Cái giá phải trả để trở thành hoa hậu
Trong mỗi cuộc thi sắc đẹp, duy nhất một người đăng quang. Nhưng hàng năm, có hàng nghìn cô gái theo đuổi giấc mơ ấy bằng mọi cách. Dưới đây là bài phân tích trên trang Daily Finance về cái giá phải trả và những cơ hội mở ra đối với một hoa hậu.
Vanessa Moore (không phải tên thật) đoạt Á hậu 2 trong một cuộc thi sắc đẹp. Theo quy chế, cô nhận được số tiền thưởng tương đương với ngôi vị của mình, cụ thể là 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng). Nhưng rốt cuộc, Vanessa đã phải tay trắng ra về.
“Tôi không nhận được xu nào cả”, cô nói. “Mỗi lần liên hệ với chủ tịch cuộc thi về việc chưa nhận được tiền, tôi lại nhận được một lý do: ‘bà cô ấy ốm nặng nên cô ấy chưa có thời gian xem xét’; ‘kế toán đang tiến hành chi trả’; rồi thì ‘bà cô ấy mất, cô ấy phải lo chuyện tang ma’. Cuối cùng thì cô ta không thèm nhận điện thoại của tôi nữa. Tôi đã định kiện ra tòa. Nhưng suy đi tính lại, việc này khiến tôi gặp nhiều phiền toái và còn tốn nhiều tiền hơn”.
Những gì Vanessa trải qua không phải là chuyện hiếm gặp. Năm 2010, Better Business Bureau (BBB – Tổ chức Kinh doanh Đáng tin cậy) nhận được gần 10.000 thắc mắc của dư luận về các cuộc thi sắc đẹp, tăng đột biến so với năm 2009 (gần 6.000) và năm 2008 (6.100). BBB là một tổ chức lớn ở Mỹ, chuyên cung cấp thông tin đáng tin cậy, hỗ trợ cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các cuộc thi nhan sắc luôn đi kèm với những lời quảng cáo ấn tượng, những cam kết hấp dẫn về tiền thưởng, học bổng và những hứa hẹn đầy cám dỗ về cơ hội trở thành người nổi tiếng, ngôi sao sàn catwalk… Nhưng vấn đề muôn thủa là chúng chẳng bao giờ trở thành hiện thực khi cuộc thi kết thúc. Bên cạnh một số cuộc thi nghiêm túc, có những cuộc mở ra chỉ để làm đầy hầu bao của nhà tổ chức.
Dù thành công hay thất bại, tham dự một cuộc thi nhan sắc, bạn vẫn nhận lại được cho mình điều gì đó. Câu hỏi đặt ra là: Đâu là cái giá phải trả để trở thành nữ hoàng sắc đẹp? Rõ ràng, cái giá này không hề rẻ. Gerdeen Dyer, người sáng lập tổ chức Pageant News Bureau (PNB) cho biết, người ta tiêu tốn hàng tỷ USD cho hàng nghìn cuộc thi nhan sắc hàng năm ở Mỹ. “Các cô gái chi ra hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn USD. Họ nghĩ sẽ có thể kinh doanh chiếc vương miện sau khi đăng quang”, Dyer nói.
Hillary Beulah – một người đẹp từng tham gia nhiều cuộc thi – chia sẻ câu chuyện của cô: “Đó là cuộc chơi tốn kém – chi phí đi lại, thuê người hướng dẫn, quần áo, đồ trang điểm, đầu tóc, rồi có trường hợp phải đóng cả phí dự thi nữa. Nếu muốn trở thành thí sinh, bạn sẽ phải bỏ ra cả một khoản tiền không nhỏ. Bố mẹ tôi chi ra 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng). Có đáng không nhỉ? Tôi quen được vài người bạn mới, học hỏi thêm được vài điều. Nhưng bố mẹ vẫn không thỏa mãn vì tôi không giành được danh hiệu quan trọng nào cả”. Hillary Beulah từng tham dự 10 cuộc thi sắc đẹp trong vòng 3 năm.
Deanna Oerman, chủ tịch hãng Nyx Models, nhận định: “Rất nhiều cuộc thi kiếm được hàng nghìn USD từ phí dự thi của thí sinh nhưng không tạo ra được một ngôi sao nào cả. Thủ đoạn quen thuộc là: dụ dỗ một cô gái trẻ rằng chúng tôi sẽ làm cho cô nổi tiếng; "thó” một đống tiền trong túi phụ huynh cô gái rồi biến mất sau khi ném cho cô vài tấm ảnh đẹp.
Nhưng không thể phủ nhận, các cuộc thi nhan sắc cũng mang lại cho thí sinh nhiều điều bổ ích. Dyer chỉ ra rằng, rất nhiều phụ nữ thành công trong lĩnh vực báo chí, truyền hình, thương trường hay chính trường đều từng bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp. “Đó là nơi tuyệt vời cho các bạn xây dựng sự tự tin. Họ sẽ học được cách làm chủ chính mình trước áp lực từ các cuộc phỏng vấn và các cuộc giao lưu với đám đông”, Dyer nói.
Casey Kaczmarek là người thành công với các cuộc thi nhan sắc. Cô từng ẵm 3 danh hiệu: Miss Teen Long Beach, Miss Earth USA và Mrs. America International. Sau đó, cô làm việc trong lĩnh vực này 15 năm qua với các vai trò như: tổ chức, giám khảo và huấn luyện. "Nhờ danh hiệu đạt được, tôi được mời làm người phát ngôn cho rất nhiều tổ chức, được làm khách tại rất nhiều sự kiện… Với ngôi vị Miss Teen Long Beach, tôi xuất hiện trong 200 sự kiện trong nhiệm kỳ”, cô nói.
Mary Lou Brezo cũng tham dự khá nhiều cuộc thi. “Đó là cơ hội trải nghiệm hấp dẫn. Tham dự cuộc thi tất nhiên đòi hỏi chi phí khá cao nhưng nó cũng giống như chúng ta đầu tư cho một môn thể thao nào đó. Với các cuộc thi này, bạn học được cách vượt qua giới hạn của chính mình”.
Ngay từ khi mới 10 tuổi, Ami Ahuja đã muốn tham dự các cuộc thi nhan sắc. Giấc mơ của cô trở thành hiện thực vào hồi tháng ba, khi cô tham gia Mrs. Wisconsin (Hoa hậu Quý bà Wisconsin). Cô giành ngôi Á hậu và đoạt giải thưởng phụ Người đẹp ăn ảnh. "Tôi trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người Ấn ở Wisconsin. Tôi được nhắc tới trên rất nhiều tờ báo. Công việc làm ăn của tôi vì thế cũng thuận lợi”, Ahuja nói. Với Ahuja, việc đầu tư vào các cuộc thi sắc đẹp là chuyện “đáng đồng tiền bát gạo”. “Tôi viết sách, rồi lập ra website hướng dẫn làm đẹp. Tôi sẽ còn làm chủ một show truyền hình nữa. Tất cả nhờ vào việc tôi từng tham gia thi sắc đẹp”, cô nói.
Bên cạnh đó, cũng có không ít cuộc thi không đáng bỏ một xu để tham dự. Theo Dyer, một trong những nguyên nhân là “Ban giám khảo không đảm bảo chất lượng”. “Thí sinh ngủ với giám khảo, hối lộ giám khảo khiến những cuộc thi như thế trở thành mớ hỗn độn”, Dyer nói.