EU muốn tránh chiến tranh khí đốt mới với Nga
(PetroTimes) - Với mong muốn tránh "cuộc chiến tranh khí" mới, EU đã mời Nga và Ukraine đến Berlin với hy vọng rằng họ có thể đồng ý về tương lai khí đốt quá cảnh Nga cho châu Âu qua Ukraine, trong khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào cuối năm 2019.
Mỹ tiếp thị khí đốt với EU |
Ukraine khởi động vụ kiện mới với Gazprom |
Đức trấn an Ukraine về đường ống Nord Stream 2 |
"Rõ ràng là thời gian không còn nhiều và các cuộc đàm phán trước mặt rất phức tạp", Cao ủy châu Âu về năng lượng, Maroš Sefcovic, cho biết trong một tuyên bố.
Ông sẽ hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin và đại diện của các tập đoàn khí đốt của Nga Gazprom và Naftogaz của Ukraine. Hai tập đoàn này đã kiện tụng nhau trong nhiều năm qua.
Nếu Gazprom đã giảm đáng kể khối lượng khí đốt qua Ukraine sau khi Ukraine bất hòa với Nga kể từ sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014, thì nay tập đoàn Nga tiếp tục muốn cắt giảm khí đốt qua Ukraine bằng các dự án đường ống dẫn: Turkish Stream và Nord Stream 2.
Dự án đường ống dẫn Nord Stream 2, với chiều dài gần 1.200 km, nhằm tăng gấp đôi công suất của Nord Stream 1, và cho phép vận chuyển nhiều khí đốt của Nga hơn trực tiếp đến Đức qua biển Baltic.
Trong thực tế, trong quý đầu tiên của năm 2018, Nord Stream đã trở thành con đường chính cung cấp khí đốt của Nga cho EU (36% trong tổng số, so với 34% qua Ukraine), theo Ủy ban châu Âu.
Nhưng nếu Berlin từ lâu đảm bảo rằng đây là một đường ống hoàn toàn "thương mại", thì bà Merkel vẫn đặt điều kiện cho Moscow là phải quá cảnh khí đốt qua Ukraine.
"Cũng có những yếu tố chính trị cần xem xét", Thủ tướng Đức thừa nhận tại một cuộc họp báo chung tại Berlin với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. "Một dự án không rõ ràng về vai trò của Ukraine là không thể", bà Merkel tuyên bố.
"Dự án này hoàn toàn mang tính chính trị", Tổng thống Ukraine nói. "Tại sao chi hàng chục tỷ đô la để làm cho nền kinh tế châu Âu kém hiệu quả hơn, ít cạnh tranh và chính sách năng lượng của EU phụ thuộc nhiều hơn vào Nga?".
Dự án cũng bị chỉ trích bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến việc bán khí thiên nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng tàu đến châu Âu, cho thời điểm này đắt hơn nhiều so với khí đốt của Nga.
Nhu cầu về khí đốt Nga của châu Âu đã tăng từ năm 2015, chủ yếu là do sản lượng của Hà Lan suy giảm. Trong mùa đông 2017-2018, Gazprom đã phá vỡ kỷ lục về xuất khẩu khí đốt đến cựu lục địa.
Ngày 2/3/2018, các đường ống được sử dụng để cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu hoạt động từ 92,4% đến 99,0% công suất. Theo nhà nghiên cứu Jack Sharples của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, việc quá cảnh qua Ukraine giờ chỉ còn được Nga sử dụng đến trong thời gian nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhất là vào mùa đông, trong khi nhu cầu của châu Âu dự kiến sẽ tăng trong những năm tới.
"Việc quá cảnh khí đốt qua Ukraine sẽ tiếp tục là cần thiết cho đến khi khởi động Nord Stream 2 và Turkish Stream", nhưng sau đó nó sẽ chỉ trở thành một phương án dự phòng, "trừ phi có một thỏa thuận cụ thể với Ủy ban châu Âu", hoặc nếu "khách hàng yêu cầu khí đốt phải tiếp tục quá cảnh qua Ukraine".
"Nếu Gazprom cho biết sẵn sàng duy trì một lượng khí trung chuyển tối thiểu hàng năm qua Ukraine, thì Kiev có thể sẽ không có đủ kinh phí để vận hành đường ống.
Theo Thierry Bros, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đây chắc chắn là một câu hỏi về việc tìm kiếm một thỏa thuận cho "sau năm 2019" nhưng cũng là một giải pháp tạm thời vì Gazprom đang tìm cách hủy bỏ tất cả các hợp đồng của mình với Ukraine.
"Phải xem xét một hợp đồng toàn cầu kể từ bây giờ với hai ẩn số: đó là dự án Nord Stream 2 và ẩn số về phí trung chuyển, trong khi người ta không biết những gì sẽ đề xuất cho Ukraine", ông nói thêm.
"Nếu chỉ là vấn đề thương mại, Ukraine sẽ có trong tay sức mạnh để khiến Nord Stream 2 không cạnh tranh nổi bằng cách hạ thấp mức thuế quá cảnh của mình", ông nói.
Nh.Thạch