Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP Hồ Chí Minh
49% startup tìm được nhà đầu tư
(PetroTimes) - TP HCM có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để thực hiện mục tiêu trở thành thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM có những chia sẻ xung quanh lĩnh vực khởi nghiệp tại TP HCM.
PV:Ông có thể cho biết về tình hình khởi nghiệp tại TP HCM hiện nay?
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng: TP HCM hiện có trên 760 nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup của cả nước, trong đó có hơn 46% (350 startup) đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, 63% (222 startup) đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà nước từ năm 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà đầu tư.
PV: Muốn thành công, khởi nghiệp phải gắn liền với đổi mới sáng tạo. Ông đánh giá như thế nào về tính đổi mới sáng tạo của các startup Việt?
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng: Các kết quả nghiên cứu cho thấy, đổi mới sáng tạo hiện nay chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới cho thị trường. Đa phần startup chưa đầu tư nhiều cho nghiên cứu phát triển. Nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, ngân sách dành cho đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chưa cao, sự hợp tác với các đơn vị nghiên cứu và các trường đại học chưa tốt. Nguyên nhân của thực trạng này là nhiều startup chưa tạo được chuỗi giá trị bền vững, đa phần tập trung vào khâu thương mại, dịch vụ hoặc gia công quốc tế...
PV: Là địa phương đi đầu trong cả nước về khởi nghiệp sáng tạo, ông có thể cho biết TP HCM đã có những động thái nào thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng: Trong giai đoạn 2016-2018, TP HCM đã đầu tư nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hình thành không gian thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của thành phố (Saigon Innovation Hub). Đây là nơi kết nối nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, kết nối cộng đồng khởi nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2018, TP HCM đã đầu tư nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hình thành không gian thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố (Saigon Innovation Hub)… |
Thành phố cũng kết nối các phòng thí nghiệm mở (OpenLap), không gian sáng chế, các trung tâm đổi mới sáng tạo… để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp; hợp tác, kết nối với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và tài chính quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp quốc tế của Phần Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Thái Lan, Anh, Israel, Thụy Sĩ… nhằm hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, TP HCM còn có các chương trình hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nhằm tư vấn, hỗ trợ các startup hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng thị trường, hỗ trợ tìm các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm… cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng. Đến nay, thành phố đã tư vấn, kết nối trực tiếp và gián tiếp trên 1.240 dự án khởi nghiệp tiềm năng, hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, góp phần hình thành 100 startup từ các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sử dụng ngân sách thành phố.
Thành phố cũng kết nối với các quỹ đầu tư như: IDG, Dragon Capital, Spring… để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế; đặc biệt là hợp tác tốt với đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon (Mỹ) của Bộ Khoa học và Công nghệ (Vietnam Silicon Valley) nhằm thiết kế các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, TP HCM đã thành lập ban điều hành về thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2018-2020 như: Xây dựng và triển khai đề án đào tạo khởi nghiệp sáng tạo trên cơ sở hợp tác quốc tế; xây dựng đề án hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo tại nước ngoài; xây dựng cơ chế hợp tác giữa thành phố và các trường đại học, về hỗ trợ đầu tư và sử dụng chung phòng thí nghiệm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Trong thời gian tới, TP HCM sẽ có nhiều hơn nữa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ với những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao và khả năng tăng trưởng nhanh, để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố có sức lan tỏa mạnh.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại TP HCM còn có những hạn chế gì?
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng: Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình có sức mạnh và giá trị rất lớn. Đối với nhiều doanh nghiệp, các quyền sở hữu trí tuệ với các phát minh, sáng chế có thể đóng góp đến 90% giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức về sở hữu trí tuệ trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố còn hạn chế do yếu tố văn hóa; thủ tục, quy trình xử lý đơn đề nghị bảo hộ còn rườm rà, thiếu cập nhật và thiếu sự liên thông các cơ sở dữ liệu; việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ vẫn chưa được các startup quan tâm so với hoạt động khác như tài chính, gọi vốn, sale marketing, phát triển sản phẩm… Trong số 30 dự án được xét duyệt của chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 (SpeedUp 2017) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, chỉ có 20% dự án nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, các trường đại học đang đầu tư phần lớn nguồn lực (nhân lực, kinh phí, thời gian) cho hoạt động đào tạo, còn hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa gắn với thị trường, chưa thực sự được quan tâm. Số lượng trường đại học có chương trình đào tạo khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết quả nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm khoa học công nghệ và hình thành startup thông qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ của trường còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%.
Trong số 30 dự án được xét duyệt của chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 (SpeedUp 2017) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, chỉ có 20% dự án nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. |
Đầu tư của xã hội cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cơ chế chính sách cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do chưa đủ mạng lưới chuyên gia liên kết và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo, các dịch vụ cung cấp cho các startup còn ở mức cơ bản, chưa khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin do chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn, có khả năng thu hồi và thoái vốn nhanh.
Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn thiếu đồng bộ, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm phục vụ kiểm tra, kiểm thử sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật (phòng thí nghiệm, mặt bằng sản xuất thử nghiệm…) chưa đáp ứng được nhu cầu của các startup. Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có trên 125 phòng thí nghiệm và 270 tổ chức khoa học và công nghệ. Đây là tiềm lực rất mạnh để thúc đẩy cho hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên các tổ chức này hiện vẫn còn thiếu sự liên kết.
