Hậu Công tử Bạc Liêu: Đời con khát nước
Ít ai ngờ rằng ở cái tuổi trên 70, ông Trần Trinh Đức, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy không nhà ở, không nghề nghiệp, hàng ngày cùng chiếc xe lang thang khắp chốn thị thành mưu sinh. Nghề chạy xe ôm bữa được, bữa không nên cuộc sống không lấy gì làm bảo đảm. Thật ra ông cũng có nhà, có gia sản, nhưng có lẽ ảnh hưởng người cha của mình nên cuối đời từ một anh tư sản trở thành người vô sản theo đúng nghĩa đen của từ này.
Vào trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia đánh vào mục “Công tử Bạc Liêu” ngay trang đầu tiên có một dòng giới thiệu về Công tử Bạc Liêu rất ngộ: tên Trần Trinh Quy, sinh ngày 22/6/1900, Bạc Liêu. Mất ngày 21/12/1973 (73 tuổi), Sài Gòn. Tên khác: Công tử Bạc Liêu, Hắc công tử. Công việc: Tay chơi.
Tôi lục lạo rất nhiều những tên tuổi có số má, nhưng chưa thấy ai được trang bách khoa này liệt “tay chơi” vào công việc của nhân vật mà mình tuyển chọn. Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Quy, nhưng khi lớn lên, thấy cái tên Quy không hay nên đổi thành Huy cho nó đẹp. Sinh thời người ta hay gọi ông là cậu Ba Huy, hay Hắc công tử vì có nước da đen và để phân biệt với Bạch công tử quê ở Tiền Giang.
Sinh ra trong một gia đình vào loại giàu bậc nhất Nam kỳ, lớn lên Ba Huy được ông hội đồng Trần Trinh Trạch cho qua Pháp học canh nông. Không biết học hành thế nào mà khi về nước chẳng bao lâu, một cô người Pháp chính hiệu ẵm con sang bảo đấy là giọt máu của Trần gia. Nghề nghiệp đâu chẳng thấy cậu Ba đem ra sử dụng mà mướn luôn một người Pháp làm quản gia để thuận tiện quản lý gia sản còn mình chơi nhiều hơn lo phát triển sản nghiệp.
Công tử Bạc Liêu có đến bốn bà vợ chính thức, còn lại vô số nhân tình. Về mặt chính thức ông chỉ có một bà vợ là bà Ngô Thị Đen được cưới hỏi đàng hoàng. Còn lại do tự mình rước về sau khi đã sinh con với cậu Ba. Một trong những cô vợ như thế là bà Nguyễn Thị Mẹo. Bà này hạ sinh cho ông ba đứa con: Trần Trinh Nhơn, Trần Trinh Đức và Trần Thị Thảo (cô này hiện đã định cư tại Anh).
Ông Trần Trinh Đức sinh năm 1947 tại Sài Gòn. Tuổi thơ của ông Đức lớn lên trong nhung lụa, lúc 8 tuổi Công tử Bạc Liêu đem hai anh em ông về Bạc Liêu để tiện việc ăn học. Khi đi ngang Mỹ Tho vào nhà ngoại, Công tử để hai anh em ông tại đây. Do không thể chịu được cảnh thôn quê nên lần nào có người về Sài Gòn ông Đức cũng trốn và ở biệt trên đó. Không thể cho con ở Sài Gòn mãi, Hắc công tử đưa hai con về nhà lớn của dòng họ Trần Trinh tại Bạc Liêu để đi học. Lúc này ông Đức 10 tuổi, ông Nhơn lớn hơn em 3 tuổi cũng về sống ở đây. Dù lớn như vậy nhưng đi học có người đưa đón đàng hoàng. Chuyện ăn uống, giặt giũ có người làm riêng.
Thậm chí chuyện tắm rửa cho ông cũng có người chăm nom riêng. Lúc này, Cậu ba Huy đang ở với một cô vợ chỉ lớn hơn anh em ông vài tuổi. Tính tình của hai ông hay phá phách, bông đùa nên Cậu ba Huy nhận thấy không thể để lâu ở Bạc Liêu được nên tìm cách chuyển lên Sài Gòn đi học tiếp. Dù được cha mình cho ăn học đàng hoàng nhưng cả ông Nhơn và ông Đức đều không thích học nên đường học vấn của hai ông cũng truân chuyên như cuộc đời của ông sau này vậy.
Ngày 21/12/1973 Trần Trinh Huy mất tại Sài Gòn, thọ 73 tuổi. Thời điểm này dù gia sản không còn nhiều như những năm 40, nhưng tài sản của ông để lại cũng không phải là nhỏ. Ông được chôn tại khu mộ của Trần gia bên cạnh cha và mẹ ông thuộc ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Đám tang công tử có rất đông người đến viếng, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, cả đoàn người xếp hàng dài hàng mấy cây số để tiễn đưa ông về với đất mẹ.
Cha chết không bao lâu, ông Trần Trinh Đức lấy vợ. Cô vợ này sinh cho ông đứa con gái đầu lòng. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, cuộc sống của nhân dân, nhất là người dân Sài Gòn rơi vào cảnh khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại. Anh em ông cùng với những người anh em cùng cha khác mẹ bán đi những căn phố lầu tại Sài Gòn do cha ông để lại với giá 28 cây vàng rồi chia nhau. Tuy nhiên, những gì thực tế cho thấy sự thật sau khi Công tử Bạc Liêu qua đời còn để lại nhiều tài sản là những dãy phố cho thuê. Các con ông lần lượt bán đi để sinh sống cho đến căn nhà cuối cùng như ông Đức trình bày.
Vợ chồng ông cầm số vàng chia được về quê vợ sinh sống. “Miệng ăn núi lở”, vợ chồng ông phải lăn lưng tìm kế mưu sinh. Không nghề nghiệp phòng thân, bây giờ ông mới tiếc những tháng ngày cha cho đi học biết chừng nào. Ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Ông ra Chợ Lớn mua đi bán lại những chiếc đồng hồ cũ. Lâu dần ông lân la ra chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng “bắc mối” với những thủy thủ của tàu Viễn Dương để mua tivi màu, tivi đen trắng, tủ lạnh về bán. Ông bảo: “Thời đó, mấy món đồ điện tử như vậy là quý lắm, chỉ có những người giàu sang và cán bộ lớn mới dám sài. Mình mua bán như vậy được cho là đồ lậu. Cái gì lậu là làm ăn được lắm”. Kiếm được ít tiền bằng nghề “buôn lậu”, sợ bị sộ khám nên ông không dám tiếp tục làm nghề nữa mà quay sang mở cửa hàng ăn uống tại quận 3. Nghề mua bán không mấy thuận lợi, ông tạm nghỉ về Chợ An Đông (quận 5) mua một căn hộ cùng chiếc xe 4 chỗ chạy bao cho khách du lịch.
Lúc này, nghề chạy xe bao mới xuất hiện, đất nước mở cửa nên nghề của ông khá ổn định. Những tưởng cuộc đời cứ như thế mà bình thản trôi đi, nhưng có ai ngờ rằng chính cô con gái đã vô tình đẩy ông đến bước đường không nhà thêm một lần nữa. Và lần này phải chạy xe ôm kiếm sống.
Xe ôm "con trai công tử Bạc Liêu”
Chậm rãi uống từng ngụm trà, ông Đức trầm ngâm: “Có lẽ đời tôi không lo học hành, sống không được đàng hoàng với phụ nữ nên trời trả báo ngay đứa con gái mình đến nông nỗi này”. Lớn lên ở chốn thị thành tới tuổi đua đòi lại có sẵn xe máy nên cô con gái ông rất dễ xiêu lòng theo một chàng lãng tử đẹp trai. Khổ nỗi, chàng họ Sở này không thật lòng với con gái ông. Có bao nhiều tiền nó đều “nướng” hết vào sòng bạc. Thương người yêu, cô gái cùng chơi chung rồi gánh nợ dùm. Đến khi số nợ “ngập đầu” không có gì cứu vãn được nữa thì bị người yêu bỏ. Bực tức cô phát bệnh tâm thần. Thương con, vợ chồng ông bán nhà tìm phương thuốc chữa trị và trả nợ cho con.
Căn nhà chung cư và chiếc xe 4 chỗ không thể đủ để trả nợ, ông đành liều trốn sang Camphuchia để lánh nợ.
Giữa đất khách quê người, không nghề nghiệp, để có cái ăn ông lăn lộn mua giày cũ làm mới lại bán cho Việt kiều. Mua bán không được bao nhiêu, lại không chịu được cảnh đất khách quê người ông quay trở lại TP HCM kiếm sống. Về TP HCM ông được một người thân thương tình cho ở nhờ tại phường 6, Quận Bình Thạnh. Nhờ một người bạn cho mượn tiền để mua chiếc xe máy Trung Quốc hành nghề chạy xe ôm kiếm sống. Hằng ngày ông đậu xe tại góc ngã tư đường Pasteur – Điện Biên Phủ làm “bến xe ôm” của mình để nuôi vợ cùng đứa con gái bị tâm thần vô phương cứu chữa.
Cuối tháng 6/2010, bà chủ nhà cho ông ở nhờ qua đời, con bà lấy lại nhà để bán. Vợ chồng ông thêm một lần nữa bơ vơ không nhà ở. Lần này ông quyết định về quê Bạc Liêu sinh sống với suy nghĩ giản đơn: Người ta sẽ lo cho mình, vì mình là con trai công tử mà… nhưng sự đời đâu.
Không nhà cửa, tài sản gần như chẳng giá trị gì ngoài chiếc xe máy, trong lúc rong ruổi ngoài đường phố đất Sài Gòn, ông Trần Trinh Đức tình cờ gặp một nhà báo đi xe ôm của mình chở. Trò chuyện hồi lâu, nhà báo này mới phát hiện ra con trai công tử Bạc Liêu. Cám cảnh nghèo khó, xót thương cho thân phận của con trai Công tử Bạc Liêu lừng danh khắp Nam kỳ lục tỉnh giờ chạy xe ôm kiếm sống, nhà báo này khuyên ông nên trở về quê cha đất tổ kiếm sống chứ ở cái đất đô thành này, chạy xe ôm làm sao nuôi nổi vợ cùng đứa con bị bệnh tâm thần.
Đầu tháng 7/2010, ông về gặp tôi trên tay cầm một xấp giấy tờ và những bài báo viết về cha mình được ông cẩn thận photo copy lại. Cứ sáng sáng ông ra ngồi ngay Nhà hàng Khách sạn Công tử Bạc Liêu vốn là nhà lớn của Công tử Bạc Liêu uống cà phê. Chị Võ Kim Cương, Giám đốc Khách sạn nhà hàng thương tình cho 50kg gạo để sống qua ngày. Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tại Bạc Liêu cho mượn tạm căn nhà trên đường Trần Quỳnh, phường 7, TP Bạc Liêu để vợ con tá túc.
Mới về Bạc Liêu, sáng nào ông cũng quần áo cắm thùng ra đây uống cà phê. Khách đến, chúng tôi giới thiệu đây là con trai Công tử Bạc Liêu ai cũng ngỡ ngàng. Trong những vị khách ấy có ông Nguyễn Chí Luận, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Bạc Liêu hứa sẽ vận động giúp ông xây nhà theo nguyện vọng để có nơi thờ tự người mà ai cũng có phần nể nang trong cách ăn chơi “giang hồ mã thượng” nức tiếng một thời và ông Luận sẵn sàng cho mượn 300m2 đất để xây dựng.
Nhận được thông tin này tôi vội thông báo cho Đức ngay. Ông trầm ngâm chẳng buồn, chẳng vui. Sau này tôi mới biết, trước khi về Bạc Liêu, ông Trần Trinh Đức có làm đơn gửi UBND tỉnh Bạc Liêu xin đất cất nhà để ở với nguyện vọng thống thiết là: “Có nơi để thờ cha mình”. Sau khi nhận được đơn của ông, UBND tỉnh chuyển Sở Xây dựng và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu xem xét. Hai cơ quan này nhanh chóng trả lời là ông Trần Trinh Đức không thuộc bất cứ diện nào để cấp đất xây nhà. Nếu xét nguyện vọng ông muốn ở lâu dài tại Bạc Liêu UBND tỉnh nên xem xét cất nhà tình thương cho ông ở.
