Hiệu quả kinh tế trong phát triển điện gió tại Bạc Liêu
Với lợi thế có điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần; đồng thời bờ biển dài 56km, bãi bồi rộng, bằng phẳng, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s và càng xa bờ tốc độ gió càng mạnh), Bạc Liêu được xác định là một trong những tỉnh có tiềm năng để phát triển năng lượng gió.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, để phát huy những lợi thế trên, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Bạc Liêu đã xây dựng “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” và đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trong đó xác định tiềm năng phát triển các dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của Bạc Liêu dự kiến là 2.507 MW và mục tiêu đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt 401 MW, với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 882 triệu KWh.
Hiện nay, tại Bạc Liêu, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (giai đoạn I và II) của Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đã được đầu tư xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2016, với quy mô 62 trụ turbin gió, công suất 99,2 MW, đến nay đã hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 570 triệu KWh. Đây là dự án điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Để đầu tư mở rộng dự án, Công ty Công Lý đang triển khai giai đoạn III Nhà máy điện gió Bạc Liêu, gồm 71 trụ turbin gió, công suất là 142 MW.
Dự án điện gió Bạc Liêu |
Nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tăng thu ngân sách tỉnh Bạc Liêu hằng năm khoảng 60 tỷ đồng, đẩy mạnh kết hợp khai thác điện gió và du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ngoài dự án trên thì hiện nay UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chủ trương cho phép 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước được tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu lập dự án khả thi đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện gió đề ra, Bạc Liêu đang tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm các đối tác tiềm năng để đầu tư phát triển thêm các dự án điện gió trên các khu vực đã quy hoạch; cập nhật bổ sung các dự án điện gió phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng có nhiều phương án thu hút phát triển điện gió. Trước mắt là cho phép các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát, sau đó tùy theo quy mô đề nghị của nhà đầu tư, tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ, mục tiêu là hoàn thành Quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch và năng lượng tái tại của đồng bằng sông Cửu Long.
Mai Phương