Tỉ đô đổ vào điện mặt trời
Hàng tỉ USD đang đổ vào các dự án điện mặt trời Việt Nam, nhất là từ khi Chính phủ có quyết định ưu đãi về giá mua để thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo. Diện mạo của thị trường này tại Việt Nam đang thay đổi thế nào?
Đổi đất điện hạt nhân
Địa phương hấp dẫn giới đầu tư nhất hiện nay là vùng đất khô cằn Ninh Thuận. Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã khởi công dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc có quy mô lên đến 204MW, tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng. Dự kiến khi đưa vào vận hành vào tháng 6.2019, nhà máy này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 450 triệu kWh mỗi năm và trở thành một trong những dự án năng lượng quan trọng nhất trong Quy hoạch sơ đồ điện VII.
Cũng ở Ninh Thuận, BIM Group cùng với đối tác Ayala Corporation (Philippines) khởi động dự án điện mặt trời có quy mô 30MW; Công ty CMX Renewable phát động dự án 168MW trong một liên doanh với đối tác Sunseap (Singapore) có giá trị 4.400 tỉ đồng... Ninh Thuận đang có trong tay một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới mà địa phương có lợi thế cạnh tranh, bên cạnh tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng và hải sản chất lượng cao.
Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận vì địa phương này có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo với vận tốc gió trung bình từ 7-8m/s, số giờ nắng lên đến hơn 2.800 giờ/năm và tỉ lệ bức xạ hơn 1.800 kWh/m2/năm.
“Ninh Thuận được quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020 là 9.000MW điện mặt trời và 1.400MW điện gió”, ông Hậu cho biết. Nếu so với đề án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có tổng công suất khoảng 4.000MW, dễ thấy tiềm năng của các dự án điện tái tạo như các nhà máy điện mặt trời là hoàn toàn vượt trội, thậm chí còn an toàn, đơn giản vận hành và thân thiện hơn với môi trường.
Đó cũng là lý do vì sao Ninh Thuận tạm dừng ý định theo đuổi mục tiêu phát triển điện hạt nhân để dành đất đai cho các dự án điện mặt trời. Ninh Thuận đặt kế hoạch thu hút được các nhà máy điện mặt trời có tổng công suất lên đến 4,85GW tính đến năm 2030.
Làn sóng đầu tư còn lan tỏa đến một số địa phương khác ở miền Nam. Như ở Tây Ninh, Tập đoàn Xuân Cầu cùng với nhà đầu tư B.Grimm (Thái Lan) đầu tư 420 triệu USD vào dự án điện mặt trời có công suất 420MW ở Tây Ninh. Ở Long An, Quỹ đầu tư Bamboo Capital liên doanh với Hanwha triển khai dự án 100MW. Nhà thầu xây dựng Fecon đầu tư dự án 50MW tại Bình Thuận hay vùng đất cao nguyên nắng gió Đắk Lắk đang đề nghị Bộ Công Thương bổ sung 3 dự án điện mặt trời tại huyện Ea Súp có tổng công suất lên tới 3.367MW.
Theo Bộ Công Thương, tổng quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000MW, trong đó có khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000MW đã được chấp thuận đầu tư. Các dự án này không chỉ thu hút được nguồn vốn tín dụng lớn từ các ngân hàng trong nước, mà còn đến từ các định chế tài chính quốc tế như các ngân hàng của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...
Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo chia sẻ của giám đốc một quỹ đầu tư hạ tầng đến từ Singapore mới mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, quỹ đang tích cực săn lùng các dự án điện mặt trời có công suất lớn, với tỉ lệ thâu tóm có thể hơn 51% vốn để mở rộng hơn nữa danh mục đầu tư của mình tại châu Á.
Chạy đua trước giờ G
Chính phủ nỗ lực đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn cấp điện chính của cả nước. Năng lượng mặt trời hiện mới chỉ chiếm 0,01% trong tổng sản lượng điện sản xuất và Chính phủ có kế hoạch nâng con số này lên 3,3% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Hơn nữa, Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngành này bằng cách mua điện mặt trời dư thừa. Những điều này sẽ khuyến khích các hộ gia đình tích cực sử dụng năng lượng mặt trời.
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá cao tiềm năng của điện mặt trời Việt Nam, nhất là để giải tỏa cơ khát năng lượng của một nền kinh tế đang tăng trưởng 6-7%/năm trong bối cảnh nguồn thủy điện đã cạn kiệt và nhiều nhà máy điện than đang bị chậm tiến độ quá lâu.
Nhưng yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư là Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ban hành chính sách thu mua điện từ các nhà máy điện mặt trời với mức giá ưu đãi lên đến 9,35 cent/kWh. Theo tính toán của một nhà đầu tư, mức giá này giúp tỉ suất sinh lợi (ROE) của các nhà máy điện mặt trời có thể đạt đến 15%, bên cạnh sự khá ổn định của dòng tiền hằng năm.
Dù vậy, sức ép dành cho các dự án hiện nay cũng không nhỏ. Thời hạn hết hiệu lực của Quyết định 11 là vào tháng 30.6.2019, tức chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa các dự án bắt buộc phải hoàn thành công tác xây dựng để đưa vào vận hành. Đây là một thách thức rất lớn nếu biết rằng cho đến nay, vẫn chưa có một dự án thương mại nào được hoàn thành.
Hiện đã có một số thông tin bên lề cho thấy Bộ Công Thương đang đề xuất với Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn hiệu lực của Quyết định 11 đến năm 2020. Nhưng chính sách mới vẫn chưa được thông qua và có thể cần tốn thêm khá nhiều thời gian cũng như các khâu thủ tục hành chính trước khi được phê chuẩn.
Để đề phòng với viễn cảnh Quyết định 11 không được kéo dài, các chủ đầu tư buộc phải nỗ lực trước tiên. Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (thành viên của Tập đoàn Trung Nam), thách thức hoàn thành khối lượng dự án ở Ninh Thuận là rất lớn, buộc chủ đầu tư cùng các đối tác như Siemens, Vietcode, Apeco... phải hiệp đồng chặt chẽ để kịp đưa dự án vào vận hành thương mại trước thời điểm 30.6.2019.