Gazprom - “Người khổng lồ” khí đốt Nga (Kỳ 2)
(PetroTimes) - Dựa trên nhu cầu nội địa tăng mạnh và điều kiện thuận lợi trong thị trường quốc tế, Gazprom có kế hoạch tăng sản lượng tới 660 tỉ m3 mỗi năm từ nay đến năm 2020.
Những thách thức trong lĩnh vực năng lượng
Gazprom nhắm đến việc đưa vào khai thác thêm nhiều mỏ dầu khí lớn. Ví dụ, tại bán đảo Yamal phía Tây Siberia, Gazprom dự kiến sẽ sản xuất 310-360 tỉ m3 khí mỗi năm từ nay đến năm 2030. Gazprom ước tính trữ lượng khai thác được trong khu vực này là gần 16.000 tỉ m3, tương đương với hơn 7,7% trữ lượng trên toàn thế giới.
Giàn khoan khí ngoài khơi Lunskoye, với công suất sản xuất gần 50 triệu m3 khí/năm |
Gazprom cũng muốn phát triển các mỏ khí ở phía Đông Siberia và Viễn Đông (đảo Sakhalin). Vào cuối tháng 8/2012, Gazprom đã dừng triển khai Dự án mỏ khí khổng lồ Shtokman - một dự án khai thác dầu và khí đốt trong vùng biển băng giá xa xôi của Bắc Cực, với trữ lượng khí đốt ước tính khoảng 3.900 tỉ m3, để nghiên cứu kỹ về chi phí đầu tư (30 tỉ USD). Trước đó vào cuối tháng 7/2012, Statoil của Na Uy đã chuyển nhượng cổ phần của họ (24%) tại dự án này cho Gazprom. Total hiện là cổ đông thứ hai với 25% trong dự án.
Ở miền Nam nước Nga, các nước Trung Á (Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan) có thể cho phép Gazprom bảo đảm cung cấp đủ nguồn khí trong trường hợp tập đoàn gặp vấn đề về sản xuất tại các mỏ dầu khí. Vào cuối năm 2011, 3 nước thống kê có đến gần 13,4% trữ lượng khí của thế giới, hơn cả Qatar, quốc gia có trữ lượng lớn thứ 3 trên thế giới.
Thâm nhập vào thị trường châu Âu
Với sự mở rộng tự do của thị trường năng lượng Liên minh châu Âu (EU), Gazprom nuôi tham vọng bán khí đốt trực tiếp tới người tiêu dùng ở Tây Âu. Để bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, Gazprom phải đầu tư rất lớn, cả trong việc khai thác các mỏ khí lẫn cơ sở hạ tầng vận chuyển. Trong năm 2011, giá khí đốt mà Gazprom bán cho khách hàng châu Âu đắt gần gấp 3,5 lần so với thị trường nội địa Nga.
Từ tháng 1/2006 đến tháng 1/2009, Gazprom đã trải qua hai cuộc khủng hoảng về khí với Ukraina sau các tranh chấp về giá, làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Để tiếp cận khách hàng ở Tây Âu, Gazprom đã khởi xướng các dự án đường ống dẫn khí dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) và dòng chảy phương Nam (South Stream). Kể từ tháng 2/2014, trong bối cảnh chuẩn bị ký kết các hợp đồng về khí đốt, một cuộc khủng hoảng mới với Ukraina đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Nga và EU.
Tuy nhiên, Gazprom vẫn là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU. Gazprom cung cấp gần 1/4 lượng khí đốt cho châu Âu và toàn bộ khí cho một số nước lân cận như Phần Lan và Slovakia. Bên cạnh đó, Gazprom cũng đang tìm kiếm các thị trường khác ở châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, có một điều cần cần lưu ý rằng, việc khai thác khí đá phiến có ảnh hưởng đáng kể đến giá khí đốt, đặc biệt là tại thị trường Mỹ (từ tháng 1/2010 đến tháng 9/2012, giá khí giao ngay giảm một nửa). Điều này gây áp lực khiến Gazprom phải giảm giá cho các khách hàng, bao gồm cả ở châu Âu theo các hợp đồng dài hạn.
Yếu tố quan trọng trong quan hệ chính trị của Nga
Gazprom tạo ra gần 1/4 ngân sách của Nga. Chính phủ Nga đã xem năng lượng là một yếu tố cấu thành quan hệ với các đối tác quốc tế. Mối quan hệ giữa các tập đoàn lớn và nhà nước rất gắn bó, được chứng tỏ bởi hệ thống phân cấp của Gazprom. Tổng giám đốc của Gazprom, ông Alexei Miller, đã từng có thời gian nắm giữ chức Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga.
Cần lưu ý rằng các mối quan hệ chính trị còn vượt ra ngoài nước Nga. Năm 2005, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder bị chỉ trích gay gắt khi ông trở thành Chủ tịch Ủy ban cổ đông đường ống Nord Stream, ngay sau khi rời khỏi vị trí Thủ tướng và hỗ trợ chính trị cho dự án đường ống dẫn khí đốt này.
Vào cuối năm 2011, Nhà nước Nga kiểm soát 50% cổ phần của Gazprom, trong đó trực tiếp 38,4% và 11,6% thông qua các công ty khác.
Tính đến cuối năm 2011, có gần 404.400 nhân viên làm việc cho Gazprom, gần gấp đôi so với Tập đoàn GDF Suez (218.350 nhân viên) và bằng tổng số nhân công của các tập đoàn EDF, Total, Alstom và Areva của Pháp hợp lại.
Gazprom cung cấp gần 1/4 lượng khí đốt cho châu Âu và toàn bộ khí cho một số nước lân cận như Phần Lan và Slovakia. Bên cạnh đó, Gazprom cũng đang tìm kiếm các thị trường khác ở châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Bắc Mỹ. |
Gazprom - “Người khổng lồ” khí đốt Nga |
S.Phương