Chuyện nữ thanh niên xung phong 7 ngày làm vợ
(PetroTimes) - Ngót nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày kết hôn, người phụ nữ ấy không có lấy một lần được ủ ấm, không có vòng tay ôm ấp và chở che mỗi khi gió lạnh ùa về. Giờ đây ở tuổi xế chiều, nhìn về chặng đường dằng dặc đã qua, có lúc đôi mắt lại nhạt nhòa bởi những dòng lệ xót xa...
Bà có cái tên thật ấn tượng: Tôn Thị Phước Viện, sinh năm 1945. Thêm một điều đặc biệt, người chồng đã hy sinh của bà tên là Phước, dường như là sự “se duyên” của số phận. Bà từng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt, chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng vẻn vẹn có 7 ngày...
Trong căn nhà nhỏ ở đầu xóm 2A, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bà Viện ngồi lặng lẽ một mình, đôi mắt đăm đăm nhìn ra cánh đồng làng, con đường cái gắn với tuổi thơ, thân thương, là nơi cô thôn nữ và anh trai làng từng hẹn hò, cũng là nơi cô Thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa tiễn chồng mới cưới trở lại chiến trường… Tất cả đã trôi đi đến miền xa lắc nhưng vẫn luôn hiện về trong tâm tưởng của người phụ nữ cô đơn.
Bà Tôn Thị Phước Viện bên những tấm huân chương, huy chương của mình |
Tuổi xuân gửi lại chiến trường
Bà Viện kể rằng, năm 1969, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam tăng cao, đang làm Bí thư chi đoàn, bà đăng ký gia nhập lực lượng TNXP. Người con gái của làng quê Hưng Đạo ấy được biên chế về đơn vị C-202 (N241) và hành quân vào vùng rừng núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị. Nhiệm vụ của đơn vị là san lấp hố bom cho xe đi qua, tải đạn vào chiến trường, vận chuyển thương binh về tuyến sau. Công việc vô cùng gian nan và nguy hiểm dưới làn bom đạn của kẻ thù, sự sống và cái chết có khi cách nhau chỉ một bước chân, thậm chí là một cái chớp mắt. Đại đội phó Tôn Thị Phước Viện đã không ít lần phải chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống vì trúng bom, đạn pháo hay bị đất đá lấp vùi, thân thể không còn nguyên vẹn...
Liệt sĩ Phan Văn Phước |
Đến nay, dù đã gần 50 năm trôi qua, bà vẫn không thể nào quên trận bom diễn ra vào đầu tháng 9/1969. Hôm ấy, sau loạt bom vừa dứt, từ nơi trú ẩn, đơn vị nhận được lệnh ra san lấp mặt đường cho đoàn xe chở vũ khí kịp vào chi viện cho chiến trường. Bỗng một tốp máy bay khác kéo đến và ném bom ồ ạt, mặt đất rung chuyển, khói bụi ngút trời, không gian như nhuốm màu đen kịt. Khói bắt đầu tan, cố ngoi lên từ lớp đất đang vùi lấp, bà Viện nhìn thấy cảnh một loạt đồng đội bị thương nặng, 6 người đã hy sinh.
Lập tức, nữ đại đội phó huy động những người còn lại nhanh chóng sơ cứu và chuyển các chiến sỹ bị thương về trạm y tế để kịp thời cứu chữa. Hầu hết những người bị thương đều ra nhiều máu, không có cách nào khác, nữ TNXP Tôn Thị Phước Viện đã cởi tấm áo của mình, xé ra từng mảnh để băng bó vết thương cho đồng đội. Với quyết tâm cứu sống đồng đội trong trận bom hôm ấy, mấy ngày sau bà Viện được đặc cách kết nạp vào Đảng, sự kiện này trở thành niềm vinh dự, tự hào của toàn đơn vị.
Một lần khác, chính nữ đại đội phó bị trúng mảnh bom, được đồng đội cứu chữa kịp thời nên chỉ một thời gian ngắn đã có thể trở lại làm nhiệm vụ… Trong hoàn cảnh khốc liệt và hiểm nguy ấy, tình cảm đồng chí, đồng đội vô cùng cao cả và thiêng liêng.
