Chống chuyển giá: Cần quy định rõ hơn về kiểm toán bắt buộc
Cần có cơ chế pháp lý để quy định rõ hơn việc kiểm toán bắt buộc, đồng thời cần có hệ thống dữ liệu đầy đủ góp phần chống lại tình trạng chuyển giá gian lận thuế của nhiều doanh nghiệp FDI.
Đây là một nội dung trao đổi tại Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn dẫn các báo cáo của VCCI cho thấy, mỗi năm có khoảng 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, lỗ nhiều năm, thậm chí đến mức âm vốn nhưng vẫn hoạt động, thậm chí mở rộng kinh doanh. Theo báo cáo gần đây nhất của VCCI vào đầu năm 2018 tình hình có cải thiện chút ít nhưng vẫn có tới 37,9% DN FDI báo lỗ trong năm 2017.
Một trong nhiều ví dụ là trường hợp của Coca-cola Việt Nam, công ty này liên tục báo lỗ kể từ khi hoạt động ở Việt Nam từ 1992 đến cuối năm 2012, lỗ luỹ kế đã lên tới 3.768 tỷ đồng, cao hơn cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng (nghĩa là về mặt kỹ thuật lẽ ra công ty này phải phá sản). Trong khi đó, thực tế sản lượng DN FDI này liên tục tăng 25%/năm, năm 2014 lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 210 triệu USD. Nghi án gian lận chuyển giá khá rõ, nhưng bằng chứng để chứng minh lại rất yếu, sau quá trình đấu tranh khó khăn, năm 2013 công ty này mới chịu báo lãi và nộp thuế.
Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận định chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.
Có khá nhiều hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các doanh nghiệp thường sử dụng. Trong đó, các hình thức phổ biến là: chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; chuyển giá ẩn trong thu nhập, tức là doanh nghiệp khai báo giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; chuyển giá đa chiều-nghĩa là các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế.
Cuối cùng, phổ biến nhất hiện nay là chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác.
Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực. Thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình, trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco vừa qua có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng qua hoạt động thực tế, có những doanh nghiệp khá hợp tác. Ngược lại, có không ít doanh nghiệp dùng nhiều cách khác nhau để trì hoãn, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán (các doanh nghiệp FDI hiện nay không phải đối tượng bắt buộc kiểm toán).
Các chuyên gia kiến nghị cần sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Cụ thể, khi cơ quan Thuế đấu tranh với doanh nghiệp FDI nghi là chuyển giá, khi chứng minh là hồ sơ doanh nghiệp công bố là sai, thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế.
Hoặc quá trình đấu tranh, nhưng doanh nghiệp FDI đến từ quốc gia có ký kết Hiệp định, cơ quan Thuế có thẩm quyền đàm phán với cơ quan Thuế nước bạn…Tuy nhiên, các cơ quan khác cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động chống chuyển giá là Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ lại không có thẩm quyền được thực hiện các chức năng trên như của ngành Thuế theo quy định hiện hành.
Về phía mình, đại diện Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn cho rằng hiện KTNN chưa thực hiện được nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm đi sâu đánh giá toàn diện công tác quản lý thuế với các giao dịch liên kết và đặc biệt là chuyển giá.
Trong thời gian tới, KTNN cũng sẽ xem xét lựa chọn các cuộc kiểm toán chuyên đề về kê khai nộp thuế, các đối tượng giao dịch liên kết của mọi thành phần kinh tế, kiểm toán các đơn vị liên quan nhằm đối chiếu thông tin kịp thời.
Muốn thực kiện kiểm toán tốt hoạt động chuyển giá cần hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, có thể xây dựng thêm các quy định, thậm chí Luật về vấn đề chuyển giá, kiểm tra việc thu thuế chặt chẽ hơn. Cần xây dựng chế tài mạnh hơn với hành vi chuyển giá, trốn thuế. KTNN, ngành Thuế, Hải quan, Ngân hàng, cơ quan quản lý đầu tư cần tăng cường phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp FDI, để phân tích rủi ro đầy đủ.
“KTNN hoàn toàn có đủ khả năng kiểm tra hoạt động chuyển giá trên địa bàn, thông qua kiểm toán hoạt động thu ngân sách tại các địa phương”, đại diện Kiểm toán Nhà nước nói.
Theo Vnexpress.net
Chống chuyển giá, giảm lỗ trên 9 ngàn tỷ đồng | |
Các chuyên gia: '4.0 nên bắt đầu từ số hoá những việc nhỏ' | |
Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu” | |
Nguyễn Kim “vô tình” hay “cố ý” kê khai thuế sai? |