Làm được điều này, Iran sẽ khiến thế giới khiếp sợ
(PetroTimes) - Ngày 4/9/2018, Tổng thống Hassan Rohani quyết định Iran sẽ xuất khẩu dầu từ một cảng trên biển Arập chứ không còn từ Vùng Vịnh nữa. Đây là bước chuẩn bị để Tehran đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch đối với các tàu chở dầu Trung Đông di chuyển từ Vịnh Ba Tư tới biển Arập.
Nhật Bản sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô Iran dưới áp lực của Mỹ |
Ngành dầu mỏ Iran: người Pháp đi, người Đức đến |
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hậu quả mua dầu của Iran |
Eo biển Hormuz |
Tổng thống Rohani nói rõ rằng việc dời địa điểm xuất khẩu dầu từ đảo Kharg đến cảng Bandar-e Jask đã bắt đầu và sẽ hoàn thành từ nay đến cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2021.
"Đây là một vấn đề chiến lược rất quan trọng đối với tôi. Phần lớn lượng dầu xuất khẩu của chúng tôi phải vượt qua Kharg đến Jask", ông Rohani nói trong một bài phát biểu được đài truyền hình nhà nước phát đi nhân dịp lễ khánh thành ba nhà máy hóa dầu ở Assalouyeh, phía nam Iran.
Để đến đảo Kharg, ở Vùng Vịnh, các tàu chở dầu Iran phải băng qua eo biển Hormuz, điều này khiến thời gian giao hàng phải tốn thêm vài ngày so với việc xuất phát từ cảng Jask ở biển Arập.
Theo giới quan sát quốc tế, bước đi đầy toan tính trên của Iran là sự chuẩn bị cho việc đóng cửa eo biển Hormuz. Đây là đòn đáp trả cứng rắn nhất mà Tehran chuẩn bị cho đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ với Iran (sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới). Trong quá khứ, Iran, tự coi mình là người bảo vệ lịch sử của Vùng Vịnh, đã nhiều lần đe dọa chặn eo biển Hormuz - cũng được sử dụng với đối thủ lớn của khu vực là Saudi Arabia, để chống lại lệnh cấm vận của Mỹ hoặc hành động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Vào tháng 7/2018, Tổng thống Rohani từng khuyên Washington không nên "đùa với đuôi sư tử Iran”.
Việc chuyển đổi địa điểm xuất khẩu dầu của Iran đến Bandar-e Jask về lý thuyết sẽ cho phép Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu theo đường biển ngay cả trong trường hợp đóng cửa eo biển Hormuz.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Chính phủ Mỹ, 35% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển Hormuz. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển này, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của ông Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC. Các nhà phân tích của Bank of America Merrill Lynch đưa ra đánh giá rằng cứ mỗi một triệu thùng biến mất trên thị trường, giá dầu có thể tăng 17 USD/thùng.
Sự gián đoạn lớn cuối cùng của việc vận chuyển dầu qua eo biển này là vào năm 1984, khi xảy ra cuộc xung đột Iran - Iraq (1980-1988). Trong giai đoạn được gọi là "chiến tranh tàu chở dầu" này, Tehran và Baghdad liên tục tấn công các tàu chở dầu của nhau khi đi qua eo biển Hormuz.
Theo Bloomberg, Iran đã xuất khẩu 2,1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 8/2018, nhưng một số nhà phân tích tin rằng xuất khẩu dầu thô của Iran có thể giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày khi các lệnh cấm vận của Mỹ sắp tới có hiệu lực.
Từ khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran vào tháng 6/2018, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Tehran không nên đóng của eo biển Hormuz.
Nh.Thạch