Cô đơn trên chiếc giường hạnh phúc
Giữa năm 1971, sau hơn 2 năm bám trụ nơi núi rừng Trường Sơn, Tôn Thị Phước Viện nhận được thư nhà báo tin người yêu của mình là Phan Văn Phước sắp được về phép và muốn tổ chức lễ thành hôn vào dịp này. Được đơn vị tạo điều kiện, bà Viện sắp xếp công việc để về quê cưới chồng và nhận được những lời chúc mừng chân thành từ các đồng đội. Phước lớn hơn Viện 1 tuổi, hai người ở cùng làng, cùng tham gia sôi nổi và nhiệt tình trong phong trào thanh thiếu niên. Hai người cảm mến, rồi tình yêu đến lúc nào không hay, gia đình và bạn bè đôi bên đều cùng vun vén, mong hạnh phúc lứa đôi được đong đầy.
Chiến tranh ác liệt, thanh niên làng trên, xóm dưới đều lên đường tòng quân. Năm 1967, anh trai làng Phan Văn Phước đăng ký nhập ngũ rồi theo đơn vị vào chiến trường miền Nam. 2 năm sau, cô thôn nữ Phước Viện gia nhập TNXP để được vào chiến trường, trước tiên là thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, sau nữa là mong được gặp người yêu. Nhưng chiến trường quá rộng lớn, niềm ước mong ấy thật khó thành hiện thực.
Đám cưới được tổ chức vào cuối mùa hè năm ấy, chỉ có chè xanh và một ít bánh kẹo, giản dị nhưng vô cùng đầm ấm và vui vẻ. Cô TNXP đứng bên người lính với bộ quân phục mới, hai người đều toát lên vẻ dạn dày trận mạc. Dấu hiệu của những trận chiến đấu ác liệt, những trận sốt rét rừng vẫn còn phảng phất trên làn da, mái tóc. Vượt lên tất cả là tình yêu chân thành, niềm hạnh phúc hiện rõ trên nét mặt và ánh mắt của mỗi người, ai cũng mừng vui và xúc động, cảm phục mối tình đi qua lửa đạn chiến tranh.
Bà Tôn Thị Phước Viện bên chiếc giường đơn sơ |
Họ ở bên nhau đúng 7 ngày, người lính tiếp tục lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tiễn chồng vào chiến trường, hôm sau cô TNXP Phước Viện cũng lên đường vào Quảng Trị, tiếp tục những chuỗi ngày đối mặt với khói lửa, đạn bom. Một tuần - quãng thời gian quá ngắn ngủi, đôi uyên ương chưa kịp nếm hết men say hạnh phúc, tình yêu chưa kịp đơm hoa, kết trái đã phải vội vã chia tay, đành hẹn ngày chiến thắng trở về...
Cuối năm 1972, hơn 1 năm sau ngày cưới, bà Viện xuất ngũ, trở về quê nhà và được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Một ngày mùa đông tê tái, nữ cán bộ Đoàn nhận được tin chồng mình - liệt sĩ Phan Văn Phước đã hy sinh ở chiến trường Long An, trái tim như vỡ vụn... Những hy vọng, đợi chờ và khát khao hạnh phúc tan biến, chỉ còn lại một nỗi đau, tuyệt vọng vô bờ. Theo tháng ngày, con tim gần như hóa đá, không còn rung cảm, không còn khao khát yêu đương và nghĩ đến niềm hạnh phúc, dù lúc ấy Phước Viện đang ở độ tuổi 27. Phần đời còn lại, người phụ nữ ấy tìm nguồn vui trong công tác xã hội, từ cán bộ Đoàn, bà Viện sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã, nay đã nghỉ hưu được 11 năm.
Căn nhà nhỏ chỉ một mình bà Viện sinh sống, nơi góc nhà kê chiếc giường đơn sơ được làm từ mấy tấm ván ghép lại và đặt trên hai chiếc ghế gỗ. Không phải bà không đủ tiền sắm chiếc giường mới, mà đây là chiếc giường cưới được lưu giữ trong hơn 45 năm qua, từng chứng kiến những giờ phút hạnh phúc cùng người chồng năm xưa. Chiếc giường thành kỷ vật thiêng liêng của cả cuộc đời bà. Ở tuổi 73, bà Viện đang phải chống chọi với những căn bệnh tuổi già như suy thận, tiểu đường và thoái hóa xương khớp. Suốt ngày một mình vào ra, quanh quẩn với vườn rau lang, rau muống, ốm đau phải nhờ con cháu họ hàng lo cơm nước, thuốc thang.
Ngày lại ngày, khi ánh nắng chiều sắp tắt, những cánh chim tìm về nơi trú ẩn, ánh mắt cựu TNXP Tôn Thị Phước Viện vẫn dõi ra phía cánh đồng quê thân thương. Đêm xuống, người phụ nữ một đời lẻ bóng lại trở về với chiếc giường đơn sơ, cô đơn đến tận cùng...
Trần Công Kiên