CIEM: Ép Uber, Grab như taxi truyền thống là sai lầm
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng có thể chưa khuyến khích những mảng kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới nhưng đừng triệt tiêu nó.
Đề cập tới những phương thức kinh doanh vận tải mới xuất hiện như Grab, Uber, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng "tư duy của nhà quản lý hiện vẫn không chịu đổi mới". Điều này, theo ông, được thể hiện khá rõ trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến.
"Những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, có thể phải chịu những rào kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này. Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm nghiêm trọng", ông Cung nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM). |
Viện trưởng CIEM phân tích thêm, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện kinh doanh để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải...) không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải.
Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức hoàn toàn mới, sẽ làm thay đổi các quan hệ giao dịch hiện có, tạo ra cân bằng cung cầu và giá dịch vụ được xác định dựa trên phân tích cung cầu. Các nền tảng kinh doanh này cũng sẽ giúp giảm chi phí, thậm chí đưa chi phí giao dịch về bằng 0. Tuy nhiên, theo ông Cung, các quy định hành chính áp đặt từ cơ quan quản lý có thể khiến chi phí tăng thêm.
"Lúc này quản lý Nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp", ông nói và cho rằng quản lý Nhà nước cũng phải theo xu hướng bảo vệ, phục vụ tốt người tiêu dùng.
Dự thảo mới nhất lấy ý kiến thực tế đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, niêm yết logo, trung tâm điều hành, thiết bị liên lạc, đồng phục... Tuy nhiên, theo đại diện CIEM, điều này vẫn là chưa đủ khi vẫn lấy cách thức cũ áp đặt cho phương thức kinh doanh mới để giải quyết bất cập hiện tại.
Các chuyên gia CIEM cho rằng, với loại hình kinh doanh kiểu mới như Uber, Grab..., cơ quan soạn thảo có xu hướng lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới, với cách tiếp cận chi phối là chỉ được kinh doanh những gì pháp luật quy định.
Với cách tiếp cận "siết chặt kinh doanh vận tải" nên dự thảo này lặp lại 22 lần việc giao thẩm quyền cho Bộ Giao thông quy định thêm. "Cách soạn thảo đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho doanh nghiệp", văn bản góp ý của CIEM về dự thảo nêu.
Dự thảo nêu "đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô". Điều này theo CIEM không phù hợp với mục tiêu bỏ ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện hành.
Hệ quả là, nhiều phương thức, mô hình kinh doanh, hay nói rộng hơn là quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp bị can thiệp thô bạo, từ hợp đồng chạy xe, biểu đồ chạy xe đến các giao kết giữa nhà xe và bến xe...
Chẳng hạn, dự thảo Nghị định nêu đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; hay hợp đồng vận tải phải có thông tin "hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe"; doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng vận tải điện tử có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông... Mỗi xe kinh doanh vận tải khách du lịch không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau trong một tháng.
Vì thế, trong văn bản góp ý hơn chục trang gửi Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014, Viện trưởng CIEM đề xuất "không nên thông qua dự thảo này". Và nếu vẫn cần một Nghị định thay thế Nghị định 86, chuyên gia CIEM góp ý, cần chuyển mạnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Mặt khác, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.
Theo VnExpress.net
Uber B.V rút đơn kiện Cục thuế TP HCM |
Treo thưởng "cột mỡ", Grab biến tài xế thành những cỗ máy kiếm tiền |
Truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber: Cục thuế TPHCM lúng túng, xin lãnh đạo “cứu viện" |