Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
Khoảng trống để lại khó lấp đầy
Đến nay đã có những tác giả nào làm được như Lưu Quang Vũ trong nền kịch nói Việt Nam? Nhiều người tâm huyết với sân khấu kịch đã mong mỏi từ các lớp đào tạo, những trại sáng tác kịch… nhưng lâu lắm rồi vẫn chưa thấy một Lưu Quang Vũ thứ 2 xuất hiện.
Nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ |
Từ ngày 4/8 đến ngày 1/9/2018, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông (1988-2018).
Tối thứ Bảy hằng tuần, các vở kịch của Lưu Quang Vũ sẽ lại đến với công chúng thủ đô: “Lời nói dối cuối cùng”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ai là thủ phạm”, “Lời thề thứ 9”…
Không khí này khiến công chúng nhớ tới “Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” 5 năm về trước, năm 2013, nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của vợ chồng nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. “Hà Nội những đêm không ngủ”... là những gì khán giả phải bật lên thành tiếng sau mỗi buổi công diễn kịch của Lưu Quang Vũ năm ấy. Bởi, ngay cả khi tấm màn nhung đã buông xuống, người xem vẫn còn thổn thức với những cung bậc cảm xúc đan xen.
Rạp Đại Nam trong đêm công diễn “Nàng Sita” tưởng chừng như “vỡ trận”, nườm nượp đoàn người hứng khởi kéo tới rạp. Tuy là vé mời nhưng rất nhiều khán giả không có vé vẫn đến cửa rạp để mong may mắn kiếm được một chỗ xem kịch Lưu Quang Vũ từ... chợ đen. Cánh phóng viên thường ngày tha hồ được tác nghiệp cũng đột ngột bị “thất sủng” khi rạp quá đông, đành phải ngồi chờ cho khách vào hết mới đến lượt. Người soát vé mong được khán giả cảm thông “ưu tiên vé mời”, bởi không ngăn thì... vỡ rạp. Và, không ai thấy phiền vì điều đó, thậm chí là mừng lòng, bởi đã lâu rồi sân khấu kịch mới rộn ràng đến thế.
Cảnh tượng đó cũng tương tự ở rạp Công Nhân, Nhà hát Tuổi trẻ trong những đêm diễn kịch của Lưu Quang Vũ.
Đêm diễn nào cũng không một ghế trống, người ta phải chen lấn nhau ngồi tràn cả lối đi, hành lang, thậm chí đứng lấp kín cửa ra vào... Cảnh tượng này hoàn toàn khác những sự hờ hững với sân khấu kịch, để rồi nhìn vào đây, người ta hoàn toàn có thể mơ về thời kỳ hoàng kim của nền kịch nói nước nhà.
Thử hỏi, đến nay đã có những tác giả nào làm được như Lưu Quang Vũ trong nền kịch nói Việt Nam? Nhiều người tâm huyết với sân khấu kịch đã mong mỏi từ các lớp đào tạo, những trại sáng tác kịch… nhưng lâu lắm rồi vẫn chưa thấy một Lưu Quang Vũ thứ 2 xuất hiện.
Nhiều người thắc mắc, điều gì khiến cho kịch của Lưu Quang Vũ sau gần nửa thế kỷ vẫn còn sức nóng?
Một cảnh trong vở “Nguồn sáng cho đời” |
Để có câu trả lời, có lẽ phải đến tận nơi, xem trực tiếp các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, để thấy rằng, những vở diễn là những nỗi lòng, tâm sự, suy nghĩ, cuộc sống… không của riêng ai. Lưu Quang Vũ biết khơi gợi cái tôi trong mỗi cá nhân thành cái tôi chung của muôn người, đi sâu khai thác những vấn đề của thời đại. Thông điệp của mỗi vở diễn không mang tính răn dạy, cũng không ép con người phải sống sao cho đúng như trong vở diễn... mà Lưu Quang Vũ chủ trương đem đến sự tự suy ngẫm ngậm ngùi. Mỗi vở là một bức tranh với đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố... được bộc lộ, thức tỉnh con người. Nên dù có nửa thế kỷ hay hơn nữa thì kịch Lưu Quang Vũ vẫn vẹn nguyên thông điệp và triết lý sống.
Năm nay, 30 năm ngày Lưu Quang Vũ đi xa, khán giả cũng như sân khấu kịch Việt Nam có lẽ đã thấm thía khoảng trống mà ông để lại. Để tri ân một tượng đài của nền kịch nói Việt Nam, nhiều nhà hát đã bắt tay dàn dựng một số tác phẩm “vàng” của ông để ra mắt công chúng.
Được biết, ngoài việc công diễn các vở kịch của Lưu Quang Vũ ở Nhà hát Tuổi trẻ, thì Nhà hát Kịch Việt Nam cũng dàn dựng lại và đang công diễn vở “Nguồn sáng trong đời”, do đích thân NSND Hoàng Dũng làm đạo diễn.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Kịch của Lưu Quang Vũ còn sức nóng vì ra đời trong hoàn cảnh đổi mới, phong cách mới mẻ đậm chất hiện thực. Nó phát hiện những vấn đề gai góc của xã hội rồi được đưa vào một thứ ngôn ngữ kịch đầy những xung đột nhưng đậm chất văn chương. Tính thời sự được lột tả không khiên cưỡng trong cách nhìn của một thi sĩ...”. |
NSƯT Chí Trung: Thấp thỏm đem kịch Lưu Quang Vũ Nam tiến | |
Lưu Quang Vũ: Người “bình thường” có sức lao động nghệ thuật phi thường |
Huyền Anh