Tình hình Syria hiện giờ ra sao?
(PetroTimes) - Hơn 6 năm sau khi cuộc nội chiến bắt đầu, tình hình Syria hiện giờ vẫn rối như canh hẹ. Bất chấp việc phe nổi dậy và chính quyền Damas vừa đạt được một thỏa thuận, nhưng từ đông sang tây, từ bắc chí nam, các chiến trường ở Syria vẫn luôn vang tiếng súng. Tiếng súng không chỉ xuất phát từ những người Syria đối địch với nhau mà còn bởi cả những ngoại bang xa lẫn gần.
Các cột khói bốc cao từ các cuộc đụng độ quân sự ở thủ đô Damas |
Ngày 6/7, chính quyền Damas thông báo đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy tại miền Nam. Theo hãng thông tấn chính thức SANA của Syria, thỏa thuận bao gồm "việc giao nộp các vũ khí hạng nặng và hạng trung tại tất cả các thành phố và thị trấn". Thảo thuận trên đạt được khi quân đội chính quyền Damas với sự trợ giúp của Nga, Iran và các nhóm quân sự trong nước đã mở đợt tấn công thành trì của phe nổi dậy ở phía nam Syria từ ngày 19/6, đến nay đã giành lại quyền kiểm soát đối với 72% diện tích tỉnh miền Nam Daraa.
Tỉnh Daraa bao quanh hầu hết khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở miền Tây Nam Syria giáp biên giới Jordan, một trong những "thành trì" cuối cùng của lực lượng này ở Syria. Daraa cũng có ý nghĩa mang tính biểu tượng vì đây là nơi mà cuộc nội chiến Syria bùng phát hồi năm 2011. Do đó, việc giành lại quyền kiểm soát đối với khu vực này là một chiến thắng lớn đối với quân đội Syria cả về mặt quân sự và ý nghĩa biểu tượng vì lực lượng nổi dậy đã sử dụng đường biên giới giữa Syria và Jordan để vận chuyển vũ khí và nhân lực trong suốt cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều tay súng ở Daraa không chịu hòa giải. Theo SANA, những ai phản đối thỏa thuận này sẽ bị sơ tán cùng gia đình tới tỉnh Idlib do quân nổi dậy kiểm soát ở miền Bắc Syria. Quân đội Nga ngày 9/7 thông báo kế hoạch sơ tán 1.000 người khỏi khu vực giảm căng thẳng ở miền Tây Nam Syria thông qua một hành lang nhân đạo gần thành phố Daraa.
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn tại miền Đông Syria. Ngày 6/7, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết một xe chứa bom tại miền Đông Syria đã phát nổ khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, trong đó có 11 thành viên lực lượng do Mỹ hậu thuẫn chiến đấu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tại miền trung Syria, một căn cứ quân sự của quân đội Syria tại tỉnh Homs, ngày 8/7 đã bị không kích. Syria cáo buộc Israel đã tiến hành cuộc tấn công này, đồng thời cho biết lực lượng phòng không của Syria đã bắn trúng một máy bay tham gia vụ tấn công. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho rằng chiến dịch tấn công này của Israel là nhằm vào các chiến binh Iran tại căn cứ T-4. Căn cứ này từng là mục tiêu của các vụ tấn công trước đây mà Syria cáo buộc Israel thực hiện.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong vụ tấn công căn cứ T-4 ngày 9/4 vừa qua, các máy bay F-15 của Không quân Israel từ lãnh thổ Liban đã bắn 8 tên lửa hành trình vào sân bay T-4 của Syria, trong đó 5 tên lửa đã bị các đơn vị phòng không Syria phá hủy, 3 tên lửa còn lại đã bắn trúng khu vực phía Tây của sân bay. 14 người thiệt mạng, trong đó có các thành viên thuộc các lực lượng Iran. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria đang đẩy mạnh triển khai tại các khu vực ở miền Nam nước này sát Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Ngày 8/7, trang mạng Middle East Monitor dẫn tuyên bố của Cố vấn cấp cao phụ trách quan hệ quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Hossein Amir Abdollahian khẳng định Iran sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria sau khi đánh bại tổ chức IS. Phát biểu trong cuộc gặp Đại sứ Palestine tại Tehran Salah al-Zawawi, ông Abdollahian cho rằng Israel đang cố gắng chi phối Syria sau sự sụp đổ của IS nhưng các cố vấn quân sự của Iran vẫn sẽ tiếp tục hiện diện ở quốc gia láng giềng này để chống khủng bố. Truyền thông Iran dẫn phát biểu của ông Abdollahian nêu rõ: “Người Syria sẽ không cho phép nước này một lần nữa trở thành thiên đường an toàn của các phần tử khủng bố người Do Thái”.
