Bộ VH,TT&DL nói gì về các vụ việc liên quan du khách Trung Quốc?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh phối hợp xử lý các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến du khách Trung Quốc.
Trước những bức xúc của dư luận xã hội về vấn đề biến tướng của tour giá rẻ, du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò có mặt tại Việt Nam; hướng dẫn viên Trung Quốc có lời giải thích về đất nước và lịch sử Việt Nam một cách sai lệch trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, Bộ đã có những biện pháp đồng bộ.
Cụ thể, về vấn đề “biến tướng của tour giá rẻ”, tour du lịch giá rẻ là hình thức kinh doanh mà doanh nghiệp chỉ thu từ khách một phần (hoặc không thu) chi phí cố định như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, visa... Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ đưa khách đi mua sắm hoặc tổ chức cho khách tham gia các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để lấy lại phần chi phí cố định trên. Đây là một chiêu thức kinh doanh khá phổ biến hiện nay nhất là ở Thái Lan, Hàn Quốc, đặc biệt đối với thị trường khách thường đi tour với số lượng đông và có sở thích mua sắm nhiều như khách du lịch Trung Quốc.
Hình ảnh du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò |
Bên cạnh doanh thu mà hình thức kinh doanh này đem lại, những vấn đề bất cập đã đặt ra đối với việc quản lý hình thức kinh doanh tour giá rẻ như: quản lý thuế, quản lý giao dịch thanh toán, quản lý chất lượng hàng hóa tại cơ sở mua sắm, quản lý môi trường, tài nguyên, quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ đảm bảo quyền lợi khách du lịch...
Trước tình hình trên, Bộ VHTTDL đã thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý loại hình kinh doanh này, như triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, chỉ đạo các địa phương có biện pháp siết chặt quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật cho doanh nghiệp du lịch biết, tuân thủ. Tuyên truyền cho khách du lịch về pháp luật Việt Nam và cảnh báo cho du khách về những biến tướng của tour du lịch giá rẻ...
Để kiểm soát, quản lý được những biến tướng của tour du lịch giá rẻ cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành, đặc biệt là của cơ quan quản lý thị trường, quản lý thuế, quản lý thị trường, ngân hàng và chính quyền địa phương. Thời gian tới, Bộ VHTTDL đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần tích cực phối hợp với Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại hình du lịch trên.
Về vấn đề khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò có mặt tại Việt Nam, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 69/BVHTTDL-TCDL ngày 15/5/2018 và Công văn số 70/BVHTTDL-TCDL ngày 17/5/2018 gửi UBND các tỉnh/thành và UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương phối hợp với các ngành có biện pháp tăng cường quản lý nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách du lịch để khách hiểu biết, ứng xử văn minh, tuân thủ đúng quy định khi đi du lịch Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải có biện pháp quản lý đoàn khách, các Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp, câu lạc bộ hướng dẫn viên nâng cao trách nhiệm tuyên truyền thực thi pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng du lịch gây bất lợi đến an ninh quốc gia, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Về vấn đề hướng dẫn viên Trung Quốc có lời giải thích một cách sai lệch về đất nước và lịch sử Việt Nam, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 798/TCDL-LH ngày 1/8/2016 yêu cầu các địa phương trên cả nước tăng cường quản lý các thị trường du lịch trọng điểm, trong đó có thị trường Trung Quốc; sử dụng phiên dịch hỗ trợ hướng dẫn viên trong công tác giới thiệu và phục vụ khách theo chương trình du lịch; đồng thời ban hành Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 triển khai đồng loạt trên cả nước kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch.
Để ngăn chặn các vụ việc tương tự, Bộ VHTTDL chỉ đạo Tổng cục Du lịch, Thanh tra Bộ tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về khu du lịch, điểm du lịch bằng các ngoại ngữ phù hợp với các thị trường khách có số lượng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga...; bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động trực tiếp qua tai nghe bằng các thứ tiếng để phục vụ nhu cầu của du khách; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành in ấn, phát các tập gấp giới thiệu du lịch Việt Nam nói chung, thông tin điểm đến, thông tin chương trình tour bằng các ngôn ngữ phù hợp với đoàn khách; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch; nâng cấp và phổ biến áp dụng các chương trình quản lý online; tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý du lịch của các địa phương...
P.V