"Bão" dịch tả lợn châu Phi, hải quan dừng thông quan thịt lợn biếu, tặng
(PetroTimes) - Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có văn bản hoả tốc gửi các Chi cục Hải quan trên cả nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, hàng nhập để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.
Điều đáng lo ngại nhất, Trung Quốc - nước có xuất khẩu thịt lợn chính ngạch cũng như có lượng thịt lợn đi theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam - đang là ổ dịch.
Tổng cục Hải quan yêu cầu tăng cường mọi biện pháp chống nhập lậu lợn và sản phẩm lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. |
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8 đến ngày 9/9, Trung Quốc đã bùng phát 14 điểm dịch tại 6 tỉnh gồm An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Trước đó ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện mọi giải pháp để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục, Chi Cục Hải quan địa phương phải tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có 12 quốc gia chính thức có bệnh dịch tả lợn là Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Séc, Hunggari, Latvia, Mondova, Phần Lan, Romani, Nam Phi, Ucraina, Zambia.
Hải quan các địa phương phải tăng cường phối hợp chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để ngăn chặn, điều tra và xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển lợn trái phép và các vật phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch.
Tổng cục Hải quan yêu cầu khi phát hiện lô hàng lợn sống và sản phẩm từ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng từ các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan.
Tổng cục Hải quan khẳng định chỉ thực hiện thông quan đối với mặt hàng lợn và thịt lợn khi đủ các giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10 tháng 9 năm 2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.
Theo Dân trí
Dịch tả lợn châu Phi có nguy hiểm cho người? | |
Dịch tả lợn hoành hành, mối đe dọa mới cho kinh tế Trung Quốc | |
Dịch tả lợn ở Trung Quốc có thể tác động đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung |