Giải mã những bí ẩn của hội họa phương Tây
Những bí ẩn của Hội họa phương Tây luôn là “bài toán khó” đầy thú vị với các chuyên gia nghiên cứu và những người yêu nghệ thuật trải qua bao thế kỷ.
1, Bức họa “Twentieth Scene of the Life of St. Francis” của Giotto di Bondone
Giotto di Bondone ( 1267 – 1337), là họa sĩ vĩ đại người Ý thời kỳ phục hưng. Ông cũng được xem là một trong những danh họa đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật phương Tây nói chung.
Trong bức họa “Twentieth Scene of the Life of St. Francis” tại Vương cung Thánh đường Francis ở Assasi, các nhà nghiên cứu hội họa tìm thấy sự xuất hiện của khuôn mặt ma quỷ và cho rằng đây là thông điệp bí ẩn mà họa sỹ này muốn gửi gắm tới công chúng. Nhà nghiên cứu sử học nghệ thuật người Ý Chiara Frugoni khẳng định rằng bà phát hiện ra khuôn mặt ma quỷ nhếch mép cười ẩn sau vòng xoáy của những đám mây. Chiara tin rằng bức tranh gửi gắm một tư tưởng nghệ thuật thời Trung cổ với ý niệm: Ma quỷ sẽ xuất hiện trong những đám mây để bắt các linh hồn lên thiên đàng.
2, Bức họa “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci
Bức họa người phụ nữ với nụ cười bí ẩn mang tên “Mona Lisa” của danh họa tài ba người Ý Leonardo da Vinci là một đứa con tinh thần được ông ấp ủ trong nhiều năm. Được sáng tác vào những năm cuối đời của danh họa này, bức họa từng là khởi nguồn của nhiều cuộc tranh cãi cũng như rất nhiều những phán đoán khác nhau.
Có ý kiến cho rằng đó là con gái ngoài giá thú của công tước xứ Milan, hay nữ công tước Francavilla…v.v
Năm 2010, Chủ tịch Ủy ban Di sản Văn hóa Quốc gia Italia, Silvano Vinceti đã đưa ra một kết luận rằng ông phát hiện ra các con số và chữ cái khi phóng đại con mắt của “nàng Monalisa” bằng máy kỹ thuật số. Các chữ cái đầu tiên được Vinceti phát hiện là “L” và “V”, càng khẳng định rõ ràng hơn một lần nữa ý kiến cho rằng bức chân dung của Monalisa chính là bức tự họa của nhà nghệ sĩ thiên tài Leonardo da Vinci.
3, Bức họa “The battle of Marciano” của họa sỹ Giorgio Vasari
Một điều thú vị là bức họa được vẽ bởi danh họa thời phục hưng Ý Vasari mang tên “The battle of Marciano” lại được xem là “chìa khóa” mở ra một bí mật về họa phẩm đã mất tích từ lâu Leonardo da Vinci mang tên "The Battle Of Anghiari.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật người Italia Maurizio Serancini đã lên tiếng khẳng định rằng, bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci nằm phía sau bức tường của đại sảnh Five Hundered thuộc cung điện Vecchio, thành phố Florence. Trên bức họa của họa sĩ Giorgio Vasari có một lá cờ màu xanh lá cây mang dòng chữ “cerca, trova” (có nghĩa là “Hãy tìm, bạn sẽ thấy”).
Trên cơ sở kết luận của mình, Maurizio và các chuyên gia Ý khác được phép sử dụng các thiết bị kỹ thuật đặc biệt nhằm tìm kiếm bức họa nổi tiếng của de Vinci, đây là bức họa được các đồng nghiệp của ông đánh giá cao bởi nó không chỉ là bức tranh tường lớn nhất của danh họa người Ý này, nó còn lột tả một phần quan trọng của lịch sử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bức họa của Vasari không kém phần quan trọng bởi nó là chiếc “chìa khóa” mở ra cánh cửa thần kỳ.
4,“Sistine Chapel” của Michelangelo
Bức họa phẩm tuyệt bút của danh họa Michelangelo đã được phục hồi triệt để tại Vatican vào cuối thế kỷ XX, và một lần nữa làm hiển hiện ý tưởng nghệ thuật vinh quang trong màu sắc phong phú của nó.
Tuy nhiên, theo Roy Doliner tác giả của cuốn sách nổi tiếng "The Sistine Secrets: Michelangelo’s Forbidden Messages in the Heart of the Vatican,” (tạm dịch: “Những bí mật của Sistine: Lời nhắn bị cấm của Michelagelo trong trái tim Vatican”) thì bức tranh phục hồi cũng tiết lộ những thông tin trước đây không được chú ý.
Bức bích họa “Last Judgement” trên bức tường nhà nguyện Sistine của Michenlangelo thể hiện sự xuất hiện thứ hai của Đức Chúa Jesus và ngày tận thế, đồng thời ẩn chứa các thông điệp đã được mã hóa về tôn giáo và về sự khoan dung ở thế giới này. Trong nguyên bản của Michelangelo khi hoàn thành, những hình ảnh người khỏa thân từng bị coi là bang bổ Thánh đường, do đó sau khi ông chết, người ta đã quyết định xóa bỏ đi những bộ phận được cho là tục tĩu.
Một phát hiện thú vị khác nữa về bức tranh nằm ở bộ y phục của người đàn ông Do Thái trẻ tuổi được cho là mang dấu hiệu chống đối ở Ý thời bấy giờ và bàn tay mang cử chỉ thô lỗ của anh ta lên ngai của Đức Giáo Hoàng.
5,“The Last Supper” của Leonardo da Vinci
Là bức họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, “The Last Supper” cũng được coi là một trong những bức họa ẩn chứa nhiều thông điệp có ý nghĩa. Một số ý kiến cho rằng, “The Last supper” là bữa tiệc cuối cùng của Chúa Jesus cùng với các môn đồ trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự.
Điều đáng nói là các nhà nghiên cứu người Ý gần đây còn đưa ra nhận định về những nốt nhạc ẩn chứa phía sau bức họa nổi tiếng này, với những nốt nhạc tương ứng chính là bàn tay nhấp nhô của Chúa Jesus và các môn đồ, cùng với vị trí của những chiếc bánh mì trên bàn tiệc. Khi kết hợp với nhau, các nốt trong khuông nhạc này cho một đoạn giai điệu buồn bã tựa như một bài hát cầu siêu cho linh hồn người đã khuất.
Với một danh họa có tài năng thiên bẩm tuyệt vời như Leonardo da Vinci, giả thiết về một bức tranh và những giai điệu ngầm có lẽ không phải là một điều phi lý.
6, “The Supper at Emmaus” của Caravaggio
Bức bích họa này của Caravaggio được vẽ vào năm 1601 và không chứa đựng những thông điệp bí ẩn như các bức tranh của nhiều danh họa nổi tiếng khác. Song danh tính của người đàn ông râu dài ngồi ở đầu bàn tiệc lại chính là nét tinh tế mà họa sĩ Caravaggio muốn gửi gắm.
Với bức họa này, Caravaggio được đánh giá là một bậc thầy của nghệ thuật ánh sáng và cảm nhận “sân khấu” trong hội họa. Các chi tiết trong bức tranh đều sắc nét và ẩn chứa sự lắng đọng của thời gian.
Các vị trí của đồ ăn trên bàn đều hướng tới nhân vật quan trọng nhất là người đàn ông râu dài ngồi ở đầu bàn, đó là Đức Chúa cải trang trong hình thức của một ngư dân.
Hương Mai (Theo CNN)