Đà tăng TTCK Việt Nam sẽ quay trở lại vào cuối năm nay
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng 830-890 điểm trong ngắn hạn, nhưng sẽ biến động tích cực trở lại vào những tháng cuối năm nay.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta khi trao đổi với báo DĐDN về diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua và xu hướng thị trường những tháng cuối năm nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta |
- Thưa ông, nguyên nhân nào khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm liên tục, xuống dưới 900 điểm, kể từ khi vượt mốc 1.200 điểm?
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính dẫn đến đợt sụt giảm trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên là tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ biến động tỷ giá USD/VND. Việc FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU, Trung, Canada, Mexico… đã tác động trực tiếp tới tỷ giá USD/VND trong thời gian qua.
Xung đột thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia đã khiến đồng USD tăng giá, điều này đã tác động lớn tới các thị trường cận biên như Việt Nam. Mặc dù VND đã giảm khá mạnh so với USD trong những ngày qua, nhưng xét trên phương diện tổng thể trong khu vực, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng ít nhất khi VND chỉ mất giá khoảng 1%, trong khi đó mức độ mất giá đồng nội tệ ở Thái Lan là 6%, Indonesia và Malaysia là 3%, Philippines 3%.
Biến động tỷ giá đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, dẫn đến việc họ bán một số lượng khá lớn cổ phiếu vốn hóa lớn ra thị trường, khiến thị trường chứng khoán sụt giảm khá mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua.
Nguyên nhân thứ hai là do quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, lại phụ thuộc vào dòng cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm tới 70-80% vốn hóa của thị trường. Theo tôi, có đến 85% khả năng thị trường giảm điểm là do các cổ phiếu này. Sức mạnh của cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường lớn hơn rất nhiều so với các cổ phiếu còn lại. Điều này được thể hiện rõ hơn khi nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua giảm mạnh trước lo ngại của nhà đầu tư trong và ngoài về việc đồng VND giảm giá mạnh so với USD.
- Với diễn biến phức tạp như hiện nay, theo ông, các nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư, kinh doanh như thế nào để giảm thiểu rủi ro?
Theo tôi, nhà đầu tư Việt Nam trong những năm qua đã có thể xử lý rất tốt trước những rủi ro trên thị trường chứng khoán, điều này được thể hiện qua việc dòng tiền 2 năm trở lại đây đã không còn tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ mà ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tình trạng thị trường hiện bớt rủi ro và ít khả năng diễn ra tình trạng bán tháo như thời kỳ 2014-2015.
Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt cao nên chờ thời điểm thị trường cân bằng trở lại để tiến hành đầu tư. Hiện tại, dòng tiền của khối ngoại chưa quay lại thị trường, mà vẫn đang bị rút ra.
Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu nên duy trì tỷ lệ đòn bẩy thấp hoặc thậm chí bán hết các cổ phiếu đang sử dụng đòn bẩy do đà giảm vẫn còn khả năng diễn ra. Việc hạ margin nhằm tránh giải chấp lớn, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể giữ lại một phần với tỷ lệ tương đối dành cho việc tái đầu tư, tạo đòn bẩy mua vào. Đòn bẩy là công cụ rất rủi ro khi thị trường giảm, khi các nhà đầu tư bán hết cổ phiếu sẽ khiến các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cao sẽ bị lỗ. Do đó, nên giảm lượng margin, tạm thời nắm giữ cổ phiếu bằng vốn tự có để giảm rủi ro.
- Theo ông, thị trường chứng khoán có tiếp tục sụt giảm không? đâu là mức đáy trong đợt sụt giảm này?
Tình hình thế giới hiện đang diễn biến rất phức tạp, nên chúng ta khó đoán được chính xác nó nghiêng theo chiều nào. Tôi dự đoán chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm xuống vùng 830- 890 điểm trước khi phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nếu VN-Index giảm về vùng 830 điểm thì cũng chưa nên vội "bắt đáy", mà vẫn cần tiếp tục theo dõi thị trường. Bởi thông thường tại thời điểm đó, mọi thông tin xấu đã qua đi và đang về trạng thái cân bằng, nhà đầu tư nên quan sát thị trường để có bước đi chính xác.
- Xin ông đưa ra nhận định của mình về xu hướng của TTCK VN trong những tháng cuối năm 2018?
Tôi có kỳ vọng lạc quan vào thị trường. Thị trường có tăng trưởng trung và dài hạn hay không còn phụ thuộc vào nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, sức mạnh kinh tế đủ sức chống chọi với các đợt khủng hoảng đột biến.
TTCK Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá lớn từ tỷ giá. Tuy nhiên với thanh khoản ngoại tệ dồi dào và dự trữ ngoại hối của Việt Nam gần 64 tỷ USD, thì Việt Nam vẫn có thể duy trì mức phá giá khoảng 1% từ nay đến cuối năm. Bởi vậy, TTCK chứng khoán có thể vẫn tích cực trong những tháng cuối năm sau đà giảm mạnh này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp