Chuyện người thợ điện vùng núi
(PetroTimes) - Cách thành phố Nha Trang hơn 90km về phía tây nam, huyện miền núi Khánh Sơn được biết đến là một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Raglay. Đây cũng là quê hương của anh thợ điện Nguyễn Tự Bình - công nhân Đội Quản lý vận hành (QLVH) lưới điện Khánh Sơn.
Được sinh ra, lớn lên, lập gia đình tại vùng đất Khánh Sơn nên anh Bình thuộc từng con đường dẫn vào các xóm nhỏ nơi đây. Thậm chí khi được hỏi về tên của bất kỳ người nào trong vùng, anh Bình đều có thể nói một cách chi tiết và chính xác từ vị trí công tơ điện của người đó cho đến trạm biến áp và các trụ điện trên tuyến đường dây liên quan.
Anh Nguyễn Tự Bình (người lái xe) và đồng nghiệp trên đường đi làm nhiệm vụ |
Đội QLVH lưới điện Khánh Sơn hiện quản lý 71 trạm biến áp công cộng với hơn 5.972 khách hàng, trong đó có 5.739 khách hàng mua điện 1 pha và 160 khách hàng sử dụng điện 3 pha. Anh Bình là 1 trong số 7 công nhân đa nghề tại Đội QLVH lưới điện Khánh Sơn có trách nhiệm quản lý toàn bộ lưới điện của huyện miền núi này. Khác với các thợ điện vùng đồng bằng, người thợ điện của vùng núi đặc biệt hơn khi phải giải quyết tất cả các công việc liên quan đến kinh doanh cũng như vận hành lưới điện trung - hạ áp.
Giống như những công nhân điện miền núi của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) nói chung và Điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn nói riêng, người thợ điện Nguyễn Tự Bình có thể thực hiện một cách thành thục và nhuần nhuyễn nhiều vai trò trong quy trình cung cấp điện cho khách hàng. Hôm nay anh là giao dịch viên tư vấn cho khách hàng về thủ tục lắp mới công tơ điện, nhưng ngày mai anh lại leo trụ để lắp đặt mới công tơ điện hay thay định kỳ công tơ 1 pha, 3 pha. Khi cần, anh Bình cũng có thể là người thợ sửa điện khi khách hàng báo mất điện; tham gia xử lý khắc phục sự cố trên lưới điện hoặc là người tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của khách hàng, thậm chí anh còn là một tuyên truyền viên về các tiện ích và dịch vụ mới mà PC Khánh Hòa đang cung cấp tại địa phương…
Là người Kinh nhưng anh Bình lại được bà con Raglay huyện miền núi Khánh Sơn coi như con em của họ. “Tèo” là cái tên dễ thương mà anh em trong đội đặt cho anh Bình. Khi bà con đồng bào muốn nhờ anh sửa điện thì lại gọi anh Bình bằng cái tên quen thuộc đó như thể những người thân gọi tên nhau vậy. Cứ như thế, từ thuở nào không không biết, anh Bình cảm thấy gần gũi với mảnh đất này như một người con luôn gắn kết với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Gặp anh Bình trong những ngày Đội QLVH lưới điện Khánh Sơn đang tập trung thực hiện khâu cuối cùng của phương án chuyển đổi công tơ điện sang công tơ điện tử đo xa RF-Spider cho toàn bộ lưới điện của huyện, chúng tôi cảm nhận được cái nóng rát bỏng của miền núi cao mà anh Bình và những đồng nghiệp phải chịu đựng khi gồng mình trên trụ điện lắp đặt công tơ. Mồ hôi chảy dài ướt áo, anh Bình cười nói: “Từ khi biết dòng điện có ích như thế nào đối với đồng bào và bản làng, tôi đã yêu thích nghề thợ điện rồi. 10 năm làm công nhân điện, tôi càng gắn bó với nghề của mình, vì đơn giản tôi thấy vui khi được làm những gì mình thích và giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Rời khỏi vùng đồi núi Khánh Sơn, chúng tôi được anh Bình đưa đi trên chiếc xe máy “19001909” - chiếc xe được dán số điện thoại Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNCPC. Bản thân tôi cùng với các đồng nghiệp tham gia chuyến đi về huyện miền núi Khánh Sơn cảm nhận được một niềm vui nhẹ nhàng đang lan tỏa từ nụ cười rộng mở của anh Bình và những người thợ điện miền núi cao - những con người bình dị đang cố gắng vượt khó để giữ vững nguồn sáng cho đồng bào và bản làng thân thương.
Giống như những công nhân điện miền núi của PC Khánh Hòa nói chung và Điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn nói riêng, người thợ điện Nguyễn Tự Bình có thể thực hiện một cách thành thục và nhuần nhuyễn nhiều vai trò trong quy trình cung cấp điện cho khách hàng. |
H.T