Bộ Giáo dục khẳng định thí sinh gian lận điểm thi sẽ bị buộc thôi học
Việc xử lý thí sinh gian lận sẽ thực hiện theo quy chế thi THPT quốc gia, riêng các trường đại học không được khảo sát để loại thí sinh.
Mùa tuyển sinh 2018, số thí sinh đến từ Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn (địa phương có dấu hiệu bất thường về điểm thi) đỗ điểm cao vào các trường tốp đầu cả nước như công an, quân đội, y dược tăng so với mọi năm. Trường đại học lúng túng không biết xử lý thế nào để lọc được thí sinh gian lận; học sinh và phụ huynh bức xúc. Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Trần Anh Tuấn, đã trả lờivề vấn đề này.
Vụ phó Giáo dục Đại học Trần Anh Tuấn. |
- Đợt 1 xét tuyển vào đại học, cao đẳng về cơ bản đã hoàn tất. Ông đánh giá như thế nào về đợt tuyển sinh năm nay?
- Về mặt kỹ thuật, việc xét tuyển năm nay so với năm ngoái nhẹ nhàng hơn vì các trường đã quen với quy chế, quy trình và kỹ thuật xét tuyển từ mùa trước. Năm 2017, quy chế thi có sự thay đổi cơ bản, từ cách thi với ngoại trừ Ngữ văn theo hình thức tự luận, các môn thi/bài thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm; cách tuyển cho phép thí sinh đăng ký và thay đổi không giới hạn nguyện vọng xét tuyển..., các trường do đó có phần lúng túng. Với hệ thống dữ liệu lớn, cán bộ kỹ thuật của một số trường chưa quen phần mềm hỗ trợ tuyển sinh nên đôi khi bị nhầm, lỗi, gặp khó khăn.
Giữ ổn định công tác tuyển sinh năm 2018, Bộ Giáo dục đã chỉnh sửa mang tính kỹ thuật để phát huy hiệu quả hơn. Một số thay đổi cơ bản như: Không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên), trao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng. Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và ngưỡng đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đồi mới.
Kết quả ban đầu của đợt xét tuyển 1 cho thấy, phần lớn trường đặt mục tiêu chất lượng lên trên hết khi xác định điểm sàn, điểm trúng tuyển. Hiếm có trường hợp lấy điểm thấp để “vơ bèo vạt tép”, tuyển bằng được thí sinh. Dù dữ liệu 2,7 triệu lượt đăng ký nguyện vọng xét tuyển của năm nay là rất lớn, hệ thống hoạt động ổn định, các trường không gặp khó khăn, công tác xét tuyển thuận lợi.
- Ông đánh giá thế nào khi hàng loạt thí sinh đứng đầu danh sách trúng tuyển của trường "hot" khối công an, quân đội đến từ tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La vốn có nghi vấn hoặc đã xác minh là gian lận điểm thi?
- Việc gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác vào cuộc kịp thời, quyết liệt. Cơ quan công an đã khởi tố các vụ án và sẽ tiếp tục điều tra, công bố kết quả trong thời gian sớm nhất.
Đối với những bài thi của thí sinh có nghi vấn gian lận, cơ quan chức năng đang rà soát, xác minh. Những thí sinh có đủ bằng chứng gian lận sẽ bị xử lý theo quy chế và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi chưa có đầy đủ bằng chứng kết luận, thí sinh vẫn được xét tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký. Đến nay, quá trình xét tuyển đợt 1 gần như đã hoàn tất, các trường phải nhập lên hệ thống danh sách thí sinh xác nhận nhập học trước ngày 12/8 và gửi lên Bộ Giáo dục.
Việc xét tuyển là trách nhiệm của trường, đặc biệt là các trường khối an ninh và quốc phòng ngoài quy định của quy chế tuyển sinh còn phải tuân thủ thêm những quy định của ngành. Quan điểm của Bộ Giáo dục là không chỉ đối với trường trong khối an ninh quốc phòng hay trường thuộc tốp trên, nếu thí sinh đã nhập học dù ở đại học nào mà phát hiện gian lận đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh và quy định của pháp luật.
