Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước
Thay đổi tư duy, sửa chữa sai lầm
(PetroTimes) - Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là đề tài nóng tại các diễn đàn kinh tế trong suốt những năm qua. Để công cuộc tái cấu trúc đi đến đích vẫn còn nhiều vấn đề, đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Đỗ Hải, Phó trưởng ban Kỹ thuật - An toàn - Môi trường Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, một cán bộ ngành Dầu khí tâm huyết, đã nhiều năm nghiên cứu về tái cấu trúc DNNN.
PV: Ông là một trong những người có sự quan tâm và nghiên cứu về đề tài tái cấu trúc DNNN tại Việt Nam trong hàng chục năm qua. Ông có thể cho biết, để tái cấu trúc một DNNN cần bắt đầu từ đâu?
Ông Đỗ Hải |
Ông Đỗ Hải: Trước tiên, ta phải hiểu định nghĩa tái cấu trúc DN là gì? Trong cuốn “Tái cấu trúc doanh nghiệp - Tuyên ngôn của cuộc cách mạng trong kinh doanh”, Michael Hammer và James Champy đã định nghĩa về tái cấu trúc DN như sau: “Tái cấu trúc doanh nghiệp là sự tư duy lại một cách căn bản và thiết kế lại tận gốc quá trình hoạt động kinh doanh, để đạt được sự cải thiện vượt bậc đối với các chỉ số cốt yếu như giá cả, chất lượng, sự phục vụ và hiệu năng”.
Nhu cầu tái cấu trúc trở nên cấp bách khi hiện trạng của các DN đang gặp nhiều vấn đề trong cơ cấu, khiến DN hoạt động không hiệu quả, thậm chí trì trệ, đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân do vấn đề cơ cấu sai, không hợp lý, kém hiệu quả...
Chính vì vậy, việc tái cấu trúc được đặt ra rất cấp bách vì: DN không xác định nổi chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Đội ngũ lãnh đạo của DN làm việc không hiệu quả. Các tố chất, bao gồm tính cách, hiểu biết, trình độ, kinh nghiệm cá nhân của đội ngũ lãnh đạo trong một DN đóng một vai trò quan trọng, nếu sai, kém... sẽ kìm hãm sự phát triển của DN. Cơ cấu tài chính chưa phù hợp, chưa chuẩn mực và thiếu các hệ thống, công cụ kiểm soát cần thiết là một lý do mà nhiều DN cần tái cơ cấu nguồn tài chính để bảo đảm hoạt động một cách tốt nhất.
Đặc biệt là vấn đề quản trị nhân sự. Có thể nói con người là yếu tố có tính chất quyết định tới sự thành công của DN và nếu sự yếu kém nảy sinh từ vấn đề nhân sự thì cần phải được điều chỉnh kịp thời, có định hướng mang tính lâu dài. Sự phối hợp hoạt động trong DN không hiệu quả do cơ cấu chưa hợp lý. Một cơ cấu DN được thiết kế tốt sẽ có khả năng cho phép DN sử dụng các thông tin từ các bộ phận một cách hiệu quả nhất, từ đó giúp cho hoạt động phối hợp giữa các đơn vị được chặt chẽ và lãnh đạo DN điều hành tốt hơn.
PV: Xin ông nói cụ thể hơn về tiến trình tái cơ cấu một DNNN?
Ông Đỗ Hải: Nội dung của tái cấu trúc DNNN quan tâm đến tính hệ thống và chuyên nghiệp trong phương thức thực hiện công việc, phối hợp công việc và điều hành công việc. Trong điều kiện hiện nay, tái cấu trúc đòi hỏi các DNNN phải thay đổi tư duy quản lý, tái cấu trúc các quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó định hình mô hình và cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện và định hướng kinh doanh của DNNN.
