Luật thuế tài sản nhắm vào đối tượng nào?
(PetroTimes) - Tại hội thảo Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt nam do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức đã thẳng thắn nhấn mạnh: “Tôi đồng ý về chủ trương nhưng không đồng ý thực hiện”.
Trong cuộc thảo luận về thuế tài sản, căn cứ trên đề xuất của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính, Luật sư Trương Thanh Đức đã thẳng thắn cho rằng Bộ đang có một sự nhầm lẫn khá lớn trong việc xác định đối tượng của luật thuế Tài sản khi chưa xác định rõ đối tượng để đánh thuế, hay "nói theo chuyên môn về xây dựng pháp luật thì là chưa “chính danh”".
Luật sư Trương Thanh Đức thảo luận tại Hội thảo về Luật tài sản. |
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Điều 105 Luật Tài sản đã chỉ rõ, có thể phân chia tài sản làm 4 loại gồm vật chất (ô tô, máy bay, bất động sản…), tiền (tiền gửi tiết kiệm, ngoại tệ…), giấy tờ có giá (trái phiếu, cổ phiếu…) và quyền tài sản (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ…).
Bởi vậy, nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản của các cá nhân, tổ chức. Còn nếu chỉ nhắm đến đánh thuế phần bất động sản gồm nhà và đất thì phải gọi đúng là “thuế bất động sản và quyền sử dụng đất”.
Nếu không “chính danh” thì sẽ gây nhầm lẫn cơ bản, dễ tạo mâu thuẫn với các đạo luật khác. Khi xác định chính xác “danh” của luật thuế, ta có thể loại trừ tài sản nào không phải chịu thuế tài sản rồi định ra cách đánh thuế hợp lý nhất.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, ở nước ta, về bất động sản không có đất đai thuộc sở hữu của cá nhân mà chỉ có quyền sử dụng đất và quyền định đoạt tài sản gắn liền với đất. Ở đây, có hai cách đánh thuế thông dụng trên thế giới về tài sản. Thứ nhất là đánh thuế bất kể tài sản đó có nguồn gốc từ đâu (mua, cho, tặng…), tài sản đó đang bị đánh thuế bởi luật khác (như nhà đang cho thuê phải chịu thuế môn bài, VAT, thu nhập), tài sản đã bị đánh thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đây là cách làm không thể thực hiện được tại Việt Nam.
Thứ hai, cần phải sử dụng phương pháp loại trừ trong việc tính thuế tài sản để tuyệt đối không được để người dân phải chịu cảnh thuế trùng thuế. Cụ thể như người dân có một căn nhà cho thuê, nghĩa là phát sinh thu nhập nên phải đóng thu nhập cá nhân, giao dịch cho thuê cũng phải đóng thuế giá trị gia tăng. Khi xây nhà thì phải đóng thuế cho các loại vật liệu xây dựng, thuê nhân công… Còn phần lãi từ cổ phiếu (cổ tức), trái phiếu thì người dân cũng phải đóng thuế thu nhập.
Sau khi sử dụng phương pháp loại trừ, Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra một số đề xuất và lưu ý về Luật tài sản như sau: “ Thuế tài sản chỉ đánh vào cá nhân, tổ chức có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo, người lớn tuổi không có thu nhập thường xuyên; chỉ đánh thuế vào các tài sản có giá trị lớn, đưa ra định mức miễn thuế với diện tích tối thiểu/người/hộ gia đình; đánh thuế lũy tiến với khởi điểm thấp nhất cho bất động sản đầu tiên (0,01%); chỉ đánh thuế một số tài sản dễ kiểm đếm như nhà ở, đất đai và nên cộng dồn tài sản gồm cả nhà và quyền sử dụng đất.
"Có thể thấy rằng về đối tượng chịu thuế của Luật Thuế tài sản là các cá nhân, tổ chức đang sử dụng nhiều bất động sản có giá trị lớn, được hưởng lợi ích lớn từ các bất động sản. Như vậy, phần lớn người dân sẽ được miễn giảm về thuế bất động sản hoặc được khấu trừ phần thuế này khi đã thực hiện nghĩa vụ về thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng..." - Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Bùi Công