Ứng phó với biến động tỷ giá
Biến động tỉ giá sẽ là lửa để thử thách tính bền vững tài chính và chiến lược kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp.
Rủi ro ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất
Biến động tỉ giá sẽ là lửa để thử thách tính bền vững tài chính và chiến lược kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp. Tháng 3.2017, Ngân hàng HSBC đưa ra kết quả khảo sát về việc phòng ngừa và kiểm soát rủi ro khi tỉ giá biến động. Phần lớn các giám đốc tài chính cho rằng một trong những lý do lợi nhuận doanh nghiệp giảm là vì tác động tiêu cực do biến động tỉ giá của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, lãnh đạo của những định chế quốc tế này tin rằng rủi ro đó có thể tránh được.
HSBC và FT Remark thực hiện 2 cuộc khảo sát, với tham số lấy mẫu là 100 công ty đa quốc gia trên thế giới gồm: khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (40), châu Mỹ (30) và châu Á - Thái Bình Dương (30). Một nửa số công ty này có thu nhập hằng năm từ 1-5 tỉ USD, trong khi số khác có thu nhập hơn 5 tỉ USD. Đối tượng khảo sát gồm 200 giám đốc tài chính (CFO) và 296 chuyên viên quản lý nguồn vốn đến từ các công ty đa quốc gia.
Gần 50% CFO của các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng biến động tỉ giá là loại rủi ro mà họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất, dù có thể phòng tránh được. Môi trường lãi suất thay đổi tại nhiều quốc gia cũng tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp với 60% các CFO cho rằng công ty của họ bị ảnh hưởng và 70% các CFO tại châu Mỹ cho rằng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, gần một nửa các CFO cho biết rủi ro lãi suất là loại rủi ro họ có thể kiểm soát tốt.
Trong khi 73% các CFO cho rằng vai trò quản lý rủi ro của các chuyên viên quản lý nguồn vốn trong công ty ngày càng tăng, 57% không hoàn toàn tin tưởng rằng các chuyên viên quản lý nguồn vốn của họ có những kỹ năng cần thiết để đảm nhận vai trò mới này. Công việc này ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với các nhà quản lý nguồn vốn do nhu cầu kiểm soát những thách thức mới, với 53% cho rằng những thay đổi về tỉ giá sẽ có ảnh hưởng thực tế lên chiến lược quản lý rủi ro của họ trong vòng 3 năm tới.
“Khảo sát này cho thấy việc các doanh nghiệp có sẵn một cơ cấu kiểm soát rủi ro hiệu quả là hết sức quan trọng khi mà việc thiếu chuẩn bị có thể mang lại các rủi ro về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng trên thế giới,” Frederic Boillereau, Giám đốc Toàn cầu Khối Kinh doanh ngoại hối và hàng hóa tại HSBC, cho biết.
Báo cáo của HSBC cho thấy, biến động tỉ giá không phải là cảnh báo, mà thiệt hại về doanh thu là bức tranh hiện thực với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Tính chung, tiền đồng đã mất giá tổng cộng 1,4% tính từ đầu năm, trái ngược với mức giảm khoảng 0,2% trong năm 2017, qua đó làm dấy lên một số lo ngại về xu hướng của tỉ giá.
Về lý thuyết, việc giá USD ngân hàng tăng sẽ giúp những doanh nghiệp xuất khẩu có lợi hơn. Bởi tỉ giá tăng đồng nghĩa với lợi nhuận tính ra tiền đồng dôi lên. Tuy nhiên, tỉ giá tăng có thể gây sức ép bất lợi vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu...
Chẳng hạn, với một đơn hàng nhập hạt nhựa trị giá 1 triệu USD từ Thái Lan mới ký gần đây, doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa tại Khu công nghiệp Long An thiệt hơn 200 triệu đồng vì tỉ giá tăng. Đây là ví dụ điển hình cho các khoản thiệt hại đối với các công ty xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu.
Hiệu ứng dây chuyền cũng đang tác động tới cả các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Theo đại diện Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, giá USD tăng cao sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh sức mua tại thị trường nội địa không cao như hiện nay. Được biết, trung bình mỗi tháng tôn Đông Á chi gần 20 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu.
Trong khi đó, đại diện của Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý cho biết, hiện nay, mỗi tháng, Công ty xuất khẩu 10.000 tấn thép nhưng phải nhập khẩu tới 30.000 tấn phế liệu, quặng. Vì vậy, giá USD tăng sẽ khó cho doanh nghiệp dựa vào nhập khẩu. Trường hợp USD tăng giá mạnh, doanh nghiệp phải tính tới phương án tăng giá thép.
Các giải pháp ứng phó
Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, sẽ bán ngoại tệ với tỉ giá thấp hơn tỉ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thông điệp này được đưa ra trên cơ sở dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức kỷ lục hơn 63 tỉ USD, 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu...
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng tỉ giá có thể kéo dài trong cả năm 2018. Vì vậy, doanh nghiệp cần có các giải pháp ứng phó phù hợp. Đối với doanh nghiệp, theo các chuyên gia tài chính, một số biện pháp truyền thống được dùng để hạn chế hoặc loại trừ biến động tài chính như hợp đồng hoán đổi (Swap), giao dịch tương lai (Derivative Trading)…
Số hóa trong quản lý nguồn vốn được cho là xu hướng mới để kiểm soát rủi ro hiệu quả. Kết quả khảo sát của HSBC cho thấy 59% các chuyên viên quản lý nguồn vốn cho rằng số hóa được kỳ vọng có tác động đáng kể lên chiến lược quản lý rủi ro trong 3 năm tới và 57% cho rằng số hóa là lĩnh vực họ mong muốn trang bị cho bộ phận của mình nhằm nâng cao năng lực.
Nhận thức về việc phòng vệ rủi ro biến động tỉ giá đối với doanh nghiệp Việt Nam còn một số hạn chế, một phần do yếu tố khách quan từ việc đã quen với môi trường tỉ giá ổn định suốt một thời gian dài vừa qua. Tuy nhiên, cùng với đà tăng của nền kinh tế trong nước và cơ chế hội nhập lan rộng, các doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng việc quản trị rủi ro, trong đó có bảo hiểm rủi ro tỉ giá. Nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh tiền tệ để quản trị rủi ro của doanh nghiệp cũng tăng lên qua các năm.
“Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỉ giá, rủi ro lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn, HSBC Việt Nam, nhận định.
Theo Nhịp cầu đầu tư