rất khó. Người tiêu dùng không khó để lách quy định này" - ông Vinh nêu quan điểm.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hoà Bình đồng tình với quan điểm trên, khi nhận định cấm mua, bán rượu trên mạng rất khó khả thi.
"Bán hàng trên mạng internet đang là xu thế hiện nay. Việc cấm bán rượu trên mạng có đi ngược lại quy luật này hay không?" - nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất phản biện đề xuất của Bộ Y tế.
Băn khoăn tính khả thi của dự Luật
Cho rằng tính khả thi của dự Luật không cao, ông Trịnh Hoà Bình đề xuất, thay vì các quy định cấm, cơ quan chức năng cần bắt đầu từ giáo dục, xây dựng hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam hiện đại, không lạm dụng rượu, bia.
Ông Nguyễn An Chất ủng hộ đề xuất này. Theo ông, nên chú trọng giáo dục từ gia đình đến nhà trường để mỗi người hiểu biết về tác hại của rượu bia và kiềm chế, kiểm soát bản thân.
Bà Khuất Thu Hồng lại lạc quan rằng dự thảo Luật có thể khả thi. Bởi nhiều nước khi ban hành các quy định cấm, hạn chế rượu, bia đều gặp khó khăn, nhưng qua thời gian thực hiện nghiêm ngặt thì đã trở thành nền nếp.
"Ở Việt Nam, để các quy định trên được thực hiện thì cần quyết tâm rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước. Phải giám sát chặt chẽ và truyền thông thường xuyên về tác hại của rượu, bia để người dân hiểu và đồng hành" - bà Hồng nói và nhận định điều quan trọng để Luật được thực thi nghiêm minh là cơ quan quản lý kiên quyết "không bị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia chi phối".
"Nguồn lợi từ rượu, bia mang lại cho các doanh nghiệp rất lớn đồng nghĩa với sức ép lên cơ quan quản lý cũng lớn" - bà nêu quan điểm.
So sánh thực tế ở Việt Nam trung bình giá một lít sữa mua được 2 lít bia, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng nên học tập kinh nghiệm các nước khi buộc những mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá có giá rất đắt đỏ.