Kết luận tố cáo về đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội:
Đề nghị Hà Nội đảm bảo quyền lợi cho người tố cáo sai phạm
Thanh tra Chính phủ khẳng định, một số nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là có cơ sở và đề nghị Thành uỷ Hà Nội xem xét lại quá trình công tác của ông Bình, đảm bảo quyền lợi cho ông.
Kết luận thanh tra một số nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình về dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Thanh tra Chính phủ làm rõ dấu hiệu trù dập, loại bỏ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác cán bộ và không bảo vệ người tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Kết luận thanh tra cho biết, trong thời gian từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2016, ông Lương Xuân Bình làm Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có bất kỳ một kỷ luật nào về đảng cũng như chính quyền.
Kết quả thực hiện quy trình bổ nhiệm lại, cơ bản các tiêu chí đạt yêu cầu, từ việc kiểm điểm đánh giá quá trình công tác, lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ viên chức tại cơ quan, ông Bình chưa đạt tỷ lệ cần thiết.
Toàn tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội |
Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm của tập thể Đảng uỷ và lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, thì ông Bình đạt số phiếu. Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thành uỷ Hà Nội xem xét lại quá trình công tác của ông Bình, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi cho ông.
"Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện có dấu hiệu trù dập ông Bình. Tuy nhiên, với kết quả thanh tra các nội dung mà ông Bình nêu trong đơn tố cáo cho thấy một số nội dung tố cáo là có cơ sở" - kết luận nêu rõ.
Mặc dù ông Bình chưa cung cấp được dấu hiệu gì cho thấy bị xâm hại hay đe doạ đến bản thân và gia đình ông, nhưng Thanh tra Chính phủ đã đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần quan tâm đến việc này.
Cơ quan thanh tra cũng đề nghị Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với nội dung tố cáo về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác thanh tra của Thanh tra Hà Nội.
Như đã đưa tin, kết luận thanh tra khẳng định dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có quy mô lớn và phức tạp, lần đầu áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng hợp đồng tư vấn thực hiện với Công ty Systra (Pháp) xác định thời gian 25 tháng với tổng giá trị trên 10,6 triệu Euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được tính phức tạp khi thực hiện dự án.
Đây là lần đầu tiên tư vấn Systra thực hiện dự án tuyến tàu điện ngầm ở Việt Nam nên còn nhiều lúng túng, chưa hiểu hết các quy định của luật pháp Việt Nam, dẫn đến mất nhiều thời gian để hai bên đi đến thống nhất cho từng nội dung, từng hạng mục.
"Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội không tin tưởng vào kinh nghiệm và trình độ quốc tế của tư vấn Systra. Ngược lại, tư vấn Systra cho rằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thiếu kinh nghiệm và loại hình thi công này làm chậm trễ thời gian thực hiện dẫn đến phát sinh nhiều chi phí; các yêu cầu luôn mâu thuẫn, những chỉ thị đưa ra không thể thực hiện dẫn tới tư vấn phải thực hiện hai lần" - kết luận chỉ rõ.
Nhận định việc điều chỉnh hợp đồng trọn gói tăng thêm trên 6,5 triệu Euro là chưa đúng quy định, nhưng Thanh tra Chính phủ đánh giá, thực tế tư vấn Systra có huy động nhân sự thực hiện các công việc thời điểm trước khi hợp đồng có hiệu lực. Việc phân chia từ 4 gói thầu lớn ban đầu thành 9 gói thầu nhỏ hiện nay có phát sinh một số công việc phải tăng thêm.
"UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc, Thanh tra TP Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các vi phạm. Căn cứ kết quả kiểm điểm có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao" - Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tư vấn thực hiện là Công ty Systra (Pháp). Quy mô toàn tuyến dài 12,5 km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo Quyết định 4007/2013 của UBND TP Hà Nội là 1.176 triệu Euro; thời gian thực hiện dự án điều chỉnh đến năm 2018. |