Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững
Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018, ngày 12/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ và nhiều Bộ, UBND Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề với chủ đề "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững".
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển “tam nông”, trong đó có phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp động lực. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạng xuất khẩu tạo tiền đề cho nông nghiệp thông minh”.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, bản chất nông nghiệp thông minh là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Những công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, để thành công, cần sự nỗ lực, phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước. “Thực trạng nước ta hiện nay, nông nghiệp khó có thể ứng dụng 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền. Lựa chọn những giải pháp hiệu quả bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ” - Thứ trưởng Tuấn nói..
Toàn cảnh hội nghị |
Thảo luận về các chính sách xây dựng nông nghiệp 4.0, tại hội nghị, các chuyên gia, đại biểu trong nước và các tập đoàn nước ngoài đã đưa ra các giải pháp nhằm gia tăng năng suất, phát triển nông nghiệp thông minh. Các tham luận cho rằng, khi tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết theo mô hình doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất và quản trị quá trình sản xuất quy mô hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, gắn với thương hiệu, thị trường và bền vững với môi trường.
Trong tham luận chủ đề "Tầm nhìn và chính sách phát triển nông nghiệp thông minh: Kinh nghiệm từ Lâm Đồng”, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất 5 giải pháp, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số đối với cách mạng công nghiệp 4.0; các viện nghiên cứu cần có chiến lược nghiên cứu phần mềm và phần cứng ứng dụng giải pháp IoT để tạo ra công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0; các địa phương cần tiến hành đào tạo nguồn nhân lực toàn diện các đối tượng trực tiếp tham gia nông nghiệp thông minh 4.0…
Tọa đàm "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững" |
Còn theo Giám đốc kỹ thuật Công ty Lina Network Vũ Thạch Tâm, hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới, doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng cung cấp được. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu hệ sinh thái hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất có thể tiếp cận công nghệ Việt, cũng như doanh nghiệp công nghệ Việt không biết doanh nghiệp sản xuất cần gì để chào "hàng".
Ông Vũ Thạch Tâm cho hay: "Để phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, nhà nước và cơ quan chức năng cần có chính sách cũng như phương thức cụ thể tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ".
Với phương châm đưa công nghệ cao, công nghệ sạch để phát triển bền vững, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH Ngô Minh Hải cho biết, TH đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý đàn bò của Isreal để quản lý sức khỏe đàn bò; quản lý chất lượng, sản lượng, thành phần sữa. Cùng hệ thống vắt sữa tự động, hiện đại với quy trình vệ sinh vắt sữa hoàn hảo, sữa được kiểm soát chất lượng ngay từ đầu.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, TH cũng đang áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt. Hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa, hiện đại hóa để tiết giảm chi phí, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều.
Theo ông Ngô Minh Hải, để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hóa chúng ta cần xây dựng cơ chế để chính quyền, doanh nghiệp và người dân trở thành một mối quan hệ bền chặt, các bên đều có lợi. Đưa người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao để tạo việc làm cho người dân địa phương và phát huy lợi thế vùng miền.
Theo kế hoạch, ngày 13/7, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Nguyễn Hoan