Ai Cập sẽ xuất khẩu khí đốt từ tháng 1/2019
(PetroTimes) - Từ tháng 10/2018, Ai Cập sẽ ngừng nhập khẩu khí thiên nhiên và sẽ bắt đầu xuất khẩu khí đốt từ tháng 1/2019, theo tuyên bố ngày 15/8 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập, T. al-Molla.
Gazprom - “Người khổng lồ” khí đốt Nga |
Kazakhstan tích cực xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc |
Cần có cơ chế định giá riêng cho khí đốt |
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập, T. Al-Molla |
Trong vài năm qua, Ai Cập luôn cố gắng đẩy mạnh quá trình phục hồi lại vị thế của một quốc gia xuất khẩu khí đốt. Được biết, trước đây Ai Cập không chỉ hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu về khí đốt trong nước mà còn xuất khẩu sang Israel và Jordan.
Mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc cách mạng năm 2011, từ đó bất ổn chính trị và tình trạng thâm hụt tài chính buộc chính phủ Ai Cập phải cắt giảm tất cả các chương trình thăm dò địa chất. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt khí đốt tại thị trường trong nước và Ai Cập phải bắt đầu nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Hiện tại Ai Cập gần như đã lấy lại được vị thế đã mất.
Sau khi phát hiện một số mỏ lớn, bao gồm mỏ Zohr khổng lồ trên thềm lục địa Địa Trung Hải, Ai Cập có đủ mọi điều kiện để trở thành một trung tâm khí đốt của khu vực.
Khí tại mỏ Zohr bắt đầu được khai thác từ tháng 12/2017. Hiện tại, ở đây có 6 giếng sản xuất đã được đưa vào hoạt động, cung cấp sản lượng khí ở mức 31,5 triệu m3/ngày. Vào tháng 9/2018, dự kiến sẽ tăng sản lượng khí lên 56,6 triệu m3/ngày.
Theo kế hoạch, vào cuối năm 2019, sản lượng của mỏ Zohr sẽ đạt mức 76,5 triệu m3/ngày.
Ngoài mỏ Zohr, với sự tham gia của các chuyên gia dầu khí thế giới, Ai Cập cũng đang thực hiện một số dự án lớn, bao gồm các mỏ ở đồng bằng phía Tây sông Nile và phía Bắc Alexandria trên thềm lục địa của biển Địa Trung Hải.
Tổng cộng trong 4 năm qua, trong lĩnh vực dầu khí của Ai Cập, 24 dự án đã được triển khai với số vốn đầu tư là 2,16 tỷ USD. Các dự án này đảm bảo sản xuất 1,4 tỷ m3 khí và 26.000 thùng khí ngưng tụ.
Trong 4 năm tới tại Địa Trung Hải, Ai Cập có kế hoạch thực hiện 16 dự án trong lĩnh vực khí đốt trị giá 25 tỷ USD.
Ngoài ra, Ai Cập cũng đang chuẩn bị lập một cơ sở dữ liệu tài nguyên để tăng cường hơn nữa các hoạt động sản xuất khí tự nhiên và dầu mỏ.
Ngày 14/8/2018, Bộ Công nghiệp Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập đã ký kết 3 hợp đồng với các công ty nước ngoài về thăm dò địa chất, bao gồm: một thỏa thuận trị giá 105 triệu USD để khoan 2 giếng tại khu vực Nour ở Địa Trung Hải được ký kết bởi Công ty Khí đốt tự nhiên Ai Cập (EGAS) với Eni; một thỏa thuận trị giá 11,7 triệu USD để khoan 9 giếng trong vùng Raas Gatara ở sa mạc phía Tây được Tổng công ty Dầu khí Ai Cập (EGPC) ký kết với INA và một thỏa thuận trị giá 22,5 triệu USD để khoan 4 giếng trong khu vực mỏ Nidoko, tại vùng đồng bằng sông Nile, được Bộ Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập ký với Eni và BP.
Tổng giá trị của 3 hợp đồng là 139,2 triệu USD, với tổng cộng 15 giếng khoan thăm dò được lên kế hoạch.
Bá Thủy