Đâu là "bí quyết sống còn" của Tiki trong tương lai?
Nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ thêm tiền vào Tiki, bất chấp khoản lỗ đang tăng dần trong những năm mở rộng hoạt động.
Lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đã lên tới gần 600 tỷ đồng sau 7 năm đi vào hoạt động |
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tiki, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế gần 308 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Nếu tính thêm khoản lỗ 282 tỷ trong báo cáo thường niên năm 2017 của VNG, lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đã lên tới gần 600 tỷ đồng sau 7 năm đi vào hoạt động.
Mặc dù vậy, Tiki không phải đơn vị duy nhất trong phân khúc thương mại điện tử chịu cảnh liên tục thua lỗ.
Khác với những doanh nghiệp thông thường, bản thân những startup như Tiki không dựa vào lợi nhuận để định giá. Trong một thị trường có tốc độ tăng trưởng hai chữ số như thương mại điện tử, thị phần, doanh số bán hàng, giá trị mua trên mỗi khách hàng và tỷ lệ khách hàng quay lại mới là những yếu tố chính.
Theo Financial Times, Tiki có tổng giá trị hàng hóa bán hàng năm - một chỉ số mà các trang web thương mại điện tử đo lường doanh thu, vào khoảng 240 triệu USD và phân phối hàng hóa trên khắp Việt Nam.
Giữa tháng 1/2018, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc JD.com đã tiếp tục rót tiền đầu tư chiến lược vào Tiki. Lần đầu tư này từ JD chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tập đoàn này tuyên bố "bơm" 44 triệu USD cũng cho Tiki tháng 11/2017. Theo đó JD đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki.
Với việc bán lẻ đa kênh sẽ trở thành xu thế tất yếu của ngành bán lẻ lẫn thương mại điện tử trong tương lai, Tiki đang đứng trước nhiều thách thức lớn, mà nếu không giải quyết tốt, họ có thể đánh mất vị thế hiện tại.
Theo chia sẻ của CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn, để cấu thành một hệ thống bán lẻ đa kênh tốt các doanh nghiệp buộc phải có 2 phần: nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) online mạnh cộng với chuỗi cửa hàng offline rộng khắp.
Tuy nhiên, phần 2 của Tiki là một mảng trống, không kể các nhà kho ở các tỉnh thành. Trong khi đó, hiện nay việc xây dựng chuỗi cửa hàng dường như là nhiệm vụ bất khả thi của Tiki.
Tiki không đủ tài lực, nhân sự để làm chuyện đó vì hiện tại, về tài chính, họ vẫn phải gồng mình nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng: chiếm lĩnh thị trường TMĐT Việt Nam.
Trong Chương trình CEO và Công nghệ mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, để giải quyết nhiệm vụ xây dựng chuỗi cửa hàng offline, công ty đang có ý định hợp tác với tất cả doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ nhỏ – vừa tại Việt Nam và cả thế giới, tận dụng hệ thống cửa hàng về hệ thống phân phối offline của họ.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng, bí quyết sống còn của Tiki ở năm 2018 và trong tương lai chắc chắn là hợp tác. Nếu được, nên chọn đối tác càng lớn càng tốt, vì có như thế mình mới có thể học tập những điều tốt nhất cũng như tạo cho mình áp lực lớn nhất, dù có thể hơi “ngợp” nhưng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng lớn mạnh.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
7 năm hoạt động, Tiki lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng | |
Tiki đạt kỷ lục Hội sách online quy mô lớn nhất | |
“Cậu bé vàng” Maradona: "Tiki-taka đã chết" |