Cỏ Vetiver - chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững
Tại Việt Nam, cỏ Vetiver có lẽ khá xa lạ với nhiều người. Nhưng đây chính là loại cỏ hội đủ nhiều yếu tố để phát triển nông nghiệp bền vững: An toàn, thân thiện với môi trường; ngăn rửa trôi, sạt lở đất; giúp cải tạo đất trồng…
TP HCM tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Phát triển nông nghiệp 4.0 |
Bùng nổ nông nghiệp sạch ở châu Âu |
Vetiver là cỏ bất thụ, chúng không có hạt giống. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa Vetiver và cỏ hương bài. Cỏ hương bài có hình thái bên ngoài giống hệt với Vetiver Zizanioides (thực tế nó là nemoralis), khi trưởng thành thì rễ chúng nông, chỉ khoảng 1,2 - 1,3m.
Trồng Vetiver bao quanh vườn ở Brazil. |
Giống cỏ Vetiver đã và đang được trồng rộng rãi ở Việt Nam có nguồn gốc từ Phillippines hoặc Thái Lan. Vetiver là “trợ thủ” đắc lực cho người nông dân, tiết kiệm nước trong đất, giúp cho cây trồng chống hạn, sinh ra rơm phủ, làm cho đất tốt dần lên để người nông dân có thể xen canh nhiều loại cây.
Khi trồng Vetiver cạnh cây trồng, sự cạnh tranh dinh dưỡng là không nhiều và lượng dinh dưỡng, vi khoáng ở tầng sâu 4 - 5 mét, thậm chí 7 - 10 mét được Vetiver khai thác bằng sinh khối thân, lá và trả chúng lại cho đất mặt. Điều này có ý nghĩa như việc chúng ta đảo đất, đảo sâu tới 7 - 10 mét. Vetiver với bộ rễ khổng lồ, nhiều sợi nhỏ cũng giúp đất đai tơi xốp, không khí lưu thông. Khi có mưa, bộ rễ cũng giống như miếng bọt biển thu giữ nước, đưa nước thấm sâu vào đất.
So sánh một cây Tamarind 1 năm tuổi ở Thái Lan khi có và không có vòng cỏ Vetiver trồng xung quanh. |
Từ cuối năm 1990, Vetiver được du nhập về Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã tiếp cận và bắt đầu tiến hành rất nhiều nghiên cứu.
Năm 2002, Vetiver đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải cho phép trồng ở Việt Nam. Suốt nhiều năm, các thử nghiệm về Vetiver đã được tiến hành, đánh giá, nghiệm thu. Tuy nhiên, đến nay, Vetiver vẫn chỉ được biết đến như một giải pháp phòng chống sạt lở và thuộc sở hữu của một số công ty xây dựng.
Vetiver trên thế giới
Ở Ấn Độ, chính quyền thành phố Nadia đã quyết định sử dụng Vetiver để bảo vệ hơn 700km bờ sông.
Tại Thái Lan, hàng loạt các dự án sinh kế bền vững ở khắp các vùng cao, vùng khó khăn, kết hợp du lịch nông thôn đã được thực hiện rất thành công, tất cả đều do trồng Vetiver.
Người dân Indonesia chọn Vetiver cho việc bảo vệ đất dốc, bảo vệ ruộng bậc thang và chăn nuôi gia súc, vật liệu làm nhà, làm chuồng trại, thậm chí, chiết xuất tinh dầu.
Vetiver với bộ rễ khỏe mạnh. |
Tại Hawaii, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyện liệu Vetiver rất đắt giá. Không những vậy, người dân nơi đây còn có các loại trà thảo mộc với thành phần là thảo dược trên đảo pha cùng chút rễ cỏ Vetiver.
Hướng phát triển Vetiver tại Việt Nam
Vetiver có thể chịu được đất có độ mặn tới 23‰; có thể thích nghi dải PH từ 3.5 - 12; phát triển suốt 10 tháng không mưa sau 1 tuổi, có thể sống được ở nơi có lượng mưa từ 300mm/năm. Chỉ khi nhiệt độ xuống -5 độ C, Vetiver mới chết phần thân, lá, nhưng mô mầm sẽ sinh sôi trở lại khi nắng lên. |
Tháng 5 vừa qua, Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng) đã trồng thử nghiệm Vetiver ở một số đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa nhằm giúp cho hệ sinh thái Trường Sa được cải tạo, ngăn mặn, tạo chất dinh dưỡng, thích hợp trồng cây và rau.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, ưu điểm của Vetiver là có bộ rễ xuyên sâu trở thành màng lọc tự nhiên khiến cho khu vực trong đảo trở nên gần giống đất liền hơn. Nhiều nước trên thế giới đã dùng cỏ Vetiver để chống sạt lở, ngăn mặn.
Anh Ngô Đức Thọ - thành viên Mạng cỏ Vetiver quốc tế cho biết, cỏ Vetiver phù hợp với mọi loại thời tiết và địa hình. Vetiver đã được mang lên Hà Giang từ tháng 10/2017 để thử độ thích nghi. Qua một mùa đông khắc nghiệt, hiện tại Vetiver đã phát triển khá tốt, khả năng chống chọi thời tiết cao.
Về hướng phát triển cỏ Vetiver trong thời gian tới, anh Thọ cho hay, sẽ xây dựng một số mô hình mẫu về trồng Vetiver trong trang trại hoặc thử nghiệm những tác dụng khác của lá cỏ Vetiver như làm đồ thủ công mỹ nghệ, sử dụng phần năng lượng sinh khối làm ván ép, phân bón hữu cơ…
Các chuyên gia khẳng định, cỏ Vetiver chính là chìa khóa cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Vai trò của cỏ Vetiver: - Ứng dụng vào chống sạt lở đê bao thủy lợi, đường giao thông nông thôn, công trình dân dụng... - Ứng dụng trong xử lý nước thải công nghiệp, rò rỉ bãi rác... - Ứng dụng trong nông nghiệp: Vetiver được sử dụng để bảo vệ đất và nước qua việc làm hàng rào chống xói mòn, sạt lở, băng xanh giữ đất màu bị rửa trôi trong canh tác trên đất dốc... - Ứng dụng trong giải quyết các vấn đề môi trường: + Phục hồi đất bị nhiễm độc sau khi khai thác mỏ. + Phục hồi đất ô nhiễm ở bãi rác. + Hấp thụ các loại nông dược còn tồn lưu ở đất. + Lọc nước bị ô nhiễm, giải quyết ô nhiễm hữu cơ chống phú dưỡng phát sinh tảo độc... |
Lê Trang