TKV - Thêm những nỗ lực cải thiện môi trường
(PetroTimes) - Bên cạnh việc quan tâm hoàn nguyên bãi thải mỏ, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khai thác than, nhất là khi ngành than gia tăng sản lượng khai thác, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam đã và đang tích cực triển khai giải pháp xử lý chất thải công nghiệp, giảm thiểu bụi, tiếng ồn, nâng cao chất lượng môi trường.
Hiện nay, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hoàn thành và đưa vào vận hành 50 trạm xử lý nước thải mỏ với công suất xử lý trên 120 triệu m3/năm, cơ bản đủ khả năng xử lý lượng nước thải phát sinh trong mỏ, đảm bảo quy chuẩn môi trường. Ngoài ra, các nhà máy tuyển than của Tập đoàn cũng đã được đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường.
Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng sẽ được di chuyển vào khu vực Làng Khánh. |
Sau những nỗ lực nâng cao khả năng xử lý nước thải mỏ, tháng 6 vừa qua, 36/45 trạm quan trắc nước thải tự động cũng đã được TKV lắp đặt với tổng giá trị đầu tư 125 tỷ đồng. Hiện Công ty Môi trường TKV đang cùng Sở Tài nguyên Môi trường kiểm tra, thống nhất phương thức theo dõi, cập nhật số liệu và tập huấn nhân sự vận hành trạm. Dự kiến tháng 8 tới đây, khi các trạm quan trắc tự động đi vào hoạt động sẽ góp phần kết nối, truyền dữ liệu chất lượng nước thải về Sở Tài nguyên Môi trường nhằm tăng cường quản lý chất lượng nước thải mỏ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã xây dựng 1 nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Quảng Ninh với công suất 6000 tấn/năm để xử lý và tái chế chất thải nguy hại của các đơn vị thuộc TKV trên địa bàn tỉnh. Điều đáng mừng là gần 60% sản phẩm sau xử lý tại nhà máy này được thu hồi tái sử dụng cho sản xuất và cấp cho các ngành sản xuất khác.
Công nhân đang vận hành trạm quan trắc nước thải tự động trong thời gian chạy thử nghiệm. |
Một thực tế là trước đây về vùng than, người ta rất sợ bụi bởi sau khi khai thác tại các mỏ, than sẽ được vận chuyển ra kho vận, cảng để chế biến, tiêu thụ bằng xe tải gây ồn và bụi. Để giảm ô nhiễm môi trường, TKV đã chủ động đầu tư 8 tuyến băng tải thay thế dần hình thức chở than bằng xe tải. Gần đây nhất, tháng 11/2017, TKV đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1 hệ thống vận chuyển than bằng băng tải từ kho than Khe Ngát ra cảng Điền Công (TP Uông Bí).
Ngoài ra, các tuyến băng tải khác gồm: Mặt bằng +56 Mạo Khê - cảng Bến Cân; kho than Lép Mỹ - cảng Km6; mặt bằng +56 Mạo Khê - Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều; kho than G9 - Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương; mỏ Nam Mẫu - kho than Khe Thần; mỏ Dương Huy - kho than Lép Mỹ; Nhà máy tuyển Khe Chàm - kho than G9. Các tuyến băng tải này đi vào hoạt động đã góp phần giảm được bụi phát sinh, đảm bảo an toàn giao thông và cải thiện cảnh quan cho các khu vực vận chuyển than đi qua, nhất là các khu vực đô thị.
Tại các đơn vị của TKV, tất cả đều đầu tư hệ thống phun sương dập bụi, lắp đặt lưới chắn bụi, xây dựng các trạm rửa xe ô tô, thực hiện việc tưới nước chống bụi, phủ bạt trên các phương tiện vận chuyển.
Không dừng lại ở đó, TKV cũng chú trọng quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng di dời, tháo dỡ các nhà máy, kho tàng bến cảng… ra khỏi trung tâm đô thị. Trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh triển khai chủ đề công tác năm là: “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Do đó, các đơn vị ngành than đứng chân trên địa bàn cũng triển khai tiếp tục đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 mà trước hết là việc sẽ dừng và di dời Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng để đảm bảo môi trường và tạo điều kiện mở rộng đô thị của TP Hạ Long.
Tuyến băng tải Khe Ngát - Cảng Điền Công đi vào hoạt động từ tháng 11/2017. |
Ông Nguyễn Văn Chăng - Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai cho biết: Đến nay, chúng tôi đang triển khai dự án kho than tập trung tại khu Làng Khánh, phường Hà Khánh; theo tiến độ đến đầu năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động. Còn Cảng Làng Khánh, chúng tôi đang thực hiện nạo vét luồng, muộn nhất cũng hết quý I, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động và di chuyển toàn bộ hoạt động tại Nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng về khu vực này.
“Trong năm 2018, ngành than sẽ tiếp tục triển khai các công tác bảo vệ môi trường gồm cả trồng cây phủ xanh trên 100ha và xây dựng đê, đập ngăn đất đá tại các bãi thải còn lại, nâng công suất các trạm xử lý nước thải; thường xuyên nạo vét sông suối, kênh mương từ đầu nguồn, khai trường mỏ ra đến khu vực hạ lưu, tránh trôi đất đá, đảm bảo an toàn dân cư, nhất là trong mùa mưa lũ. Cùng với đó, TKV cũng đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ nhằm góp phần giảm ảnh hưởng từ sản xuất đến môi trường...” - Ông Nguyễn Mạnh Điệp - Trưởng Ban Môi trường TKV cho biết thêm.
Rõ ràng, TKV đã có những nỗ lực trong thực hiện giảm thiểu và khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác than hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về môi trường mà TKV phải làm liên quan tới các bãi thải mỏ với nguy cơ sạt lở, trôi lấp đất đá, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại một số tuyến băng tải, bụi tại một số điểm khai thác... Trong điều kiện từ năm 2018 khi không còn được trích lập Quỹ môi trường tập trung thì chắc chắn sẽ cần hơn nữa sự nỗ lực của Tập đoàn trong việc đồng hành cùng tỉnh thực hiện cam kết hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững./.
P.V
TKV chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 |
Nâng cao kỹ thuật khai thác an toàn tại mỏ than Nam Mẫu |
Nâng cao kỹ thuật khai thác than, đảm bảo an toàn |