Triển vọng sáng của kinh tế vĩ mô 5 tháng cuối năm
Cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam
(PetroTimes) - Trung tâm Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra; các tổ chức tín dụng quốc tế như HSBC, WB, ADB vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam; giai đoạn khối ngoại bán ròng sẽ sớm chấm dứt, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ hồi phục mốc 1.200 điểm từ nay đến cuối năm 2018.
Nhiều điểm sáng của kinh tế vĩ mô
Quý II/2018 vừa đi qua với nhiều biến cố và sự kiện kinh tế, chính trị quan trọng trên thế giới. Bất ổn địa chính trị leo thang, tăng trưởng kinh tế giảm tốc tại một số khu vực ở Mỹ, châu Âu, trong khi một số nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia thì nguy cơ suy thoái đang có dấu hiệu quay lại khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành mối nguy cơ tiềm tàng.
Thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại mốc 1.200 điểm từ nay đến cuối năm |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động lớn, khó lường thì những số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam qua 6 tháng đầu năm lại khá tích cực. Tăng trưởng GDP bất ngờ tăng mạnh nhất kể từ 8 năm trở lại đây, đạt mốc 7,08%, vượt xa mục tiêu đề ra của Chính phủ từ đầu năm (6,7%). Các dự án đầu tư trực tiếp hay gián tiếp vẫn tiếp tục gia tăng tại các thành phố trọng điểm Hải Phòng, TP HCM, Hà Nội… Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 quốc gia có mức đầu tư lớn nhất vào nước ta hiện nay với tổng giá trị các dự án được phê duyệt lần lượt là 5,5 tỉ USD và 3,1 tỉ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm trong đó một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tốt như sắt thép tăng 43,7%, dệt may tăng 22,1% hay khí hóa lỏng (LPG) tăng 18,5%.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh sáng màu về nền kinh tế thì những mặt tiêu cực cũng đã bộc lộ. Các ngân hàng trưng ương thế giới đưa ra các động thái thắt chặt tiền tệ trong năm 2018 do tình hình kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh tại các khu vực ở Mỹ, châu Âu và châu Á, các chương trình kích thích kinh tế không phải là mục tiêu ưu tiên. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25%, lần thứ 2/4 trong năm theo lộ trình đã được công bố trước cũng đã phản ánh việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước phát triển và đang phát triển là tất yếu. Tại Việt Nam, với xu thế mạnh lên của đồng USD, tỷ giá tăng, lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại ở một số kỳ hạn ngắn 6-24 tháng, lạm phát sẽ khó duy trì dưới mức 4% cả năm 2018.
Trong ngắn hạn, thị trường chưa có những dấu hiệu hồi phục chắc chắn vì cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc; nhiều khả năng sắp tới FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, từ đó kích hoạt dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, việc dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán nước ta trong ngắn hạn sẽ khó xảy ra. |
Trái ngược với diễn biến tích cực của nền kinh tế thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 3 tháng giao dịch tiêu cực nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Việc sụt giảm về điểm số từ mốc 1.200 điểm về dưới mốc 900 điểm đầu tháng 7-2018 đã chỉ ra những hạn chế nội tại xuất phát từ nền kinh tế cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động địa chính trị, chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump hay việc chuyển dịch dòng vốn ngoại, rút ra khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Phục hồi mốc 1.200 điểm
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã leo thang và đang trở thành “bóng ma” đe dọa sự phát triển kinh tế toàn cầu. Việc áp dụng mức thuế mới đánh vào các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc khiến một số nguyên liệu thô như sắt thép, nhôm sẽ có khung giá mới. Áp lực tăng giá các nguyên vật liệu thô sẽ tác động làm tăng giá các sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành công nghệ, tài nguyên cơ bản sẽ gặp khó khăn (Apple, Yahoo…). Tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa nghiêm trọng và Việt Nam sẽ không là trường hợp ngoại lệ thoát khỏi vòng ảnh hưởng.
Mặt khác, diễn biến bán ròng của khối ngoại trong quý II/2018 cũng là điều mà các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm. Cho dù chưa thể chỉ rõ ra động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đến chủ yếu từ việc FED tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư toàn cầu hay do môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam bất ổn do lạm phát, lãi suất gia tăng hoặc chỉ là hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư… Dù xuất phát từ lý do nào thì điều đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán rơi vào xu hướng điều chỉnh dài hơn dự kiến. Dòng tiền tham gia vào các cổ phiếu lớn thuộc nhóm VN30 đã giảm sút, thanh khoản suy yếu cũng là điều khiến chỉ số VN-Index chưa thể hồi phục. Quá trình điều chỉnh có thể tiếp diễn trong tháng 7, thậm chí cả tháng 8 năm nay.
Nguồn: Bloomberg, GSO, PSI tổng hợp |
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra. Các tổ chức tín dụng quốc tế như HSBC, WB, ADB vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo vẫn là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng giai đoạn vừa qua nhiều khả năng sẽ sớm chấm dứt khi giai đoạn cơ cấu danh mục cũng như quá trình cân bằng danh mục các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) hoàn thành. Thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ tạo đáy quanh vùng 860-890 điểm trước khi hồi phục mốc 1.200 điểm từ nay đến cuối năm 2018.
Minh Châu