Vì sao ExxonMobil và Chevron không tận dụng được việc dầu tăng giá?
(PetroTimes) - Trong khi hầu hết các tập đoàn dầu khí khác trên thế giới đều có lợi nhuận tăng trong quí II/2018 thì Chevron và ExxonMobil lại không có được kết quả như mong đợi mặc dù giá dầu đã tăng 50% trong 1 năm qua.
ExxonMobil và Chevron, hai tập đoàn dầu mỏ của Mỹ, đã công bố kết quả kinh doanh hàng quý đáng thất vọng vào ngày 27/7.
ExxonMobil đã đạt lợi nhuận ròng là 3,95 tỷ đôla trong quý hai, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng này ít hơn mức tăng 50% của giá dầu cùng thời kỳ.
Kết quả kinh doanh tệ trong quí hai đã khiến cổ phiếu của hai gã khổng lồ dầu khí Mỹ rớt mạnh: cổ phiếu của ExxonMobil mất 3,52% vào lúc 14:20 GMT ngày 27/7, trong khi cổ phiếu của Chevron giảm 1% .
Cộng đồng tài chính trước đó đã rất hy vọng vào kết quả kinh doanh của hai tập đoàn năng lượng của Mỹ, đặc biệt là từ Chevron.
Giá dầu Brent trung bình là 74,4 USD/thùng trong quý 2/2019 so với mức 49,6 USD/thùng một năm trước đó, đã mang lại lợi ích cho hầu hết các đại gia năng lượng. Total của Pháp ghi nhận lợi nhuận ròng hàng quý là 3,72 tỷ euro, trong khi Royal Dutch Shell tăng gấp 4 lần và đạt 6,02 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, kết quả kinh doanh kém trong quí 2 của ExxonMobil được cho là do đầu tư thấp.
Sản lượng khai thác giảm 7% xuống còn 3,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, mức thấp nhất kể từ khi sáp nhập giữa Exxon và Mobil vào năm 1999.
"Kết quả kinh doanh quý II bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các hoạt động bảo trì theo kế hoạch", CEO ExxonMobil, Darren Woods nói. Ông Woods cam kết trong tháng ba tới sẽ khoan dầu nhiều hơn, bằng việc đầu tư 24 tỷ đôla vào các dự án thăm dò trong năm nay, 28 tỷ đôla vào năm 2019 và trung bình 30 tỷ đôla mỗi năm từ 2023 đến 2025.
ExxonMobil đã hoàn thành bảo trì trong quý thứ hai các nhà máy lọc dầu ở Arập Saudi, Pháp, Hoa Kỳ (Texas) và Canada nói riêng. Việc này dẫn đến sụt giảm 47% lợi nhuận từ các hoạt động hạ nguồn, đặc biệt là tinh chế dầu.
Nhu cầu thấp ở châu Âu và trận động đất làm gián đoạn sản xuất trong một dự án khí khổng lồ ở Papua New Guinea cũng góp phần làm giảm khối lượng, trong đó có khoảng 10% khí thiên nhiên.
Sản lượng khai thác của Chevron trong quí 2/2018 tăng 1,8% lên 2,83 triệu thùng dầu qui đổi mỗi ngày, chủ yếu do trữ lượng đá phiến ở lưu vực Permian và Vịnh Mexico ở Hoa Kỳ.
Tập đoàn có trụ sở ở California này cũng đã công bố kế hoạch mua lại cổ phần của mình với giá 3 tỷ đôla, điều này phần nào làm thị trường bị đình trệ.
Nh.Thạch