Nhân dân là cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh trật tự
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh sẽ phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh trật tự.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Sáng 15/8, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn (2006-2018). Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị diễn ra đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích thiết thực kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9; 73 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 13 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Báo cáo tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn (2006-2018) do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tại hội nghị khẳng định, những năm qua, lực lượng Công an đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức xây dựng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đến nay, cả nước có hơn 2 nghìn mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tiêu biểu là mô hình “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh trật tự”; mô hình “Khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự” hay mô hình “Dòng họ, tộc tự quản về an ninh trật tự”; “Tổ, nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự”.
Từ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng triệu nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng điều tra khám phá nhiều vụ án, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ hàng vạn đối tượng, trong đó có những đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Xuất hiện hàng nghìn tấm gương quần chúng mưu trí, dũng cảm tấn công, truy bắt tội phạm, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân.
Hằng năm, hàng trăm xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp được Bộ Công an tặng cờ thi đua trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào đã phát huy tốt vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; góp phần củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; phục vụ hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị và trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến đã nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật của công dân; phát huy năng lực sáng tạo, khơi dậy sức mạnh và tiềm lực to lớn, tạo khí thế sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân trong tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Ảnh VGP/Nguyễn Hoàng |
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mà cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã đạt được trong thời gian qua; nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vinh dự được tôn vinh tại hội nghị.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự. Đây là bài học có nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam, là cơ sở để xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh những thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh sẽ phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh trật tự.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an đã có nhiều nỗ lực, vượt lên khó khăn, gian khổ, kiên trì bám dân, bám cơ sở, năng động, sáng tạo, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, phong trào đã có bước phát triển mới, sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; các mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng;…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen.
Các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta với những phương thức, thủ đoạn mới thâm độc, tinh vi, xảo quyệt hơn. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng bộc lộ rõ nét, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.
Hơn lúc nào hết, lực lượng Công an nhân dân, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cần tiếp tục thấm nhuần sâu sắc quan điểm “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”; xác định rõ xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; gắn kết, hòa nhập và cùng phát triển với các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể phát động.
Tăng cường phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào. Mỗi ban, ngành, đoàn thể cần chú trọng quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng phong trào phù hợp với tính chất, đặc điểm của ngành mình, tổ chức mình để vận động, lôi cuốn cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia.
Các hoạt động của phong trào phải hợp lòng dân, vừa sức dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn vào việc giữ gìn an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở; lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm nghèo”... nhằm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội.
Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; có kế hoạch tổ chức rà soát, phân loại chất lượng các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, nhân rộng kinh nghiệm mô hình hoạt động có hiệu quả, chọn lựa xây dựng những mô hình mới phù hợp.
Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân lập được chiến công, thành tích xuất sắc trong phong trào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với những người hy sinh, bị thương trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng yêu cầu cần tập trung xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng Công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng dân, gần dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, làm tốt vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh, bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào. Chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, lực lượng nòng cốt trong phong trào.
Phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng xóm, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt để bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Quan tâm bồi dưỡng chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để cán bộ cơ sở có đủ năng lực tổ chức thực hiện phong trào.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quan tâm trang bị phương tiện, điều kiện làm việc và có chính sách đãi ngộ đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
“Ðảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng vững mạnh”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.
Theo Báo điện tử Chính phủ
Quê hương Bác Tôn sẵn sàng cho ngày lễ trọng đại |
Chủ tịch nước giáng bậc hàm cấp tướng 2 ông Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành |
Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính |