Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại
Ngày 24/8, tại Hà Nội, Cục xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung. Trong hệ thống truy suất nguồn gốc, tem truy suất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy suất trong suốt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quy trình truy suất nguồn gốc mới là yếu tố đảm bảo cho sự thành công và tin cậy của một hệ thống truy suất nguồn gốc.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, Hội thảo này hết sức thiết thực và có ý nghĩa đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức để tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng, gia tăng xuất khẩu và quản lý tốt nhập khẩu. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động này để có hình thức quản lý phù hợp.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn qua Hội thảo này, mọi người có thể thay đổi được tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc hàng hoá không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ hải sản mà kể cả trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Quan trọng hơn, các Bộ, ngành sẽ có những định hướng đúng đắn trong quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, nhà tiêu dùng cũng có chiến lược trong việc thay đổi toàn bộ quy trình quản lý nội bộ và tư duy quản lý ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc đối với hàng hoá nội địa và xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc trong phục vụ sản xuất xuất khẩu; thực tế ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp; liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu...
Hội thảo đã góp phần thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 đơn vị “Nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu thụ”. Qua đó tìm ra hướng hỗ trợ và định hướng các doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị ra tăng cao.
Giám đốc Trung tâm doanh nghiêp Hội nhập và Phát triển Phạm Thị Lý phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm doanh nghiêp Hội nhập và phát triển Phạm Thị Lý cho biết, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là việc cả thế giới đã làm, EU đã có tiêu chuẩn chung và Việt Nam đã có những nghị định, chỉ thị từ cách đây 2, 3 năm. Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Giám đốc Trung tâm doanh nghiêp Hội nhập và phát triển Phạm Thị Lý cho hay, “việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế, là điều cần thiết và xu thế chung của thế giới. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, chúng ta cũng đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung”.
Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Đào Hà Trung tham luận tại hội thảo |
Còn theo Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, truy xuất nguồn gốc là hỗ trợ kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số đề xuất với cơ quan quản lý đó là: Quy định rõ các yêu cầu kĩ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy suất nguồn gốc, tránh tình trạng người tiều dùng mất long tin vào truy suất nguồn gốc; khuyến khích các công ty công nghệ áp dụng các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu như áp dụng Blockchain. IoT. GS1-EPCIS… cho hàng xuất khẩu đẻ tạo lợi thế cho hàng Việt Nam;
Nhanh chóng yêu cầu hàng ngoại lưu hành cũng phải áp dụng truy suất nguồn gốc để bảo vệ thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; Hình thành hệ thống thông tin – cơ sở dự liệu áp dụng công nghệ 4.0 để chia sẻ dự liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nhà sản xuât.
Tại Hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết của một số doanh nghiệp, tổ chức để triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa xuất khẩu, qua đó kết nối, hỗ trợ một số vùng miền tiêu thụ nông sản.
Nguyễn Hoan