“Ăn” vào đất nông nghiệp, hãy xem chừng hệ lụy!
Sẽ quản lý và sử dụng 260.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi như thế nào để "cách ly" với lợi ích nhóm, các hệ lụy xã hội và ích lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu.
Nếu không có gì thay đổi, TP HCM sẽ chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ. Như tính toán sẽ mang về 1,5 triệu tỉ đồng, tức là rơi vào tầm 61 tỉ USD, xấp xỉ 1/3 GDP của Việt Nam năm 2018!
Cái lợi trước mắt thấy rất rõ, nó sẽ làm cho GDP của TP HCM tăng lên 2,73 lần so với hiện tại. Thêm con số cho thấy sự lợi hại của công nghiệp, dịch vụ năm 2015 diện tích đất nông nghiệp của thành phố là hơn 118.000 ha nhưng chỉ đem lại giá trị thực tế 6.494 tỷ đồng. Trong khi đất công nghiệp - dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đem lại giá trị thực tế 726.978 tỷ đồng!
Những lợi ích có vẻ rất thuyết phục để tăng động lực chuyển đổi đất nông nghiệp. Nhưng lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp, dịch vụ là bài toán có rất nhiều đáp án, có cả những ẩn số không thể không quan tâm.
Xét một góc độ rất nhỏ là các khu công nghiệp, dự án mọc lên khắp 63 tỉnh thành, đó cũng là một dạng lấy đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp. Ngoài những kết quả đem lại thì hệ quả là ô nhiễm môi trường, nông dân mất sinh kế. Chưa kể đến hàng trăm dự án “treo” gây khốn khó cho người dân.
Số tiền thu về sau khi chuyển đổi là rất lớn, nhưng vấn đề là có phát huy tác dụng lâu dài hay sẽ giống như “mua đứt bán đoạn”. Hàng triệu người nông dân sống bằng gì sau khi không còn đất?
Mất đất nông nghiệp để lại hệ lụy xã hội lâu dài (Hình minh họa) |
TP HCM đang gặp phải rất nhiều vấn đề: Ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè, bất hợp lý trong quy hoạch xây dựng. Trong những vấn đề đó, quy hoạch bất hợp lý và ngập úng sẽ rất đáng lưu tâm khi lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp và dịch vụ.
Một trong những tiêu chí hàng đầu của thành phố thông minh là khả năng ứng dụng công nghệ trong điều hành quản lý, khai thác chiều sâu chứ không phải những “cơn sốt” đất nền và bộ dạng nhếch nhác trên từng con đường, nơm nớp lo sợ đủ thứ chuyện.
Lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp dịch vụ là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Nhiều địa phương, trong có có Hà Nội và chính TP HCM vừa trải qua. Đáng lo nhất là sự bất ổn xã hội một khi gốc gác nông nghiệp biến mất.
Sẽ quản lý 260.000 ha đất được chuyển đổi như thế nào? Những cam kết đầu tư vì sự phát triển chung có đủ độ tin cậy, hay con đường sinh lời nhanh nhất là khoanh lô, bán nền? Đất đai không khéo rơi vào tay những tập đoàn rủng rỉnh tiền bạc, có thể đến lúc nào đó họ trở lại mặc cả với chính quyền!
Một loạt cán bộ lãnh đạo thành phố bị kỷ luật vì liên quan đến đất đai ở Nhà Bè, Quận 2. Chắc chắn khi giao đất cho doanh nghiệp cũng dựa trên lý do có lợi trước mắt chứ không ai nghĩ đến lúc nào đó cái sai mới lòi ra.
TP HCM vẫn là “đầu tàu” kinh tế cả nước, tăng trưởng đều đặn 8 - 9% mỗi năm. Sẽ không đúng nếu cho rằng cần diện tích lớn để phát triển theo xu hướng 4.0! Ngược lại, nền kinh tế 4.0 không dựa vào lợi thế “cứng” như đất đai, môi trường. Ví dụ, một tập đoàn vận tải lớn như Grab nhưng không cần đến một bãi đỗ xe!
Công nghiệp dịch vụ mà TP HCM đang hướng đến là cao ốc văn phòng, chung cư, đất nền, dự án nghỉ dưỡng hay là thung lũng silicon?
Cần tính toán thêm các hệ lụy xã hội chứ không đơn thuần là chỉ tiêu kinh tế, Thủ Thiêm là bài học kinh nghiệm trong quản lý đất đai, cuối cùng người dân được lợi gì bên những dự án đồ sộ, hay chỉ là những con số đồ sộ trên báo cáo.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp