Giá vàng tuần tới: Phục hồi nhẹ, nhưng cẩn trọng đảo chiều
Sự thận trọng của FED, cộng với những số liệu kinh tế Mỹ không mấy tích cực… có thể sẽ hỗ trợ giá vàng tăng nhẹ tuần tới, nhưng áp lực giảm giá vẫn còn lớn.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.251USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã dao động trong biên độ 1.237- 1.261USD/oz và đóng cửa ở mức 1.254USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế chỉ tăng hơn 0,1% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước.
Các chỉ số kỹ thuật vẫn cho thấy áp lực đối với giá vàng trong ngắn và trung hạn. |
Lình xình trong biên độ hẹp
Đúng như dự báo, giá vàng đã xuống mức 1.237USD/oz, gần sát mức MA200 (1.234USD/oz) trên biểu đồ tuần. Trong tuần này, giá vàng cũng đã gần như chỉ đi ngang do thị trường Mỹ và Canada đóng cửa một phiên để nghỉ lễ, các nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp của FED và những số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ.
Mặc dù số liệu việc làm phi nông nghiệp NFP của Mỹ cho thấy trong tháng 6 lĩnh vực này đã tạo ra 213.000 việc làm, cao hơn mức dự kiến 195.000 việc làm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên mức 4% từ mức thấp nhất 18 tháng trong tháng 5 (3,8%). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương hàng giờ chậm lại, chỉ tăng 0,2% trong tháng 6, thấp hơn dự kiến 0,3%. Điều này có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng lạm phát của Mỹ, buộc FED phải cân nhắc việc đẩy mạnh tăng lãi suất trong thời gian tới.
Những số liệu kinh tế trái chiều đã khiến USD giảm xuống mức thấp 3 tuần so với các đồng tiên chủ chốt. Theo đó, USD index đã giảm 0,39% xuống 93,76 điểm.
Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ- Trung tiếp tục leo thang khi gói thuế của Mỹ áp 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 6/7. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng áp gói thuế có quy mô tương tự đối với Mỹ. Tuy nhiên, xung đột thương mại đã tác động tích cực đối với giá vàng từ những tháng trước đó, nên nay gần như không hỗ trợ gì đối với giá kim loại quý này, trừ khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại thực sự mới đủ sức làm gia tăng nhu cầu vàng làm nơi trú ẩn an toàn.
Các quỹ đầu tư ETF vẫn tiếp tục “lánh xa” vàng khi theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), các quỹ này đã bán 49,3 tấn vàng trong tháng 6 vừa qua, hiện chỉ nắm giữ khoảng 2.434 tấn vàng.
Đặc biệt, nhu cầu vàng vật chất tiếp tục sụt giảm mạnh, trong đó số lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, chỉ đạt 44 tấn trong tháng 6 vừa qua. Bởi vậy, mặc dù giá vàng đã giảm khá mạnh trong thời gian qua, nhưng nhu cầu vàng vật chất vẫn “ì ạch”.
Tại thị trường vàng Việt Nam, trong tuần này giá vàng miếng SJC cũng gần như chỉ đi ngang trong biên độ khá hẹp. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ từ 36,66- 36,76 triệu đồng/lượng đến 36,74- 36,84 triệu đồng/lượng, tăng/giảm khoảng 100.000đ mỗi lượng ở cả 2 chiều mua và bán.
Theo ghi nhận của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhu cầu vàng chỉ tăng ở những phiên giữa tuần, còn các phiên đầu và cuối tuần các nhà đầu tư vẫn có tâm lý thận trọng, nghe ngóng thị trường.
Kỳ vọng phục hồi nhẹ
Trong Biên bản cuộc họp tháng 6 được công bố trong tuần này, FED vẫn khá thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ khi bày tỏ lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Điều này cho thấy FED có thể sẽ chỉ tăng thêm một lần lãi suất nữa vào cuối năm nay.
Sự thận trọng của FED, cộng với những số liệu kinh tế trái chiều của kinh tế Mỹ có thể sẽ khiến USD tiếp tục giảm so với các đồng tiền chủ chốt trong tuần tới, qua đó sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất, cũng như nhu cầu của các quỹ đầu tư đang sụt giảm, sẽ khó đẩy giá vàng tăng mạnh trong ngắn hạn. Theo đó, áp lực điều chỉnh đối với giá vàng trong trung hạn còn lớn.
Ông Naeem Aslam, Trưởng phòng phân tích cuả ThinkMarkets cho rằng, giá vàng có khả năng sẽ leo lên mức 1.280USD/oz trong tuần tới, nếu đồng USD tiếp tục sụt giảm.
Có quan điểm thận trọng hơn, ông Colin Cieszynski, Trưởng Ban nghiên cứu thị trường của SIA Weath Management cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong biên độ 1.240- 1.265USD/oz.
Theo phân tích kỹ thuật, MACD đang cho thấy tín hiệu tăng, nhưng vẫn đang nằm dưới đường zero, nên đà tăng của giá vàng sẽ rất hạn chế. Chỉ số Stochastic cũng đang thấy tín hiệu tăng, nhưng đã gần chạm vùng vượt mua trên biểu đồ ngày. Chỉ số ADX trên cả biểu đồ ngày, tuần vẫn cho thấy đà giảm ngắn hạn chưa kết thúc… Tất cả những điều này cho thấy giá vàng có thể sẽ phục hồi nhẹ, nhưng chưa có sự bứt phá mạnh. Theo đó, nếu vượt qua 1.268USD/oz, thì giá vàng có thể sẽ lên tới 1.273- 1.288USD/oz, kế tiếp là 1.302USD/oz. Tuy nhiên, nếu không vượt qua được 1.288USD/oz trong tuần tới, thì giá vàng có thể sẽ quay lại thách mức 1.234USD/oz (MA200). Dưới mức này, giá vàng sẽ áp sát 1.200USD/oz.
Trong tuần tới, chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, được công bố lần lượt vào ngày 11/7 và 12/7, sẽ được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt, vì ảnh hưởng tới kế hoạch thắt chặt tiền tệ của FED. Ngoài ra, bài phát biểu của Chủ tịch ECB Draghi vào ngày 11/7 cũng khá quan trọng trong việc định hướng chính sách tiền tệ của NHTW này…
Theo Diễn đàn doanh nghiệp