Sống dậy ngành khai thác vàng Nigeria
Do ám ảnh về lợi nhuận lớn từ khai thác dầu, Nigeria đã bỏ bẵng việc khai thác vàng trong hàng thập niên qua. Nhưng ngày nay, Chính phủ Nigeria tìm cách làm sống dậy ngành khai thác vàng để tăng thêm nguồn thu ngân sách vì giá dầu sụt giảm.
Một số công ty đã tham gia vào lĩnh vực thăm dò và khai thác vàng ở Nigeria với hy vọng kế thừa những kinh nghiệm đã thành công ở các nước láng giềng như Ghana, Senegal, Sierra Leone.
Segun Lawson, Giám đốc điều hành Công ty Thăm dò và Khai thác vàng Thor Explorations, hướng dẫn khách tham quan đến khu mỏ mà công ty đã mua lại. Dọc theo con đường đất đỏ có rất nhiều côn trùng, ông Lawson, trong trang phục áo sơ-mi trắng, quần chino và đôi giày công trường, khẳng định: “Ở Nigeria, không ai biết khai thác mỏ”.
Chính phủ Nigeria đã bắt đầu cho đào vàng trong những năm 1980, nhưng dầu mỏ rất dồi dào nên các mỏ vàng đã bị bỏ hoang, ông Lawson nói thêm trong khi đoàn người tham quan dừng ở cạnh lối vào một mỏ vàng đã dừng khai thác từ lâu. Chuyên gia địa chất này khẳng định: “Vàng nằm ở độ sâu 210m”. Con số này làm nhà môi giới người Anh vô cùng ấn tượng. Lawson hy vọng sẽ khởi động việc sản xuất vàng ở quy mô lớn tại Nigeria vào đầu năm 2020, ông nói: “Điều này nằm trong tầm với của chúng tôi. Chúng ta đang đứng ở một tỉnh nhỏ chứa đầy vàng mà trước đó không ai sử dụng công nghệ hiện đại để khai thác”.
Khai thác vàng thủ công ở Nigeria |
Khai thác vàng là một câu chuyện xa xưa ở Tây Phi. Ở thời Trung cổ, khu vực này gồm hai vương quốc hùng mạnh: Asante và Mali, nơi đây là nguồn vàng thỏi chính của Địa Trung Hải và các nước Arập.
Hoạt động thương mại vàng ở đây đã bị lấn át bởi nạn buôn bán nô lệ người da đen, trước khi được phục hồi vào cuối thế kỷ XIX - thời điểm người châu Âu giới thiệu những kỹ thuật khai thác mỏ mới theo quy mô công nghiệp. Trong những năm 2000, các công nghệ tiên tiến đã giúp khám phá ra nhiều mỏ mới và làm tăng năng suất khai thác. Tuy nhiên, những công nghệ mới này cần có thời gian để đến Nigeria.
Xa hơn một chút trên con đường dẫn đến mỏ, có một khu chợ nhỏ ở thành phố Ilesa, nơi đây các thợ mỏ thủ công bán những viên vàng sa khoáng được đãi từ đất bằng chính sự nỗ lực của họ.
Khi tiếp đón lãnh đạo của Thor Exploration trong căn nhà ở Ilesa, Adeyeye Bamidele Adeniji, một trưởng làng khẳng định: “Ở đây luôn có vàng nhưng chúng tôi không có phương tiện để khai thác. Quyết định của tôi rất rõ ràng, chúng ta phải bắt tay vào công việc. Chúng tôi tin tưởng các vị sẽ đem lại lợi ích cho chúng tôi từ nguồn tài nguyên quý báu này”.
Ở Nigeria cũng như ở tất cả các nước Tây Phi khác, hàng chục nghìn người làm việc tại các mỏ lộ thiên để tìm kiếm vàng, thiếc hoặc đá saphia.
Cassandra Mark - Thiesen, nhà nghiên cứu của đại học Bâle khẳng định: “Số lượng người tham gia khai thác và sự yếu kém của các quy định đối với hoạt động khai thác vàng làm nhiều chuyên gia môi trường lo sợ. Vấn nạn này cũng đặt ra các vấn đề về việc sử dụng lao động trẻ em, những ca tử vong do tai nạn ở trẻ vị thành niên và buôn lậu khoáng sản”.
Nigeria đã xây dựng một nền công nghiệp dầu và khí đốt hiện đại, mà bỏ bê các ngành công nghiệp khác. 70% ngân sách của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này phụ thuộc vào dầu mỏ dù cho Nigeria sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quan trọng như sắt, vàng và các khoáng sản khác.
70% ngân sách của nền kinh tế lớn nhất châu Phi phụ thuộc vào dầu mỏ dù cho Nigeria sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quan trọng như sắt, vàng và các khoáng sản khác. |
Kể từ khi lên làm Tổng thống vào năm 2015, ông Muhammadu Buhari đã có kế hoạch đưa Nigeria thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhiên liệu. Vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã phê chuẩn khoản vay 150 triệu USD nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành mỏ ở Nigeria hiện đang chỉ chiếm 1% GDP.
Hoạt động khai thác khoáng sản Nigeria phải đối mặt với những vấn đề lớn, đặc biệt thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác khai thác và thiếu dữ liệu địa chất. Gabriel Olumide Odediran, người phụ trách đầu tư của Công ty Asset and Resource Management Company đặt tại Lagos, nhấn mạnh: “Để thành công ở Nigeria, cần phải đầu tư dài hạn. Cố gắng kiếm tiền một cách nhanh chóng sẽ không hiệu quả ở nơi này”.
Segun Lawson được xem là người tiên phong mở ra “con đường mới” đến với vàng ở Nigeria. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu công việc khai thác mỏ, Công ty Thor Explorations của ông còn nhiều việc phải làm. Đầu tiên là nghiên cứu về tính khả thi của mỏ, tiếp đó là trang thiết bị: máy nghiền đá, máy đãi vàng... phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chuyên gia địa chất này hứng khởi: “Phát triển mỏ vàng ở đây giống như là một điều siêu thực”.
D.H