Giá, phí và chuyện “chày cối giã nhau”
Còn bao nhiêu cái bất hợp lý tương tự như tên gọi thu giá? Sẽ không ít, nếu cần nhân dân đóng góp ý kiến, họ sẵn lòng!
Chuyện không rắc rối thêm với BOT nếu như “ai đó” không rảnh rỗi phát hiện ra cái bảng có mấy chữ “trạm thu giá” khiến dư luận xã hội như bung hoa nở nụ “bà tám” rồi đi đến một phát hiện động trời: Thu giá hoàn toàn khác thu phí!
Thế là động đến cơ quan công quyền, lập tức Bộ GTVT phân trần chuyển đổi thu phí thành thu giá không khác gì về bản chất, mà sẽ linh động hơn. Tính linh động thì không ai thấy mà chỉ thấy sự “động não” phân tích, so sánh tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội.
Có đại biểu Quốc hội còn khẳng định, chuyển từ thu phí thành thu giá là vấn đề đã được “luật hóa”, ý muốn nói thu giá đã được pháp luật quy định nên đương nhiên khỏi bàn cãi!? Thế mà có nhiều bộ Luật vừa ban hành đã thấy sai, hoặc không thực hiện được.
Thu giá đã trở lại thu phí như ban đầu |
Giữa lúc cãi nhau kịch liệt bất phân thắng bại thì một chuyện nực cười xảy ra vô tình chứng minh sự vô nghĩa, tối nghĩa, vô lý của cụm từ thu giá. Đó là mạng xã hội lan truyền hình ảnh tài xế mang cả rổ giá đỗ đến nộp cho trạm BOT!
Thu giá có phải là thu tiền không? “Giá” trong thu giá nghĩa là “phường giá áo túi cơm” hay giá đỗ? Thu giá có làm mất sự trong sáng của tiếng Việt không?
Người bình tĩnh hơn không lao vào cuộc cãi vã, họ nhìn vấn đề bằng con mắt tinh tường hơn, rằng, cái sự xung đột ngữ nghĩa chẳng qua là cái cớ để trút bỏ bức bối lên sự bất cập BOT! Như một sự trả đũa.
Cuối cùng, bằng những phân tích về mặt khoa học ngôn ngữ của các chuyên gia có uy tín, bằng sự thừa thắng xông lên của số đông dân chúng, ngày 10/7 Tổng cục đường bộ hỏa tốc văn bản yêu cầu đổi toàn bộ thu giá thành thu phí!
Như thế Bộ GTVT và những người “phát minh” ra thu giá đã thừa nhận mình sai, nhưng với lý do “để thống nhất tên gọi đơn giản, dễ hiểu, được người dân, doanh nghiệp đồng tình chấp thuận”.
Tên gọi thu phí không phải là “đơn giản” vì nó có ngữ âm, ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp, đúng hơn là để phản ánh đúng bản chất sự việc; còn nữa, việc dùng từ thu phí chưa khi nào được lấy ý kiến nhân dân nên không thể nói là “đồng tình chấp thuận”.
Để cái bảng hiệu chướng mắt trên mọi trạm BOT được thay chữ là quá trình đấu tranh, kiến nghị của người dân và chuyên gia, hoàn toàn không dễ dàng chút nào, vì chính cơ quan quản lý thoạt đầu cương quyết bảo vệ lập trường.
Giả sử không ai lên tiếng chắc chắn thu giá còn nguyên xi, khi đó cơ quan chức năng vẫn đinh ninh mình đúng trăm phần trăm trên một cái chưa đúng một trăm phần trăm!
Cái sai luôn đi kèm lời xin lỗi mới phải đạo lý, cha ông ta dạy thế, thật mát mẻ nếu dư luận nhận được một lời cáo lỗi từ một nơi nào đó mà họ thấy cần thiết phải nói ra điều này cho bớt nặng lòng.
Lời xin lỗi - tuy không mất tiền mua và cũng không mang lại thêm gì cho người được nhận, nhưng thật ra có tác dụng lớn lao trong con mắt của người dân khi nhìn về cơ quan công quyền. Vì ít ra, nhân dân thấy mình được tôn trọng.
Ý dân là ý trời quả chẳng sai tí nào, từ câu chuyện ngữ nghĩa còn cho thấy những vấn đề mang tính lý luận được cho là xa xôi vời vợi trong suy nghĩ nhiều người.
Một vấn đề rất cũ, sách vở nào cũng có nói nhưng không có cơ hội trông thấy liên tục trong thực tế, đó là “lắng nghe dân”, “tôn trọng dân”. Còn bao nhiêu cái sai tương tự như tên gọi thu giá? Sẽ không ít, nếu cần nhân dân đóng góp ý kiến, họ sẵn lòng.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp