Chuyện hai chị em chung một chồng
Câu chuyện đầy cảm động mà mỗi khi nhắc đến chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng phải rưng rưng. Họ đến với nhau không phải bằng cuộc chiến ái tình giành giật chồng con.
Điều đặc biệt, hai chị em ruột lấy chung một chồng, ông không phải là người lắm tiền nhiều của, lại không phải là kẻ thư sinh hào hoa phong nhã. Mà ở đó là tình thương, máu mủ ruột thịt, tình bao dung vun đắp họ đoàn tụ thành người một nhà. Đó là câu chuyện cảm động của người thương binh Trần Văn Thuận lấy hai chị em ruột là Vũ Thị Rần và em gái Vũ Thị Xuân làm vợ ở xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Trước thế nào sau em vẫn thế
Một ngày đầu tháng 7, tôi tìm về quê hương của những chị hai năm tấn. Không biết có phải vùng đất thanh bình màu mỡ phì nhiêu đã nuôi dưỡng những con người giàu tình thương, đức hy sinh cao cả. Trên con đường làng sực nức mùi rơm rạ, mùi lúa mới, cảm nhận cuộc sống no đủ đang hiển hiện trên những ruộng lúa vàng óng ánh trĩu nặng bông chờ thu hoạch.
Không khó để hỏi thăm nhà ông Thuận, chị Xuân, mỗi khi nhắc đến tên gia đình này người dân nơi đây không hề lạ lẫm. Dưới cái nắng gắt của mùa Hè, dù đã thấm mệt nhưng khi chúng tôi đứng lại hỏi đường đám người đang gặt lúa, họ toét miệng cười rồi tranh nhau nói liền tù tì một mạch “cánh nhà báo lại tìm đến để viết bài về vợ chồng ông ấy à? Cả xã này chỉ có mỗi gia đình ông Thuận là trường hợp đặc biệt nhất xã đó”.
Tôi cũng chưa hiểu hết cái “đặc biệt” như họ nói về nhân vật mà tôi đang cần gặp. Sau cái chỉ tay của mấy người cắt lúa trên ruộng, ngôi nhà nhỏ gia đình thương binh Trần Văn Thuận nằm khuất sâu sau rặng tre cuối làng. May mắn ông Thuận có nhà vì đã từ lâu đôi mắt của ông không thể nhìn thấy đường được nữa nên ông hạn chế đi xa.
Chiến tranh đã qua nhưng đau thương còn dai dẳng in hằn trên khuôn mặt, thân thể người thương binh Trần Văn Thuận. Người đàn ông nhỏ thó có nước da đen sạm cùng cặp kính đen như để che lấp đi những bất hạnh của bản thân. Mỗi khi có ai khơi lại chuyện cũ, quá khứ lại hiện về trong ông, hai dòng nước mắt trào ra từ đôi mắt đục ngầu, sâu hoắm mấy mươi năm qua không còn nhìn thấy một tia ánh sáng.
Sinh năm 1948, đến tuổi mười tám đôi mươi, chàng trai Thuận cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng xung phong vào quân ngũ dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Ngày chuẩn bị lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cũng đúng lúc trái tim chưa biết yêu ngày nào đã rung động và đập loạn nhịp khi có người con gái nhà bên cũng bồi hồi xao xuyến chẳng kém gì. Đó là cô thôn nữ Vũ Thị Rần, người con gái phía cuối làng. Tuổi thơ hai đứa gắn bó với nhau từ những khi chăn trâu cắt cỏ, từ những buổi cắp sách đến trường. Họ không nghĩ rằng ngày mai rồi sẽ xa nhau chưa hẹn ngày gặp lại.
Rồi hai người thề non hẹn biển, hẹn ngày về đoàn tụ. Ông Thuận rơm rớm nước mắt nhớ lại ký ức không thể nào quên: “Trước lúc chia tay tôi có nói với Rần nếu anh không may mắn, trở về không lành lặn thì em có còn yêu anh nữa không? Rần đưa tay lên bịt miệng tôi như trách tôi nói dại. Hai đứa ôm nhau khóc thút thít. Ấy vậy mà không ngờ sau này đó lại là sự thật”. Trước ngày lên đường cha mẹ mang trầu cau sang nhà Rần để ăn hỏi, xin phép gia đình được cưới em nó về làm vợ. Ở bên nhau được một ngày thì Thuận phải vào chiến trường, đó là lần cuối cùng người lính nhìn thấy mặt vợ và gia đình”.
