Liệu các nước có hạ bệ được đồng đôla Mỹ?
(PetroTimes) - Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang tiến hành chiến tranh kinh tế cùng lúc với Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… Một số các giải pháp nhằm chống lại Mỹ là đe dọa hoặc đã tiến hành loại bỏ đồng đôla Mỹ ra khỏi các giao dịch ngoại thương. Nhưng liệu những cố gắng của họ có khiến nước Mỹ phải chùn bước?
Từ tháng 3/2018, Trung Quốc đã mở giao dịch dầu mỏ trả trước bằng đồng Nhân dân tệ |
Ngày 13/8, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov nói rằng nước Nga đang xem xét khả năng chuyển sang ngoại tệ khác trong các giao dịch dầu mỏ. Lý do: “Đồng USD đang mất dần độ tin cậy như là một công cụ của thương mại quốc tế”, theo như lời Bộ trưởng Anton Siluanov nói trên kênh Rossiya 1.
Ông Siluanov đề cập đến khả năng từ bỏ đồng bạc xanh để chuyển sang các ngoại tệ khác trong xuất khẩu dầu mỏ. "Chúng tôi đã giảm đáng kể các khoản đầu tư vào trái phiếu của Mỹ", ông Siluanov cho biết thêm.
Chỉ trong giai đoạn từ tháng 3-5/2018, Nga đã bán ròng 81 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, tương đương 84% tổng lượng trái phiếu Mỹ mà nước này nắm giữ. Thay vì giữ đồng đôla, Nga quay sang trữ vàng.
Trong tháng 7/2018, Ngân hàng Trung ương đã mua 26,1 tấn vàng, theo báo cáo của Bloomberg. Theo Bloomberg, mục đích của việc mua vàng của Nga là để tránh những rủi ro liên quan đến việc Mỹ có thể gia tăng trừng phạt. Theo phó chủ tịch thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga, Dmitri Touline, vàng "bảo đảm 100% chống lại các rủi ro về chính trị và pháp lý".
Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng cường mua vàng theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin sau khi phương Tây bắt đầu áp đặt Nga các biện pháp trừng phạt trong năm 2014. Kể từ đó đến nay, cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Nga mua trung bình khoảng 100 tấn vàng mỗi năm, khiến Nga trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về dự trữ vàng.
Chính quyền Nga đã nhiều lần đưa ra khả năng thay thế đồng USD bằng các ngoại tệ khác trong thanh khoản quốc tế. Tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg gần đây, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ ra những trở ngại đối với việc sử dụng đồng đôla Mỹ. "Khi tìm cách giải quyết các vấn đề chính sách, lãnh đạo Mỹ đã làm mất niềm tin vào đồng tiền của họ như là đồng tiền dự trữ duy nhất trên thế giới. Tất cả chúng ta, không có ngoại lệ, phải bắt đầu suy nghĩ về cách thoát khỏi sự độc quyền này”, Tổng thống Nga cho biết.
Trong các giao dịch song phương Nga-Trung Quốc, đồng USD ngày càng chiếm ít chỗ. Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố chính phủ đang xem xét khả năng chuyển sang thanh toán dầu mỏ bằng đồng nội tệ, nhất là với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, để né tránh đồng USD. Hiện tại Nga đã có thể loại đồng USD khỏi các giao dịch với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Từ tháng 12/2014, Nga và Trung Quốc đã thực hiện thỏa thuận thương mại trực tiếp bằng đồng ruble, loại các ngân hàng Mỹ, Anh và EU ra ngoài, nhờ đó giảm bớt sự phụ thuộc của Nga và Trung Quốc vào các nước thứ ba.
Trước thông báo của Bộ trưởng Tài chính Nga một ngày, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị chuyển sang ngoại tệ khác trong các giao dịch với những đối tác kinh tế quan trọng nhất, trong đó có Trung Quốc, Iran, Nga và Ukraine. Bước đi này của Ankara diễn ra trong bối cảnh từ đầu tháng 8/2018 Mỹ đã áp án phạt đối với Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara từ chối trả tự do cho công dân Mỹ Andrew Branson bị tình nghi làm gián điệp. Washington cũng tăng thuế đối với nhôm và thép.
Trước đó từ tháng 3/2018, trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã mở giao dịch dầu mỏ trả trước bằng đồng nhân dân tệ (NDT) và thậm chí dự định tiến xa hơn qua việc chuyển sang thanh toán bằng đồng NDT cho các giao dịch dầu mỏ.
Sau Trung Quốc là Iran. Hồi tháng 4/2018, Iran tuyên bố từ bỏ đồng tiền Mỹ và chuyển tất cả các thanh toán quốc tế sang đồng Euro. Bất chấp án phạt mới của Mỹ, châu Âu tiếp tục mua dầu của Iran, song các hợp đồng được thực hiện bằng đồng Euro chứ không bằng USD nữa. Ấn Độ cũng thanh toán tiền “vàng đen” cho Iran bằng đồng euro và đề nghị cả phương án dùng đồng rupee.
“Đau đớn” nhất là hồi cuối tháng 5 vừa qua, đồng minh của Mỹ, khối Liên minh châu Âu tuyên bố đang cân nhắc thay thế đồng tiền giao dịch từ đôla Mỹ sang đồng Euro. Sự đe dọa của EU được đưa ra sau khi Mỹ cảnh cáo sẽ trừng phạt các công ty EU làm việc với Iran. Giải pháp đổi đồng đôla sang Euro có thể giúp EU nắm giữ một trong những thị trường lớn nhất thế giới - thị trường thương mại được mở ra sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và nhóm nước P5+1 được ký kết vào hồi tháng 6/2015.
Từ năm 2017, Venezuela đã niêm yết giá dầu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc nhằm tránh sử dụng USD và chống lại trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, Venezuela cũng yêu cầu những đại lí phân phối chuyển sang thanh toán bằng một vài đồng tiền khác như Euro.
Ý tưởng loại trừ vai trò của đồng bạc xanh trong giao dịch quốc tế không phải là mới. Giới phân tích thừa nhận việc loại bỏ đồng bạc xanh là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Mất gần một thế kỷ đồng đôla Mỹ mới thay thế đồng bảng của Anh để thống trị thị trường. “Rất khó để có thể bỏ được thói quen cũ vì phần lớn các công ty đảm bảo tài chính toàn cầu đều giao dịch bằng đồng đôla Mỹ, như Nymex hay ICE. Đồng đôla Mỹ vì nhiều lý do vẫn sẽ là sự lựa chọn tiền tệ dự trữ và giao dịch quốc tế. Toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế hiện được cấu trúc xoay quanh Mỹ và đồng đôla”, chuyên gia Stephen Innes giải thích.
Theo Le Figaro, chính sức mạnh quân sự đã mang lại cho Mỹ một lợi thế kinh tế lớn lao. Ngân sách quân sự của Mỹ là 610 tỷ USD, bằng ít nhất 7 nước gộp lại, trong đó có Trung Quốc. Chưa có một nước nào có đội hàng không mẫu hạm hùng hậu như Mỹ gồm 11 chiếc đang hoạt động. Hải quân Mỹ thống lĩnh các đại dương, điều đó đã tạo lợi thế cho Mỹ bá quyền đồng đôla. Lịch sử nhắc lại rằng vào thế kỷ XIX, thế thượng phong của đồng Bảng cũng liên quan đến tính ưu thế hàng hải của đế chế Anh. Tờ tiền xanh giờ đã trở thành “tiếng nói” của giới tài chính. 42% trao đổi tài sản và dịch vụ được niêm yết bằng đôla và 59% các khoản vay mượn ngân hàng cũng bằng đôla.
Theo giải thích của giáo sư Barry Eichengreen, Trung Quốc đang nắm giữ đến 60% dự trữ ngoại tệ bằng đôla, bởi vì nước này xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn ai hết. Hai nước châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, nắm giữ đến 80% ngoại tệ xanh dưới dạng trái phiếu nhà nước, do những thỏa thuận an ninh ký kết với Washington. Tệ hơn nữa là Đức và Arập Xê út. Gần như 100% nguồn dự trữ ngoại tệ của hai nước này là bằng đôla, để đổi lấy ô hạt nhân của Mỹ. Lợi thế tài chính mà Washington có được là rất lớn, đến mức “chỉ cần những nước lệ thuộc vào Mỹ về an ninh giảm 30% nguồn dự trữ bằng đôla, sao cho lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ tăng lên 80 điểm cơ bản, là đủ để làm chi phí của bộ Tài chính Mỹ tăng thêm 115 tỷ đôla mỗi năm”.
Le Figaro cũng lưu ý là nền kinh tế Mỹ còn lợi dụng được các điều kiện tài chính đặc biệt từ những nước khác. Trong những năm 1950-1960, khi mà các tập đoàn đa quốc gia phát triển mạnh mẽ, Mỹ đã mở rộng đế chế công nghiệp của mình ra ngoài lãnh thổ. Lợi nhuận kiếm được còn cao hơn cả sản xuất trong nước, do 90% các khoản đầu tư ở nước ngoài là từ chính những nước tiếp nhận tài trợ. Theo số liệu của bộ Tài chính Mỹ, lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài tích lũy được lên đến 3.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự thống trị của đồng đôla rồi sẽ thay đổi đáng kể. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain (công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) cùng với các đồng tiền ảo được cho là sẽ mang đến một quá trình biến đổi. Cuối cùng, sự phát triển của tài chính toàn cầu sẽ gắn chặt với sự tiến triển cân bằng quyền lực toàn cầu. Nó sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm. Nó sẽ mất khá nhiều thời gian với các cuộc khủng hoảng và sự chuyển đổi cân bằng quyền lực. Không một ai thực sự biết hệ thống mới sẽ ra sao.
H.Phan