Nên hay không hát nhép?
Mới đây, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm về việc nên hay không nên hát nhép. Là những người trong nghề, các nhạc sĩ cho rằng, để bảo đảm kỹ thuật âm thanh, vũ đạo trọn vẹn... một số chương trình nên cho ca sĩ hát nhép, đặc biệt là những chương trình lớn phục vụ những sự kiện trọng đại của đất nước, truyền hình trực tiếp... Vấn đề này có được đồng thuận trong dư luận cũng như các ca sĩ?
Hát nhép là gì? Ca sĩ hát và thu âm vào đĩa (hoặc băng), sau đó bật lên ở một chương trình biểu diễn. Trong quá trình biểu diễn, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, ca sĩ cứ hát “đớp” theo bài hát được bật lên từ đĩa đó và nhảy múa như thật. Tuy nhiên, giọng hát ấy, âm thanh phối khí ấy đều đã được các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại xử lý để loại bỏ tạp âm, “biến hóa” âm thanh trầm – bổng theo ý muốn. Thậm chí, nó có thể biến một giọng hát như “vịt đực” trở thành… họa mi. Như vậy, có thể coi việc ca sĩ hát nhép là lừa dối khán giả. Bởi đã đến một chương trình nghệ thuật, khán giả muốn thưởng thức giọng hát thật, âm thanh thật để từ đó hiểu hơn về tài năng, trình độ của ca sĩ cũng như sự phát triển của âm nhạc đương đại chứ không phải muốn xem kỹ thuật, công nghệ xử lý âm thanh hiện đại đến đâu. Ngay cả Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật Vương Duy Biên cũng phải thốt lên rằng: “Có những ca sĩ nghe giọng hát thật sao mà… phô thế. Thế mà khi qua xử lý bằng thiết bị kỹ thuật cao, không còn nhận ra giọng hát của họ mà cứ tưởng một… diva nữa xuất hiện…”. Ông Vương Duy Biên nói tiếp: “Cho nên không thể tin hát nhép được”.
Như vậy có nên cho hát nhép hay không?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong buổi tọa đàm này đã phát biểu: “Ở một số chương trình nghệ thuật lớn tầm cỡ quốc gia, sự kiện văn hóa… nên cho ca sĩ hát nhép để bảo đảm âm thanh, vũ đạo… Vì trong một số chương trình, dàn dựng âm nhạc không thể quy mô, thiết bị, kỹ thuật âm thanh có thể không tốt sẽ dẫn đến chất lượng của buổi biểu diễn bị ảnh hưởng. Hoặc vì thời tiết xấu, đường truyền trong các chương trình truyền hình trực tiếp không bảo đảm, nếu hát trực tiếp cũng làm cho buổi biểu diễn kém chất lượng hoặc gián đoạn. Cho nên thay vì hát trực tiếp nên để các ca sĩ hát nhép nhằm bảo đảm an toàn”. Một số ý kiến khác cũng đồng tình: Để nâng cao chất lượng biểu diễn, nhất là những chương trình đòi hỏi cả thưởng thức giọng hát, vũ đạo lẫn dàn dựng của ca sĩ… nên cho phép ca sĩ hát nhép. Nhưng vấn đề là phải công khai hát nhép để từ đó khán giả quyết định thưởng thức hay không những chương trình này.
Tuy nhiên, trước ngay cả vấn đề như vậy, quan điểm của những người trong giới như thế nào?