Ngoài ra, theo tôi, các startup Việt nói chung và startup TP HCM nói riêng còn ít được chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các startup thành công trong nước và quốc tế. Có khá nhiều các startup tại TP HCM có dự án tiềm năng nhưng phải tìm nguồn đầu tư, tài trợ từ nước ngoài. Sự trao đổi, liên kết hợp tác giữa các startup trong và ngoài nước chưa cao.
Phong trào Start up đang phát triển sôi động |
PV: Ông có nhận xét gì về hệ sinh thái khởi nghiệp ở TP HCM?
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng: Thực tế cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là sự kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần gồm: cộng đồng doanh nghiệp (doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp lớn dẫn dắt…), các tổ chức nghiên cứu phát triển (trường đại học, viện nghiên cứu…), các tổ chức hỗ trợ trực tiếp (cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư…), các tổ chức hỗ trợ gián tiếp (truyền thông, đào tạo, tư vấn, cố vấn…) và các cơ quan Nhà nước (nơi ban hành các chính sách, kiến tạo môi trường kết nối các thành phần để hệ sinh thái phát triển…).
Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP HCM vẫn chưa có đủ sức kết nối “cộng sinh” giữa các thành phần để cùng phát triển, đáp ứng được sự cạnh tranh ngày càng lớn của quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM: Kết nối giới khoa học và doanh nghiệp TP HCM có thể trở thành điểm đến của khởi nghiệp sáng tạo, nhưng cần phải có sự hỗ trợ, phải hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…, trong đó, kết nối startup trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng. Một trong những điểm yếu của startup ở TP HCM cũng như trong cả nước là vai trò của khoa học công nghệ, sự kết nối của giới khoa học và doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, đưa sản phẩm khoa học đến với doanh nghiệp; làm cho doanh nghiệp có thói quen đặt hàng các chuyên gia công nghệ, các nhà nghiên cứu, thúc đẩy giới khoa học, đào tạo và giới doanh nghiệp tìm đến và kết nối với nhau. Bà Thạch Lê Anh - đồng sáng lập Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley Accelerator: Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm Khi nói đến startup thì không thể không nói đến vai trò quan trọng của đầu tư mạo hiểm. Ở Mỹ 1 năm có thể thu hút đến 70 tỉ USD đầu tư mạo hiểm, chỉ chiếm 0,23% GDP nhưng tạo ra đến 21% GDP. Đây là con số rất đáng quan tâm, vì đầu tư mạo hiểm rủi ro cao nhưng cũng có thể đem lại lợi nhuận rất cao. Israel có thể thu hút được khoảng 5 tỉ USD, Singapore cũng thu hút được khoảng 6,8 tỉ USD đầu tư mạo hiểm mỗi năm. Còn ở Việt Nam, mặc dù trong những năm gần đây phong trào khởi nghiệp phát triển rất mạnh mẽ, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thế nhưng trong tổng số tiền đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực Đông Nam Á khoảng 1,5 tỉ USD/năm thì Việt Nam chỉ thu hút khoảng 100 triệu USD. Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm hơn để làm cách nào thu hút các nguồn vốn đầu tư về Việt Nam, làm thế nào để các startup Việt không phải vất vả với việc huy động vốn bên ngoài, hình thành một thị trường vốn cho startup; hoàn thiện các quy định về đầu tư mạo hiểm trong hệ sinh thái khởi nghiệp; tạo ra sàn khởi nghiệp để các nhà đầu tư và các startup có thể gặp gỡ nhau, từ đó các startup có thể huy động được vốn, còn các nhà đầu tư có thể tìm được các dự án tiềm năng để đầu tư. Bà Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc Facebook Việt Nam: Nhân lực Việt rất giỏi Là một trong những startup được đánh giá là thành công nhất của người Việt tại Mỹ, vào năm 2015, Misfit, startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể được Tập đoàn Fossil Group mua lại với giá 260 triệu USD. Ít người biết rằng, để Misfit thành công như hiện nay có sự đóng góp rất lớn của nguồn nhân lực Việt. Lực lượng nòng cốt ban đầu của Misfit là các du học sinh Việt Nam tốt nghiệp ở Mỹ, Anh, Canada và các sinh viên giỏi tại các trường đại học ở Việt Nam cùng chung mục tiêu xây dựng một công ty mà lực lượng nòng cốt là đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển) phải dựa vào nguồn lực Việt Nam. Điều này chứng minh nhân lực Việt Nam rất giỏi, có thể đem được các ý tưởng rất tốt ra tận dụng cho sự phát triển của doanh nghiệp và khởi nghiệp. Tuy nhiên, để thành công, đi được đường dài, các startup Việt cần có sự thay đổi trong tư duy, đó là không được thỏa mãn quá sớm. Nếu nhìn qua Israel, Trung Quốc hay nhiều nước khác thì các startup ở Việt thỏa mãn sớm quá nên ít khi lập được đường đi lâu dài và không vươn đến những tầm cao hơn. Do đó, các startup Việt cần kiên trì để làm được những điều mà mình chưa thể làm. |