Tái cấu trúc DNNN phải quan tâm đến việc xem xét các hệ thống lập kế hoạch kinh doanh, hệ thống quản trị chuỗi cung ứng, quản trị thông tin, hệ thống quản trị nhân lực, hệ thống quản trị tài chính và quản trị quan hệ khách hàng…
PV: Tiến trình tái cấu trúc DNNN đang diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng dường như vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Vậy theo ông, đâu là những lực cản níu kéo tiến trình này và cần phải làm gì để gỡ bỏ các rào cản?
Ông Đỗ Hải: Những sai lầm chính dẫn đến tái cấu trúc DNNN thất bại cần phải vượt qua, chẳng hạn như chỉ điều chỉnh mà không thay đổi quá trình. Trong đó, các quá trình cũ tuy là nguồn gốc phát sinh ra các vấn đề trong DN, nhưng vì nó quá quen thuộc nên DN vẫn duy trì, hay chỉ điều chỉnh chút ít.
Tiếp đến, DNNN tái cấu trúc “kiểu cơ học” là giảm nhân sự mà không có mục đích cụ thể là tập trung vào các quá trình tái cơ cấu kinh doanh. Bởi không nhận thức được kinh doanh là một quá trình, nên những nỗ lực cải thiện DN không có mục đích kinh doanh chỉ là vô ích.
Đặc biệt, việc thực hiện tái cấu trúc “từ dưới lên” là một sai lầm nghiêm trọng. Giống như quét cầu thang không bao giờ người ta quét từ dưới lên. Mặt khác, cần phải phân biệt rõ tái cấu trúc DNNN với các chương trình cải tổ hoạt động kinh doanh khác như quản lý chất lượng, thực hành tiết kiệm…
Tục ngữ có câu “Muốn có trứng rán phải đập trứng”, thể hiện đúng bản chất của tái cấu trúc là: Tái cấu trúc không phải là sửa chữa bất cứ điều gì. Tái cấu trúc có nghĩa là bắt đầu lại tất cả, cấu tạo lại từ đầu một DNNN. Trong đó, thời gian vừa và đủ để thực hiện tái cấu trúc một DNNN là không quá 12 tháng. Điều này vừa tránh gây căng thẳng cho mọi người trong DN, vừa nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức. Sau đó, định kỳ khoảng 5 năm một lần lại tiến hành tái cấu trúc toàn diện, mọi vấn đề lúc này sẽ không “đau đớn” như lần đầu tiên.
PV: Cuối cùng, ông có thể cho biết một cách khái quát về đích đến của tiến trình tái cấu trúc DNNN?
Ông Đỗ Hải: Kết quả của tái cấu trúc DNNN là sẽ xây dựng được một môi trường DN trong đó cơ cấu theo cấp bậc sẽ không còn nữa, các nhân viên sẽ có trình độ chuyên môn cao hơn (nhân lực chất lượng cao), cơ cấu tổ chức linh hoạt hơn. Trong môi trường mới này, người ta quan tâm đến công việc chứ không còn phải quan tâm đến quản lý tổ chức. DNNN hoạt động giống như một bộ não người, luôn luôn linh hoạt và năng động, kịp thời ứng phó với mọi sự thay đổi của cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Khi đó, DNNN sẽ được cải thiện vượt bậc về chất lượng kinh doanh; rút ngắn được thời gian kết thúc chuỗi sản xuất kinh doanh; giá cả sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn; lợi nhuận tăng lên rõ rệt theo thời gian; phát triển bền vững trong sản xuất kinh doanh; hình thành được văn hóa DN đặc trưng.
PV: Xin cảm ơn ông.
Tái cấu trúc không phải là sửa chữa bất cứ điều gì. Tái cấu trúc có nghĩa là bắt đầu lại tất cả, cấu tạo lại từ đầu một DNNN. Trong đó, thời gian vừa và đủ để thực hiện tái cấu trúc một DNNN là không quá 12 tháng. |
Tái cấu trúc các dự án khoáng sản | |
Cần tái cấu trúc ngành khai thác, chế biến khoáng sản |
Thành Công