Thế rồi đến ngày phải lên đường, chàng trai bỏ lại sau lưng người vợ trẻ cùng gia đình vì nghiệp nước. Thuận có mặt tại đơn vị C71, D25, Đoàn 559, rồi vào chiến trường phía nam Quảng Trị, nơi đây những ngày này là mục tiêu đánh phá xâm lược của kẻ thù. Những năm 68, đế quốc Mỹ trút bom đạn như mưa, cuộc chiến cam go và khốc liệt tưởng chừng không khi nào ngớt, dải đất miền Trung trở thành chảo lửa nóng ran hơn bao giờ hết. Biết bao đồng đội anh dũng ngã xuống nơi chiến trường. Những lần như thế lòng căm phẫn quyết trả thù của những người lính trẻ như Thuận lại sôi sục.
Những lá thư gửi từ địa phương ra tiền tuyến của người vợ, rồi anh đáp thư về nhà cứ thế vẫn đều đều. Đó là nguồn động viên duy nhất giúp Thuận vượt qua gian nan trong khói lửa. Nhưng anh hiểu hơn ai hết, chiến tranh không ai nói trước được điều gì. Chỉ biết hy vọng…
May mắn nhiều lần thoát khỏi cái chết hụt, nhưng số phận đã không bảo toàn tính mạng nguyên vẹn cho người lính trẻ đã từng vào sinh ra tử nơi trận đầu chí tuyến. Kể về cái ngày định mệnh đến với anh, đó là vào một buổi chiều năm 1971, khi Thuận đang cùng với hai đồng đội nữa làm nhiệm vụ ở khu vực Đường 9 – Nam Lào thì không may đã bị trúng mìn.
Ông Thuận nhớ lại: “Khi đã làm xong nhiệm vụ, ba anh em chúng tôi đang hành quân bộ trên đường về đơn vị, không may đi đường gặp phải chỗ địch gài mìn, bỗng nghe một tiếng nổ long trời lở đất rồi sau đó tôi không biết gì nữa”. Hai người đồng đội hy sinh còn Thuận may mắn sống sót nhưng nó đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của Thuận.
Lúc này nỗi đau đớn về tinh thần còn hơn gấp vạn lần nỗi đau về thể xác bởi ở quê nhà còn có người vợ trẻ đang từng ngày trông ngóng anh trở về. Khóc cho số phận thì ít, khóc cho người thân thì nhiều. Thuận trăn trở day dứt, nếu trở về với bộ dạng thân hình điêu tàn, đôi mắt không còn như thế này thì gia đình, người vợ trẻ sẽ sống làm sao? Mình mà trở về sẽ là một gánh nặng cho cả gia đình. Đã nhiều khi Thuận cứ nghĩ mình coi như đã “chết” để những mong người vợ ở quê tìm lấy một mái ấm mới làm chỗ nương tựa. Anh quyết định ở lại Quảng Trị đợi đến khi thông tin người vợ ở quê xây dựng hạnh phúc mới, đến lúc đó rồi hãy về cũng chưa muộn.
Bẵng đi một thời gian Thuận không thư từ hay liên lạc về nhà nữa, gia đình nội, ngoại đứng ngồi không yên đoán có chuyện chẳng lành! Khi hay tin Thuận bị mất đi đôi mắt và quyết định ở lại thì người con gái Vũ Thị Rần như chết lặng. Thế nhưng tình yêu từ chính trái tim càng như chứng tỏ được sức mạnh và lý trí sắt đá.
Rần xin phép hai gia đình rồi thu xếp vào đón Thuận về quê chung sống. Ông Thuận nghẹn ngào kể lại: “Gặp tôi Rần cố nén đau thương buồn tủi để không khóc vì sợ tôi buồn. Rần ôm tôi vào lòng vỗ về yêu thương như vỗ về một đứa trẻ mới lớn, rồi nói nhỏ vào tai tôi, ngày trước thế nào giờ em vẫn thế, anh về với em có cơm thì ăn cơm, không thì ăn rau ăn cháo”. Họ đưa nhau lên xe về quê nơi đã sinh ra và nuôi họ lớn lên, biết yêu thương và che chở cho nhau như ngày nào. Ngày chia tay, cả đại đội ai cũng thút thít nước mắt ngắn, dài bởi tình yêu của họ thật thiêng liêng và cao quý.
"Sẩy mẹ bú dì”
Ngày đón Thuận trở về, căn nhà tranh dường như ấm cúng hơn mọi khi. Gia đình hai họ cũng làm đôi ba mâm cơm để hai đứa được nên vợ thành chồng. Cô giáo mầm non Vũ Thị Rần hết nũng nịu rồi lại động viên người chồng sau những ngày đến lớp.
Một năm sau ngày cưới, năm 1973 đứa con trai đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ chào đời. Nhưng hạnh phúc chờ đợi bấy lâu nay càng làm họ như bầm tím cả ruột gan bởi giọt máu đầu lòng sinh ra dị dạng và không nuôi được. Cú sốc đầu đời đã làm đôi vợ chồng như không muốn sinh con dù chỉ thêm một lần nữa.
