Tổng thống Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO?
(PetroTimes) - Căn cứ vào những vụ Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi các hiệp ước quốc tế, và dựa trên những gì các đối tác của Mỹ trong NATO đang chuẩn bị, các chuyên gia cho rằng tuyên bố rút Mỹ khỏi NATO của ông Trump sẽ không làm nhiều người ngạc nhiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một hội nghị của NATO |
Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng đến nay, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều hiệp ước quốc tế như thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu Paris, Hội đồng Nhân quyền LHQ và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây Dương và Quan hệ đối tác đầu tư (TTIP). Với những “thành tích” như vậy, sẽ chẳng có gì là lạ nếu ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi NATO.
Ông Trump là người không thích Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương này. Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Trump cho biết ông sẽ gắn các điều kiện hợp tác quân sự với những đóng góp tài chính của các đối tác trong NATO. Ông không thể chấp nhận được rằng hầu hết các nước trong NATO không thực hiện nghĩa vụ tài chính của họ, và theo ông tổ chức này đã "lỗi thời".
Và có vẻ như một cuộc khủng hoảng mới đang dần hiện ra. Thủ tướng Đức không bỏ lỡ cơ hội để chỉ ra rằng khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ, châu Âu phải tự nắm lấy tương lai của mình. Ủng hộ quan điểm này của Đức, ngày 25/6/2018 trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng các nước châu Âu tại Luxembourg, Pháp đã cùng với tám nước châu Âu khởi động sáng kiến quốc phòng châu Âu, được gọi là “Sáng kiến Can thiệp châu Âu - IEI”. Nhóm can thiệp này có thể nhanh chóng tiến hành một chiến dịch quân sự, giúp sơ tán tại một nước đang xảy ra chiến sự, hoặc trợ giúp khi có thiên tai.
Dự kiến, Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước EU sẽ họp tại Paris lần đầu tiên vào tháng 9/2018, để vạch ra kế hoạch cho các hoạt động chung.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly nhấn mạnh, không chỉ hợp tác về quân sự mà cả về dân sự. Cần phải phối hợp chặt chẽ hơn để có thể can thiệp trong trường hợp thiên tai, hay sơ tán thường dân khi xảy ra xung đột. Đây cũng là một cách để bớt lệ thuộc vào NATO - mà người Mỹ đang thống trị, và Mỹ ngày càng ít muốn hỗ trợ cho các đối tác châu Âu trong trường hợp khủng hoảng.
Một dấu hiệu nữa về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi NATO được các chuyên gia chỉ ra. Ngày 12/6/2018, Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo đã bất ngờ thông báo ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Khi cho rằng các cuộc tập trận này mang tính chất “khiêu khích” và “quá tốn kém”, Tổng thống Mỹ đã làm hài lòng lãnh đạo Triều Tiên và cả Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng phải chăng nguyên thủ Hoa Kỳ cùng lúc muốn nhắc khéo các đồng minh châu Âu?
Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, nguyên thủ Mỹ công khai chỉ trích các thành viên trong NATO đã đóng góp quá ít cho quốc phòng, trong khi Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp nhiều quân nhất tại châu Âu (65.000 quân) để hỗ trợ các chương trình luyện tập cho nhiều nước vùng Baltic đối phó với mối đe dọa đến từ Nga. Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo rằng sức mạnh và ảnh hưởng của NATO đã giảm đi rất nhiều trong thập kỷ qua do những hạn chế ngân sách, trong khi Trung Quốc và Nga đã củng cố ngân sách quốc phòng của họ. Tổng thống Trump cũng cho biết ông không muốn trở thành người bảo hộ tài chính cho châu Âu.
Các nước trong khối NATO giờ đây còn lo rằng trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 7 tới, các chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump chẳng hạn như tái thương lượng lợi ích thương mại toàn cầu của Mỹ sẽ xen vào các vấn đề quốc phòng. Tổng thống Mỹ đả kích công khai nhiều nước, kể cả những nước được Mỹ bảo vệ, đã có được những “thỏa thuận dở”, không có lợi cho Hoa Kỳ.
Chưa hết, ngày 27/6, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton, đã đến Moskva theo yêu cầu của Tổng thống Trump để sắp xếp một cuộc họp thượng đỉnh.
Cuộc họp giữa hai ông Trump và Putin dự kiến sẽ diễn ra trước hoặc sau hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Brussels vào ngày 11 và 12/7. Tin tức về cuộc gặp gỡ Tổng thống Putin của ông Trump đang gây căng thẳng ở một số nước châu Âu. Anh và các thành viên NATO phương Tây khác đã cố gắng xa rời Tổng thống Putin sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014 và vụ đầu độc cựu một điệp viên gần đây ở London.
Cũng trong tháng này, trước sự ngỡ ngàng của các đồng minh phương Tây, ông Trump kêu gọi G7 cho phép Nga trở lại câu lạc bộ của các cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới, nhưng Moskva khéo léo từ chối và các nước EU cũng không đồng ý với đề xuất của Mỹ.
H.Phan