Bộ Tài chính: Kiên quyết không đi vay nợ cho dự án không rõ hiệu quả
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết của Bộ chính trị đưa ra trước đó cũng nhấn mạnh, kiên quyết không đi vay nợ cho các dự án không rõ ràng về hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo khả thi các dự án.
Trong 10 năm từ 2005-2015, Việt Nam đã huy động được 45 tỷ USD, trong đó cho vay lại 15 tỷ USD. |
Phát biểu tại Hội nghị phổ biến Luật quản lý nợ công tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, quản lý nợ chính quyền địa phương đã được đưa vào trong Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các nghị định hướng dẫn.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các khoản nợ của địa phương nói riêng, các khoản nợ công nói chung có điều kiện vay sát với thị trường, nhiều khoản vay có lãi suất thả nổi. Do vậy, việc giảm thiểu rủi ro bằng công cụ kiểm soát đang là vấn đề đặt ra với các địa phương hiện nay.
Theo ông Long, trách nhiệm của địa phương là phải kiểm soát rủi ro ngay từ khâu lập kế hoạch đầu tư công, về bội chi ngân sách, hạn mức nợ địa phương; vấn đề đánh giá tác động khoản vay, đánh giá thành tố ưu đãi, tức là phải nghiên cứu các khoản vay đó trước khi đặt vấn đề vay, phải đánh giá hiệu quả dự án.
"Nghị quyết của Bộ chính trị đưa ra trước đó cũng khẳng định kiên quyết không đi vay nợ cho các dự án không rõ ràng về hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo khả thi các dự án", ông Long khẳng định.
Theo ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại, nguyên tắc cơ bản trong Luật Quản lý nợ công lần này là không chuyển tài khoản vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo thông điệp khi địa phương vay lại phải chủ động tính toán, đảm bảo tính hiệu quả của dự án, gắn trách nhiệm giải trình của các địa phương với các khoản vay lại.
"Với các khoản vay mới khi có nhu cầu, địa phương phải gửi Bộ Tài chính kế hoạch chi tiết, Bộ Tài chính đánh giá tác động lên nợ công, mức bội chi của địa phương, quản lý rủi ro và các quy định về phí dự phòng rủi ro... Sau đó, trình Chính phủ phê duyệt, quyết định đầu tư và tiến hành đàm phán ký kết các khoản vay", ông Hiển nói.
Liên quan tới Luật Quản lý nợ công, trước đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê, trong 10 năm từ 2005-2015, Việt Nam đã huy động được 45 tỷ USD, trong đó cho vay lại 15 tỷ USD, 30 tỷ USD là cấp phát. Con số 15 tỷ USD này gần như là nhà nước chịu rủi ro tín dụng. Chúng ta cho vay bằng đồng ngoại tệ thì cơ bản chúng ta có thể trả nợ bằng tiền Việt Nam và nhà nước chịu rủi ro tỷ giá. Thời điểm đó, các ngân hàng làm nhiệm vụ uỷ quyền chỉ mỗi việc giải ngân, ngân hàng thu nợ và được hưởng phí nhưng lại không chịu rủi ro.
Do đó, tại Luật Quản lý nợ công 2017 siết chặt hơn việc cho vay lại. Theo đó, phân loại ra theo hướng nhà nước chỉ chịu rủi ro đối với các đối tượng chương trình cần ưu tiên của Chính phủ. Việc cho vay này thông qua hệ thống ngân hàng chính sách của nhà nước.
Còn với ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện theo nguyên tắc thị trường, tức là cho vay và yêu cầu các ngân hàng phải chịu rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng ứng xử với các dự án giống như nguồn của ngân hàng huy động đem cho vay.
Theo Dân trí