Có lẽ chính những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường, nơi rừng thiêng nước độc ông Thuận đã bị nhiễm phải chất độc da cam.
Người con thứ hai ra đời, may mắn hơn đứa thứ hai nuôi được nhưng toàn thân mọc đầy lông, da trắng toát, có lớn mà chẳng có khôn. Rồi lần lượt những đứa con nối tiếp nhau chào đời nhưng những di chứng về loại chất độc hóa học quái ác kia đã không buông tha những đứa trẻ bé bỏng và tội nghiệp. Hai vợ chồng nén đau thương vào lòng, gắng gượng động viên nhau nuôi con.
Ông Thuận không giúp đỡ được gì ngoài việc hằng ngày bế mấy đứa con tật nguyền và ngớ ngẩn ra vào nơi xó cửa. Thân cò lặn lội, một mình bà Rần đầu tắt mặt tối lam lũ nuôi chồng con không một lời kêu ca phàn nàn. “Khổ là vậy nhưng bà nhà tôi chưa một lần nặng lời hay than thân trách phận”, ông Thuận tự hào khi nhắc về vợ.
Những tưởng số phận bất hạnh đến với đại gia đình tận cùng của khổ đau đã chấm dứt từ đây. Thế nhưng, ông trời vẫn chưa buông tha họ khi năm 2003, hay tin người vợ Vũ Thị Rần mắc phải căn bệnh ung thư não. Rồi đây không biết ai sẽ là người rọi đường, gánh vác hết những phần công việc thay người vợ cũ, thay người thương binh bị mù cả hai mắt và đàn con nheo nhóc.
Ngày sắp đi xa, bà Rần nghĩ đến em gái là chị Vũ Thị Xuân sinh năm 1951, vẫn chưa lấy chồng và hiện đang làm công nhân tại Điện Biên. Nhận được tin thông báo của người chị gái, Xuân lặn lội đường xa để về nhìn mặt chị lần cuối.
Trước khi nói lời trăng trối, nắm tay em gái là dặn dò để trút hơi thở cuối cùng. “Chị mà đi thì coi như các cháu và anh Thuận không có nơi nương tựa. Để chị nhắm mắt được thanh thản, em dọn về ở cùng thay chị chăm sóc anh và các cháu. Nghĩa tử là nghĩa tận chú à, chị đã nói như vậy tôi cũng không nỡ phụ lòng” – chị Xuân thắp nén nhang lên bàn thờ người chị đã khuất nấc lên từng tiếng nghẹn ngào.
Thế là câu chuyện tình đầy cảm động và nghĩa cử cao đẹp về một nhân cách sống cao thượng mẫu mực của những người phụ nữ Việt Nam mà không phải ở thời đại nào chúng ta cũng dễ tìm được. Ngôi nhà nhỏ lại có thêm một người có lòng bao dung cao cả, những đứa con kém may mắn lại được gọi tên “mẹ” như người mẹ ngày nào mà chúng vẫn thường gọi. Nỗi mất mát của người thương binh mắt đã mù không thấy ánh sáng nay được bù đắp và vơi đi phần nào. Mắt ông không nhìn rõ nhưng chắc sáng ra. Ông không nhìn rõ đường nhưng ông có thể đi được bất cứ đâu mà ông muốn. Bởi bên ông có thêm người vợ là niềm an ủi biết nhường nào.
Đám cưới diễn ra không mâm cao cỗ đầy, không sính lễ linh đình, họ chỉ có mấy mâm cơm và khay trầu cùng nỗi buồn không nói được nên lời. Nhưng có lẽ đó là “duyên” trời định hay là phép màu tình yêu ban tặng cho chính gia đình họ. Sau sự kiện ấy, dân làng thường hay nói với nhau rằng ông trời không lấy cũng không hay cho không ai cái gì cả.
Những câu chuyện giữa đời thường đẹp như trong truyện cổ tích về chuyện tình cảm động sẽ được người dân xã Đông Quang rỉ tai kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác. Họ giống như câu chuyện cách đây cả thế kỷ trước của chàng Kim Trọng và hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân.
Từ ngày có chị Xuân, gia đình nhỏ ấm cúng đầy ắp tiếng cười. Dường như câu chuyện ấy đã cảm hóa được biết bao nhiêu người trong cuộc sống. Có lẽ chính vì điều ấy mà anh Trần Văn Tộ, người con đầu của ông Thuận kém may mắn cũng được cô thôn nữ Nguyễn Thị Tâm cảm động nhận lấy làm chồng. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ chị Xuân như cởi lòng mình: “Người ta sống với nhau bằng tình, bằng nghĩa, có ai rơi vào hoàn cảnh này mới hiểu hết được nỗi lòng tôi”.
Long Hà – Văn Nguyễn