Kiểm soát tăng giá tiêu dùng dưới 4%
Từ nay đến cuối năm 2018, Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban, Ban chỉ đạo điều hành giá đã ký thông báo số 403/TB-BCĐĐHG thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 29 tháng 5 năm 2018.
Kiểm soát tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4%
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá , trong 5 tháng đầu năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự nỗ lực cao trong công tác điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2018 tăng 1,61% so với tháng 12 năm 2017, bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,01%.
Diễn biến CPI trong 5 tháng đầu năm cho thấy mặt bằng giá về cơ bản biến động tương đối sát với kịch bản dự báo, các nhân tố gây tăng giá trong hai tháng gần đây chủ yếu xuất phát từ biến động tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường trong nước và thế giới trong khi không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm 2018, mặc dù công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục chịu nhiều áp lực do giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục có khả năng tăng cao tác động đến mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu nhưng Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trên cơ sở các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm tại Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; về rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành.
Bộ, ngành phải “quản” giá hàng thiết yếu của ngành mình
Thực hiện giữ ổn định mức giá các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6 năm 2018. Tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...); đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường; chú trọng công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Cụ thể, đối với mặt hàng nông sản, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật thông tin để rà soát, nắm bắt hiện trạng số lượng đàn lợn nái, lợn thịt và khả năng cung cấp lợn xuất chuồng tại các vùng miền từ nay đến cuối năm 2018, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá để có giải pháp chủ động điều phối, tránh trường hợp khan hiếm cục bộ đẩy giá lên cao tạo hiệu ứng chung không tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và chú ý vấn đề truyền thông đảm bảo thông tin khách quan, toàn diện, chính xác. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh chế biến tinh, chế biến sâu; có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng đường, tránh tình trạng tồn kho nhiều. Nâng cao giá trị gạo Việt Nam trong xuất khẩu và cần định hướng nâng cao tỷ trọng gạo chất lượng cao trong cơ cấu gạo xuất khẩu.
Đối với xăng dầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Đối với mặt hàng điện: Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, triệt để tiết giảm chi phí để không phải điều chỉnh giá điện trong năm nay.
Đối với Thuốc và vật tư y tế: Bộ Y tế đẩy mạnh tổ chức đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với tần suất nhiều hơn và tăng cường quản lý đấu thầu vật tư, thiết bị y tế theo chỉ đạo tại Thông báo số 145/TB-VPCP ngày 18 tháng 4 năm 2018 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ Y tế (sớm thí điểm đấu thầu tập trung đối với vật tư y tế).
Đối với Dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2011 về ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, có phương án kiểm soát giá vật tư năm học mới, khắc phục cơ bản tình trạng lạm thu đóng thêm các khoản khác trong trường học. Nghiên cứu cơ chế điều hành, chủ động nắm bắt thông tin, đăng ký lộ trình tăng giá, phân bổ và kiểm soát mức độ, thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cho phù hợp.
Đối với Vật liệu xây dựng và bất động sản: Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao, chủ động nghiên cứu có giải pháp sử dụng các vật tư thay thế việc sử dụng cát trong san lấp mặt bằng.
Đối với Thị trường quyền sử dụng đất: Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất tại các đô thị lớn, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường khi xảy ra biến động bất thường.