- Cụ thể, thí sinh có kết luận gian lận điểm thi sẽ bị xử lý như thế nào khi đã nhập học?
- Điều 49 của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định các hình thức xử lý thí sinh vi phạm quy chế. Hình thức hủy kết quả thi áp dụng khi thí sinh “để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp”.
Khoản 1 Điều 38 của Quy chế quy định: “Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên, được công nhận tốt nghiệp”.
Như vậy, nếu bài thi của thí sinh có đủ bằng chứng gian lận sẽ bị hủy kết quả thi. Bị hủy bài, thí sinh sẽ không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT. Điều 6 của Quy chế tuyển sinh quy định, thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp sẽ không đủ điều kiện để tham gia tuyển sinh.
Do đó, dù đã nhập học nhưng nếu kết luận bài thi của thí sinh có gian lận, em đó sẽ bị buộc thôi học.
- Vậy tại sao hơn 330 bài thi của 114 thí sinh Hà Giang có kết luận được nâng điểm nhưng không bị hủy, thí sinh vẫn được dùng điểm chấm thẩm định của Bộ?
- Khi chưa chứng minh được thí sinh gian lận thì phải trả điểm thật cho các em. Khi có bằng chứng chứng minh thí sinh móc nối với bị can thì sẽ xử lý theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
- Trong lúc chưa có kết luận của công an, một số người đề xuất giải pháp là để các trường sát hạch đầu vào của thí sinh đã trúng tuyển và loại những em có kết quả chênh lệch cao so với điểm xét tuyển. Ông nghĩ sao về điều này?
- Quy chế tuyển sinh không cho phép các trường sát hạch để loại thí sinh đã có tên trong danh sách trúng tuyển.
Theo quy định, thí sinh đã trúng tuyển là đảm bảo đầy đủ điều kiện tuyển sinh do chính nhà trường đề ra như: điểm số, điều kiện sơ tuyển... và các em có quyền nhập học, học tập tại trường. Không có chuyện các trường tổ chức sát hạch thí sinh trúng tuyển rồi đuổi các em vì lý do không đảm bảo yêu cầu của đợt sát hạch. Trường chỉ có thể kiểm tra đầu vào để phân ngành, chuyên ngành học cho thí sinh trúng tuyển theo nhóm ngành đăng ký từ trước.
Từ nghi vấn đến khẳng định cần một khoảng thời gian và căn cứ vào kết luận của công an.
- Khi buộc thôi học những sinh viên có kết luận gian lận trong bài thi THPT quốc gia, trường đại học vừa bị hụt chỉ tiêu tuyển sinh, vừa không tuyển được các em khác xứng đáng. Bộ đã tính tới giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho các trường và thí sinh?
- Quy chế tuyển sinh quy định các trường được quyền tuyển sinh nhiều đợt trong năm cho đến 31/12. Trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng bị phát hiện gian lận sẽ bị xử lý theo quy định. Số lượng thí sinh gian lận và bị xử lý sẽ không nhiều, nên các trường có thể tuyển thêm để đủ chỉ tiêu.
Đối với trường hợp cụ thể, Bộ sẽ có hướng dẫn để các trường thực hiện đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Ví dụ trường có thể gọi bổ sung thí sinh bị loại đợt 1 sát với em trúng tuyển cuối danh sách. Trường hợp em đó đã nhập học trường khác và cũng có mong muốn được học ở trường gọi bổ sung, Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ 2 nhà trường chuyển giao sinh viên.
Ngoài ra, sau khi các trường gửi hết danh sách nhập học về, Bộ sẽ khóa kết quả để loại thí sinh đã trúng tuyển khỏi danh sách được xét tuyển các đợt sau. Tiếp đó chúng tôi sẽ gửi danh sách thí sinh đã trúng tuyển của trường và danh sách thí sinh trượt nguyện vọng 1, có đăng ký các nguyện vọng sau vào trường, để các đại học chủ động xét tuyển tiếp.
Tóm lại, Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ tối đa các trường trên quan điểm đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho người học.
Trường đại học làm gì để đảm bảo chất lượng đầu vào? |
Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường có nguyện vọng rà soát điểm thi |
Công an xác minh bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia tại Hòa Bình |