Dòng người Syria chạy khỏi chiến tranh không ngừng tăng trong 6 năm qua |
Trong những tháng gần đây, Israel đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Iran ở bên trong lãnh thổ của Syria. Các vụ tấn công này được cho là đã khiến một số quân nhân Iran thiệt mạng. Giới chức Tel Aviv từng nhiều lần tuyên bố sẽ không cho phép Iran duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria. Sự hỗ trợ quân sự của Iran đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống quân nổi dậy kể từ năm 2011.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11/7, nhằm tái khẳng định Israel sẽ không chấp nhận việc Iran tăng cường hiện diện tại Syria. Ông Netanyahu tuyên bố sẽ nhấn mạnh hai “nguyên tắc cơ bản” về chính sách của Israel trong cuộc hội đàm tới. Thứ nhất, Israel sẽ không chấp nhận việc Iran cùng các lực lượng uỷ nhiệm của nước này thiết lập hiện diện quân sự tại bất kỳ khu vực nào ở Syria. Thứ hai, Israel sẽ yêu cầu Syria cùng quân đội nước này nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận Phân chia Lực lượng ký năm 1974.
Ngày 4/7 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết những vấn đề liên quan đến Syria nhiều khả năng sẽ được đề cập đến trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16/7 tới. Trong đó, vai trò của Iran tại Syria được cho sẽ là chủ đề thảo luận chính. Hồi tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, John Bolton tuyên bố cuộc gặp lịch sử này sẽ đem lại cơ hội “thảo luận cụ thể hơn nhằm đưa lực lượng Iran ra khỏi Syria”. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận tuyên bố này là “không đúng sự thật”.
Ngoài Israel, tham chiến tại Syria còn có cả quân đội của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 8/7, hãng tin SANA cho biết, 55 bộ tộc ở miền bắc Syria đã tổ chức một cuộc họp ở tỉnh Aleppo. Cuộc họp nhằm phản đối sự can thiệp của Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Tại cuộc họp, 55 bộ tộc tái khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của họ với Quân đội Arập Syria (SAA) và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. "Các bộ tộc Arập, người Kurd tại Aleppo đứng chung chiến tuyến với Quân đội Arập Syria và Tổng thống Bashar al-Assad để chống lại cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh, đặc biệt là Mỹ và Pháp", SANA trích dẫn tuyên bố của các bộ tộc.
Các quan chức người Kurd tham gia cuộc họp đã lên tiếng phản đối âm mưu của thế lực bên ngoài nhằm chia rẽ đất nước Syria. Đối với họ, vấn đề của Syria sẽ do người dân Syria giải quyết. Đồng quan điểm, hội đồng trưởng lão các bộ tộc phủ nhận sự hiện diện của Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Đại diện các bộ tộc khẳng định sẽ hợp tác với quân đội Syria nhằm bảo vệ đất nước. Họ sẽ chiến đấu với bất kỳ kẻ nào có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Đây là cuộc họp thứ hai được các bộ lạc ở miền bắc Syria tổ chức trong năm 2018.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Trung Đông, liệu nội chiến Syria có trở thành chiến tranh khu vực? Theo báo Le Monde, điều nguy hiểm không phải là va chạm Mỹ-Nga tại Syria, mà là một cuộc xung đột giữa Israel và Iran. Theo chuyên gia Ran Halevi thuộc Viện nghiên cứu Pháp CNRS, chỉ có Nga có đủ khả năng ngăn cản nội chiến Syria trở thành xung đột Israel-Iran.
Th.Long