Phát triển kinh tế tri thức như thế nào?
Bài 1: Kinh tế tri thức là gì?
(PetroTimes) - Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt xây dựng và phát triển Việt Nam thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức. Vậy kinh tế tri thức là gì, xây dựng kinh tế tri thức tại Việt Nam như thế nào và ai là người sáng tạo ra tri thức?
Lâu nay ở nước ta có một cách hiểu nông cạn và lệch lạc là kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa vào công nghệ và viễn thông. Thực ra, kinh tế tri thức là đặt tri thức đổi mới, tri thức sáng tạo và các chính sách liên quan vào trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia.
Tri thức là động lực sản xuất
Từ những năm 80 trở lại đây, do tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, năng lượng...nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc, toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Đây là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với quá trình phát triển của nhân loại.
Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó người lao động vừa làm việc vừa nghiên cứu. |
Khái niệm “nền kinh tế tri thức” được nhắc đến nhiều trong các năm qua dưới những cách diễn đạt khác nhau, nhưng quan điểm thông thường cho rằng nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó “sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức” trở thành yếu tố quyết định.
Theo định nghĩa của World Bank, kinh tế tri thức là: "Nền kinh tế dựa vào tri thức như động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế”. Có người cho rằng: Kinh tế tri thức là hình thức phát triển cao nhất hiện nay của nền kinh tế hàng hóa, trong đó công thức cơ bản Tiền - Hàng - Tiền được thay thế bằng Tiền - Tri thức - Tiền và vai trò quyết định của tri thức.
Có thể nói, kinh tế tri thức là biểu hiện hay xu hướng của nền kinh tế hiện đại, trong đó tri thức, lao động chất xám được phát huy khả năng sinh lợi của nó và mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao trong tất cả các ngành kinh tế: công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ, phục vụ cho phát triển kinh tế.
Kinh tế tri thức cũng được hiểu là nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở tri thức, khoa học; dựa trên việc tạo ra và sử dụng tri thức, phản ánh sự phát triển của lực lượng sản xuất ở trình độ cao. Hoặc cũng được hiểu là một loại môi trường kinh tế - kỹ thuật, văn hóa - xã hội mới, có những đặc tính phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Trong môi trường đó, tri thức sẽ tất yếu trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.
Đặc trưng của nền kinh tế tri thức
Theo Thạc sỹ Đỗ Hải, Thành viên của Trung tâm Khoa học Tư duy Việt Nam (Center of Thinking - CTS), nền kinh tế tri thức có 4 tiêu chí đánh giá gồm GDP, cơ cấu giá trị gia tăng, lao động và vốn sản xuất.
Công nghệ tin học là điển hình trong nền kinh tế tri thức. |
Cụ thể, một nền kinh tế tri thức sẽ đều có hơn 70% GDP từ các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 70% cơ cấu giá trị gia tăng, hơn 70% lực lượng lao động trí thức và hơn 70% vốn sản xuất là con người. Bởi vậy, trong nền kinh tế tri thức, của cải làm ra chủ yếu dựa vào cái chưa biết, cái đã biết không có giá trị. Tìm cái chưa biết tức là tạo ra giá trị mới. Khi phát hiện ra cái chưa biết, thì cũng tức là loại trừ cái đã biết, cái cũ mất đi thay thế bằng cái mới; phát triển từ cái mới, không phải từ số lượng lớn dần lên, nền kinh tế xã hội luôn đổi mới.
Sức mạnh của nền kinh tế tri thức dựa vào 3 loại hình công nghệ gồm công nghệ sinh học, bao gồm cả công nghệ gen. Bằng công nghệ sinh học, con người có thể cải tạo được những yếu tố cơ bản của thế giới hữu cơ, trong đó có cả bản thân sự sống của loài người; công nghệ nano, dựa trên những thành quả của việc sắp xếp lại cấu trúc nguyên tử, thông qua đó con người có thể tác động cả vào bản chất của thế giới vô cơ; công nghệ tin học, thông tin (ICT) với các siêu máy tính.
Công nghệ tin học chính là công nghệ trí tuệ điển hình. Con người nhờ vào đó mà tổ chức quản lý, điều hành và thực hiện các quy trình sản xuất hết sức tinh vi, phức tạp mà con người không thể nào thực hiện nổi, thậm chí không nghĩ tới quá khứ tồn tại của mình. Cũng nhờ có công nghệ tin học mà con người có thể làm phong phú lên gấp nhiều lần các mối quan hệ trong đời sống xã hội, giữa con người với con người.
Nền kinh tế tri thức có 5 đặc trưng chủ yếu. Trong đó, đầu tiên là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế: ý tưởng đổi mới và phát triển công nghệ mới trở thành chìa khóa cho việc tạo ra việc làm mới và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiếp đến là việc ứng dụng công nghệ thông tin được tiến hành rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Thông tin trở thành tài nguyên quan trọng, mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều có tác động của công nghệ thông tin.
Thứ ba là sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiên tiến nhất, tiêu biểu nhất của nền sản xuất tương lai. Các doanh nghiệp đều có sản xuất công nghệ, đồng thời có doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ, có thể gọi đó là doanh nghiệp tri thức, trong đó khoa học sản xuất được thể chế hóa, không còn phân biệt giữa phòng thí nghiệm và công xưởng, những người làm việc trong đó họ vừa là nhà nghiên cứu vừa là nhà sản xuất, họ là những công nhân trí thức...
Thứ tư là xây dựng nền kinh tế tri thức sẽ thúc đẩy xã hội học tập, giáo dục phát triển, đầu tư cho giáo dục khoa học chiếm tỷ lệ cao. Phát triển con người trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Hệ thống giáo dục phải đảm bảo cho mọi người có thể học tập ở bất cứ lúc nào và học tập suốt đời.
Thư năm có thể nói rằng, nền kinh tế tri thức đã trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới. Trong đó, tri thức là nguồn lực hàng đầu tạo sự tăng trưởng, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải liên tục đổi mới công nghệ và sản phẩm.
Đặc biệt là sự bùng nổ của thông tin và tri thức khiến nhu cầu thưởng thức các sản phẩm văn hóa của người dân tăng cao, tạo điều kiện cho các nền văn hóa giao thoa, tiếp thu các tinh hoa của văn hóa nhân loại để phát triển. Nhưng các nền văn hóa cũng đứng trước nguy cơ rủi ro cao, dễ bị pha tạp, lai căng, dễ mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Bùi Công