Khánh Linh, một ca sĩ có giọng hát trong trẻo từng tham gia rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn và các sự kiện văn hóa trọng đại dẫu rất kiệm lời nhưng câu trả lời của chị với phóng viên Năng lượng Mới đã thể hiện đầy đủ quan niệm của chị về hát nhép dẫu bất kể trong chương trình nào: “Đã là ca sĩ thì không ai thích hát nhép. Nếu phải hát nhép thì câu hỏi đó nên mang đến… Đài truyền hình”. Câu trả lời này có thể hiểu trong những chương trình biểu diễn trên truyền hình, vì điều kiện âm thanh, kỹ thuật… buộc ca sĩ không thể biểu diễn thật mà phải hát nhép. Thậm chí, ca sĩ Khánh Linh còn chia sẻ: “Có lúc như mệnh lệnh nên ca sĩ không thể cưỡng lại được, buộc phải hát nhép”.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, một người ghi nhiều dấu ấn trong làng giải trí với những ca khúc được giới trẻ yêu thích và một nhà sản xuất, phối khí “có hạng” cũng đồng quan điểm với Khánh Linh khi anh khẳng định không chút ngại ngần: “Bất kể một nghệ sĩ chân chính nào cũng không thích hát nhép. Vì hát nhép sẽ không thể hiện được tài năng, cảm xúc thật của họ khi trình diễn ca khúc. Chỉ có những ca sĩ không thể làm được những điều như vậy thì mới phải hát nhép”. Tuy nhiên, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng nhận định, ở những quốc gia có nền âm nhạc phát triển và kỹ thuật âm thanh hiện đại, một số chương trình cũng phải hát nhép do không đáp ứng được yêu cầu của chương trình biểu diễn. Nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ và thực hiện với tần suất rất ít, trong khi ở Việt Nam lại quá lạm dụng chuyện này, nhất là những show diễn trên truyền hình.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng, cũng có thể chấp nhận việc hát nhép, song chỉ với tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các chương trình biểu diễn và phải công khai. Như biểu diễn trên truyền hình chẳng hạn, biểu diễn không cầm micrô để khán giả nhận biết được. Chứ hát “đớp” nhưng lại cầm “míc” biểu diễn như thật thì coi như ca sĩ đó lừa đảo khán giả. Còn những chương trình nghệ thuật, nhất là với chương trình bán vé, thu tiền, không cho phép hát nhép. Vì chất lượng của buổi biểu diễn phụ thuộc vào khả năng trình diễn, giọng hát của ca sĩ. Và ca sĩ phải làm được điều ấy thì mới khẳng định được giọng hát, vị thế của mình.
Ca sĩ Ánh Tuyết, một giọng ca truyền cảm với những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Văn Thương… thì khẳng định ngay: “Đã trình diễn trước công chúng rồi thì ca sĩ không thể hát nhép được. Nếu anh muốn vừa hát vừa biểu diễn như nhảy, múa… thật hay thì phải cố gắng luyện tập, rèn giũa để xuất hiện trước công chúng hoàn hảo. Còn không đủ khả năng thì đừng làm nghề, đừng đi hát nữa. Có như vậy, những người làm ca sĩ mới được gọi là nghệ sĩ, là tài năng. Còn hát nhép, chưa bàn đến việc lừa dối khán giả hay không, bất kể trong trường hợp nào cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy: ca sĩ lười học, biếng tập; các nhạc công, kỹ sư âm thanh cũng mòn tay nghề… Nếu hát nhép được cho phép, thì không cần đến các cuộc thi tuyển giọng hát hay, không cần phải có trường đào tạo âm nhạc nói chung và nghề ca sĩ nói riêng”.
Với tư cách là một nhà quản lý, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại có ý kiến: Trong dự thảo nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn, đối với một số trường hợp cụ thể, Cục đề xuất cho phép hát nhép. Cụ thể, những chương trình mang mục đích quảng bá hình ảnh đất nước, tính quốc tế cao, cần độ an toàn trong khi nhiều yếu tố phải tính đến như thời tiết, kỹ thuật… (chẳng hạn như lễ khai mạc, bế mạc ASIAD, Thế vận hội Olympic…), những chương trình phát sóng bình thường, video clip ca nhạc cho phép ca sĩ được hát nhép. Còn những chương trình biểu diễn khác như chương trình được truyền hình trực tiếp có công chúng, chương trình biểu diễn bán vé thu tiền, ca sĩ không được phép hát nhép. Đối với cả trường hợp ca sĩ bị ốm, mất giọng đột xuất cũng không được nhân nhượng.
Ông Biên khẳng định: “Tốt nhất những ca sĩ như vậy đừng nhận lời tham gia hoặc tìm cách rút lui. Chứ cố gắng biểu diễn có khi lại ảnh hưởng xấu đến chính hình ảnh, uy tín của ca sĩ”. Ông Biên cũng nói thêm: “Nếu chúng ta xét cho trường hợp này được hát nhép thì lại có trường hợp khác, sẽ tạo ra tiền lệ không tốt. Cho nên, trong một chương trình bán vé, không thể thông báo bài này hát thật, bài kia hát nhép được”.
Xuân Bách