Cạnh tranh sống còn, nhiều hãng xe phải "mông má" chất lượng
Không còn chỉ là những cuộc chiến dìm giá dẫn đến "huynh đệ tương tàn", nhiều hãng xe tại Việt Nam đang chọn cách cạnh tranh về chất lượng, thị hiếu để "giành giật" thị phần khi mà sân chơi xe tại Việt Nam không còn nằm độc quyền của ai cả.
Nhiều ông lớn lo nâng cấp công nghệ, chất lượng
Thông tin mới nhất là Toyota đã nâng cấp mẫu xe phổ thông vạn người mê Vios lên chuẩn mới, với nhiều tính năng để người mua không còn cảm giác bồng bềnh, chông chênh như đi trên 1 chiếc "thùng tôn di động".
Sau cuộc chiến về giá, các hãng xe đang nâng cấp, bổ sung chất lượng xe tại Việt Nam. |
Cụ thể, Toyota nâng cấp Vios bán ra tại Việt Nam khi trang bị đủ 7 túi khí, 4 phanh đĩa, hệ thống ABS, EBD, BA và đặc biệt là hệ thống cân bằng điện tử VSC, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hệ thống kiểm soát lực kéo và hệ thống chống trộm.
Tương tự, hãng Hyundai cũng vừa mới trang bị thêm cho dòng xe sedan Elantra đời 2019 thêm tính năng mới với ngoại thất thời thượng hơn, vành đúc đẹp, động cơ turbo, hệ thống âm thanh và điều hòa đều mới theo kiểu "đập đi làm lại".
Cùng với Vios của Toyota, Ciaz năm 2018 cũng được Suzuki cải tiến nhiều để đấu với chính các dòng xe tại thị trường Việt Nam. Cái mới của mẫu xe sedan này là thiết kế đẹp mắt hơn, sang hơn không còn nhận thấy đây là dòng xe giá rẻ. Bên cạnh đó, công suất xe, các chi tiết nội thất xe cũng có sự thay đổi hơn so với bản cũ trước đây. Hiện Ciaz đang được các đại lý tại Việt Nam đặt hàng nhập về từ Ấn Độ với mức giá dưới 500 triệu đồng/chiếc.
Hay các ông lớn như Kia Cerato, theo các chuyên gia về xe, mẫu xe Hàn của Thaco lắp ráp đang sở hữu nhiều tính năng chiều lòng người mua như 3 chế độ lái, đèn tự động, cảnh báo va chạm...
Cùng với các mẫu xe nhỏ, gần đây các mẫu xe lớn hơn như Chevrolet Trailblazer cũng vào Việt Nam với nhiều nâng cấp chất lượng để cạnh tranh với ToyotaFortuner hay Ford Everest. Cùng với đó, các mẫu xe bán tải như Colorado của Chevrolet hay BT50 của Mazda cũng vào Việt Nam với bổ sung một loạt tính năng mới nhằm cạnh tranh với Ford Ranger đang là ông vua thị trường xe bán tải Việt.
Cảnh báo lạm dụng nâng cấp, móc túi người dùng
Trên thực tế, người tiêu dùng và thị trường nhận thấy một thực tế rõ ràng là các xe của hãng khi được nâng cấp về chất thường được nâng giá lên cao hơn một chút so với phiên bản cũ.
Tuy nhiên, điều này cũng lợi bất cập hại bởi rõ ràng những bản nâng cấp này khó có gì là mới mẻ nếu so sánh tương quan chất lượng xe đó với xe nhập hoặc xe nội địa từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Nhật hay Hàn Quốc.
Chính vì thế, việc nâng giá sau khi nâng chất lượng có thể được xem là cách marketing bán hàng và dụ người tiêu dùng mua thêm sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện người tiêu dùng đang ngày càng được tiếp cận với thông tin đa chiều và họ đủ thông minh để nhìn ra đâu là nâng cấp thật đâu là nâng cấp kiểu "bù thiếu" nhằm tăng giá.
Thêm lý do nữa là hiện các loại xe nhập vào Việt Nam cũng đa dạng hơn, chất lượng hơn và có nhiều tính năng ưu việt hơn như: thân sườn chắc chắn hơn, tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn hay dùng động cơ tăng áp, siêu nạp công suất nhỏ hơn thay vì động cơ hút khí tự nhiên, với dung tích xy lanh xe cao như trước kia...
Tuy nhiên, chuyên gia xe hơi cảnh báo người tiêu dùng nên phân biệt chiêu "vá" công nghệ, nâng chất lượng xe để thay đổi vòng đời xe với việc thay đổi thực chất về chất lượng và độ tiện dụng của chiếc xe ô tô tại Việt Nam.
Do thị trường Việt nhiều năm qua trong tình cảnh chịu một hay hai hãng chi phối thị trường do đó chất lượng xe không được nâng cấp và phải buộc chấp nhận giá.
Giờ đây, đứng trước làn sóng thay đổi chất lượng xe, người tiêu dùng nên tỉnh táo trước các quảng cáo về nâng cấp xe hơi, bởi nhiều bản nâng cấp tại Việt Nam nhưng đã có nhiều năm ở nước ngoài.
Ví dụ như công nghệ dừng đỗ xe, máy ngừng chạy ở chế độ chờ hiện đã sử dụng nhiều ở nước ngoài, thậm chí các hãng xe tay ga như Honda Lead, SH tại Việt Nam đều có ứng dụng Idling stop. Chính vì thế, đây chỉ là bổ sung, chứ không phải nâng cấp.
Theo vị chuyên gia về xe hơi này: "Các thông số, chức năng của xe chỉ thay đổi chất lượng xe như thay thế nội thất, thay thế về cơ chế hoạt động của động cơ, chế độ tự lùi chuồng, cảnh báo chống va chạm... Còn các bổ sung như: túi khí, âm thanh, thay đổi nội thất và ngoại thất xe không được xem là nâng cấp chất lượng, nên người tiêu dùng không nên trả tiền thêm cho những bản "vá" xe này".
Theo Dân trí