Người Bạc Liêu không nỡ để con trai Công tử Bạc Liêu sống lang thang không nhà không cửa. Họ quý cái khí phách, cung cách của Công tử Bạc Liêu chớ nào có lợi lộc gì chuyện xây nhà cho ông để kinh doanh. Đáng buồn là ông tỏ vẻ không bằng lòng khi người ta chậm giao đất. Thậm chí ông phản ứng khá gay gắt khi một vài tờ báo thông tin “Con trai Công tử Bạc Liêu được cấp đất”. Gặp tôi ông phân trần: “Có ai cấp đất cho tôi đâu, người ta cho mượn 49 năm để làm nhà mà”.
Mãi đến tháng 4/2011 công việc xúc tiến xây dựng nhà cho ông Đức vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân, là vì số tiền vận động được chỉ trên 70 triệu đồng, trong khi muốn xây dựng căn nhà theo đúng quy cách nhà lá ba giang theo kiểu truyền thống Nam Bộ phải mất ít nhất 300 triệu đồng. Trong thời gian chờ đợi, để mưu sinh ông lại hành nghề chạy xe ôm. Tôi không hiểu có ai đau đầu vì ông không, nhưng trước mắt hình ảnh đứa con của một người từng ăn chơi lịch lãm, đất đai cò bay mỏi cánh nay chạy xe ôm kiếm sống là một bài giáo dục đạo đức công dân rất hữu hiệu cho mọi người.
Chờ lâu quá, ông đi khiếu nại đối với người lãnh đạo cao nhất của Công ty Địa ốc Bạc Liêu. Dĩ nhiên, ông không thể thắng được, bởi đó chỉ là lời hứa xuất phát từ tình yêu thương và có phần khâm phục cha ông nên người ta mới hứa. Ông trở nên lầm lũi và gần như chấp nhận số phận cho đến một ngày cuối tháng 7/2011.
5 giờ ông điện thoại cho tôi khoe: “Hôm nay tôi được đi làm rồi, vợ tôi người ta cũng hứa cho đi làm nữa. Người ta trả tôi 4 triệu/tháng”. Gặp nhau, ông cười thật tươi: “Vậy là tôi có thể bỏ nghề chạy xe ôm được rồi”.
Công việc ông đảm nhiệm là một chân quản lý cho dự án phát triển du lịch Hồ Nam thuộc Dự án Địa ốc Bạc Liêu vừa mới đầu tư. Hàng ngày ông đi làm sớm trông coi người ta xây dựng. Phía công ty hứa sau khi hoàn thành dự án du lịch này sẽ chuyển ông sang bộ phận hướng dẫn viên cho du khách vào tham quan. Cũng cùng thời gian này, dự án xây dựng nhà cho ông cũng được xúc tiến. Đây là một dạng phủ thờ, có ban thờ vợ chồng Công tử Bạc Liêu, những hiện vật phục vụ cho du khách tham quan du lịch. Phía sau dùng làm nhà để ở cho vợ chồng ông. Vợ ông cũng được nhận vào làm công việc lặt vặt trong công ty với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Vậy là chuỗi ngày rong rủi trên đường chạy xe ôm của ông Trần Trinh Đức tạm khép lại bằng một công việc mới là làm công cho người khác.
Thật ra trong bước đường xa quê, chưa bao giờ ông Trần Trinh Đức lập bàn thờ cha mình. Ông bà Hội đồng Trần Trinh Trạch và Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy được thờ trang trọng tại Nhà hàng Khách sạn Công tử Bạc Liêu. Một người con khác là ông Hai Lưỡng đảm trách công việc thờ tự này.
Ở cái tuổi trên 70, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Đức đã có bước hồi hương với nhiều nỗi gian truân. Dẫu sao thì người Bạc Liêu không bao giờ bạc đãi ông và tất cả mọi người muốn về đây sinh sống một cách bình thường.
Hàng ngày đi làm kiếm sống nuôi bản thân và gia đình, chắc rằng trong phút giây nào đó ông không khỏi chạnh lòng nhớ về một thời vàng son của mình.
Tôi lại nghĩ, các bạn trẻ may mắn sinh ra trong gia đình khá giả, không cần làm lụng vất vả, tiêu tiền như nước, thay xế hộp liên tục ăn chơi thỏa thích có bao giờ nghỉ rằng mình sẽ có ngày như con trai Công tử Bạc Liêu hay không.
Huy Hà