Doanh nghiệp Trung Quốc nhọc nhằn sống trong ‘tâm bão’ chiến tranh thương mại
Với chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, cộng thêm việc tăng thuế do hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang phải vật lộn để tồn tại.
Chia sẻ trên CNBC, Mark Wang, chủ một nhà máy Trung Quốc chuyên sản xuất đồ lưu niệm, cho biết doanh nghiệp của ông hồi đầu tháng 8 nhận được một bức thư từ khách hàng lớn nhất – một nhà bán lẻ Mỹ mà ông từ chối nêu tên – yêu cầu ông trả thêm khoản thuế 10% cho sản phẩm của ông theo quy định mới nhất của chính quyền Mỹ.
Ông Wang than thở 10% là mức thuế quá cao đối với bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất đồ lưu niệm.
Công ty của ông Wang có trụ sở tại thị trấn công nghiệp Đông Quan, một trong nhiều thành phố công nghiệp ở miền nam Trung Quốc – nơi tạo nên xương sống cho ngành xuất khẩu đồ truyền thống của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông Wang than thở về tác động của chiến tranh thương mại. (Ảnh: CNBC) |
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, nhiều công ty lớn của Mỹ như Apple và Walmart đã dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc để chế tạo sản phẩm và tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, với chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, cộng thêm việc tăng thuế quan do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc đang phải vật lộn để tồn tại.
Ông Wang cho biết tiền lương trả cho công nhân và ngân sách mua nguyên vật liệu trong thời gian gần đây đã tăng 15% so với năm ngoái.
Ngoài ra, ông Wang cho biết thêm chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp ông.
Theo ông Wang, đồng Nhân dân tệ yếu hơn vẫn không thể cứu nổi các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, những nỗ lực gần đây của chính phủ nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn thông qua việc yêu cầu các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay cũng không giúp ích gì.
Ông Wang cho biết ông đã lên kế hoạch vay vốn ngân hàng, song các nhà băng thường chỉ đồng ý cho những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 50 triệu Nhân dân tệ trở lên (khoảng 7,3 triệu USD) tiếp cận các gói tín dụng.
Trước tình trạng trên, ông Wang đang nghiên cứu chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có chi phí sản xuất rẻ hơn như Việt Nam. Tuy nhiên, do nguyên liệu và nhà cung cấp đều ở Trung Quốc, nên ông lo ngại rằng giải pháp này vẫn không có ý nghĩa nhiều về cắt giảm chi phí.
Không chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả những doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng lao đao vì chiến tranh thương mại Mỹ, thậm chí buộc phải phá sản.
Doanh nghiệp sản xuất lốp Trung Quốc lâm vào tình cảnh bi đát vì chiến tranh thương mại với Mỹ. (Ảnh: Getty Images) |
Theo Epoch Times, Tập đoàn Shandong Yongtai, một trong những “ông lớn” của ngành sản xuất săm lốp Trung Quốc, hồi đầu tháng 8 đã nộp đơn xin phá sản.
Shandong Yongtai thành lập năm 1996, sở hữu tổng tài sản 3,5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 510 triệu USD) và có trên 5.000 công nhân. Công ty này từng được tạp chí Tire Business của Mỹ xếp thứ 32 trong số 75 nhà sản xuất lốp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh ảm đạm đi cùng với áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến Shandong Yongtai buộc phải rời bỏ thị trường.
Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu lốp chủ yếu của Trung Quốc, chiếm tới 1/4 tổng số lượng lốp mà Trung Quốc xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với lốp xe nhập khẩu Trung Quốc, đặc biệt việc leo thang căng thẳng thương mại giữa hai bên trong thời gian gần đây đã khiến tình cảnh các công ty sản xuất lốp Trung Quốc trở nên bi đát hơn.
Lốp xe nằm trong danh sách hơn 800 mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25% hồi đầu tháng 7. Đây được coi là cú giáng chí tử đối với ngành công nghiệp sản xuất lốp của Trung Quốc.
Theo dkn.tv
Thái Lan trải ‘thảm đỏ’ cho 500 công ty Trung Quốc |
Liệu các nước có hạ bệ được đồng đôla Mỹ? |